Trước thực trạng ngộ độc rượu có cồn công nghiệp methanol diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều ca tử vong ở một số tỉnh, thành trong cả nước nên Tháng Hành động vì an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2017 (từ ngày 15-4 đến 15-5) đã có chủ đề "Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu".
Trước thực trạng ngộ độc rượu có cồn công nghiệp methanol diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều ca tử vong ở một số tỉnh, thành trong cả nước nên Tháng Hành động vì an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2017 (từ ngày 15-4 đến 15-5) đã có chủ đề “Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu”.
Một bệnh nhân nghiện rượu được cấp cứu tại Khoa cấp cứu Bệnh viện tâm thần trung ương 2. Ảnh: A.An |
Theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, trong thời gian qua 2 bệnh viện chưa tiếp nhận ca ngộ độc rượu do cồn công nghiệp (methanol) mà chủ yếu là những ca ngộ độc ethanol do uống quá nhiều rượu, bia.
Phân biệt ngộ độc rượu
Bác sĩ Trần Kim Long, Phó khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho biết ngộ độc rượu thường được chia ra làm 2 loại: ethanol và methanol. Trong những dịp lễ tết, ngày nghỉ cuối tuần, bệnh viện tiếp nhận và cấp cứu nhiều ca ngộ độc rượu do nhiễm ethanol vì uống quá nhiều rượu, thậm chí có người ngộ độc ethanol nặng dẫn đến hôn mê, phải thở bằng máy.
Tùy theo số lượng rượu được uống mà bệnh nhân có biểu hiện khác nhau. Nếu bệnh nhân bị ngộ độc do rượu ethanol thì kích thích, sững sờ, nói năng lộn xộn, có nhiều hành vi không kiềm chế. Các triệu chứng ngộ độc rượu do ethanol được nhận biết ngay với biểu hiện trong hơi thở có mùi rượu tỏa ra, nếu uống nhiều thì sẽ nôn ói và hạ đường huyết kèm theo. Thông thường với bệnh này, bệnh nhân được truyền dung dịch đào thải ethanol ra, truyền đường để tăng lại đường huyết, bệnh nhân sẽ nhanh chóng tỉnh lại.
Tuy nhiên, rượu có chất cồn công nghiệp methanol lại tiềm tàng nhiều mối nguy hiểm hơn đối với người sử dụng, vì đây là một trong những chất gây hại tới sức khỏe con người. Methanol thường được sử dụng trong công nghiệp, như: sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm, điện tử, dệt may... Chúng có giá thành rẻ hơn nhiều so với ethanol nên có người vì lợi nhuận đã dùng methanol để pha chế rượu, gây nguy hiểm đến tính mạng người tiêu dùng.
Các biểu hiện ngộ độc rượu do methanol sẽ xuất hiện sau 18-24 giờ sau khi uống hoặc cũng có thể lâu hơn. Thời gian đầu, bệnh nhân nôn ói, lơ mơ, khù khờ, tiểu ra máu, rối loạn hành vi, rối loạn thị giác, đau mạn sườn… Tình trạng nặng sẽ tăng dần khiến bệnh nhân vật vã, lơ mơ, kích thích, co giật, thở nhanh, phù phổi, phù não, phù gai thị, xuất huyết võng mạc, hạ huyết áp, hạ đường huyết. Tùy nồng độ cồn công nghiệp pha trong rượu mà có mức độ ngộ độc khác nhau, gây tổn thương đến nhiều cơ quan, đặc biệt là mắt và não, nguy cơ tử vong rất cao.
Phòng tránh ngộ độc rượu
Tác hại của việc sử dụng rượu, bia là gây nhiều bệnh trong cơ thể, như: viêm gan do rượu, bệnh gút, suy tim, hội chứng cai rượu, rối loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim, viêm phổi, viêm dạ dày, tá tràng… Đó là chưa kể, ngộ độc rượu nặng còn có thể dẫn đến tử vong.
Do đó, bác sĩ Trần Kim Long khuyến cáo người tiêu dùng tránh mua những loại rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; không nên sử dụng những loại rượu có nhãn mác lạ để tránh mua phải rượu giả, rượu có chất methanol. Trong trường hợp phải sử dụng rượu, bia thì cần sử dụng chừng mực. Đối với rượu mạnh, hạn chế không quá 30ml/ngày, đối với bia là không quá 700ml/ngày để phòng ngừa ngộ độc rượu.
Để phòng tránh những biến chứng do ngộ độc rượu, cần phát hiện sớm các biểu hiện của ngộ độc rượu để đưa bệnh nhân đi cấp cứu sớm, tránh tình trạng hôn mê sâu, khiến não thiếu oxy, việc cấp cứu rất khó khăn, bệnh nhân sẽ đối diện với nhiều nguy cơ. Do đó, khi có người nhà say rượu, cần lưu ý không để bệnh nhân nằm quá lâu, lúc đó người nhà nên đánh thức bệnh nhân dậy cho ăn cháo, uống sữa… Nếu bệnh nhân không dậy, người nhà nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện để bác sĩ có thể xử trí kịp thời.
Đối với các cơ sở y tế khi cấp cứu cho bệnh nhân ngộ độc rượu, cần lưu ý nếu bệnh nhân hôn mê phải khai thông đường hô hấp, khai thông đường thở, cho bệnh nhân nằm nghiêng tránh tụt lưỡi, suy hô hấp, lấy đàm dãi, đặt nội khí quản; nếu huyết áp tụt thấp liên tục thì phải bù dịch, ủ ấm; nếu nôn nhiều phải dùng thuốc chống nôn. Trong trường hợp nồng độ cồn methanol trong máu cao gây viêm gan, nhiễm độc, bệnh nhân hôn mê sâu phải cho thở máy, siêu lọc máu.
Tăng cường kiểm tra sản xuất, kinh doanh rượu Theo Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải, ở Đồng Nai chưa ghi nhận trường hợp ngộ độc rượu do methadol, nhưng vấn đề kiểm soát chất lượng rượu hiện nay rất khó. Trong Tháng Hành động vì an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2017, Sở Y tế sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan của tỉnh sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sản xuất, kinh doanh rượu; đặc biệt tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các làng nghề; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn nói chung và rượu nói riêng. |
An An - Phong Nguyễn (ghi)