Sau hơn 3 năm được đào tạo bài bản, 17 học viên đầu tiên của Trung tâm đào tạo nghề kỹ thuật công nghiệp Bosch (TGA) thuộc Công ty TNHH Bosch Việt Nam (Bosch Việt Nam) tại Khu công nghiệp Long Thành liên kết với Trường cao đẳng nghề Lilama 2 đã tốt nghiệp, trong đó có 9 học viên nữ.
Nguyễn Hoàng Trúc Kiều thành thạo với các thao tác máy cắt gọt kim loại CNC. Ảnh: C.Nghĩa |
Lê Thị Trâm (ngụ xã An Phước, huyện Long Thành) từng đậu vào Trường đại học công nghệ Đồng Nai và đã đóng học phí, nhưng vẫn quyết định từ bỏ con đường đại học để chọn học nghề tại TGA.
* Không theo con đường đại học
Tổng giám đốc Công ty Bosch Việt Nam Võ Quang Huệ cho biết: “Chúng tôi luôn đánh giá cao và dành sự khích lệ cho các nữ học viên dám thay đổi tư duy chọn con đường học nghề thay vì học đại học. Chúng tôi càng cảm thấy phải trân trọng những nữ sinh dám chọn lựa con đường học kỹ thuật mà lâu nay chỉ có nam giới chọn nhiều hơn. Chúng tôi tin rằng nghề gì cũng vậy, luôn cần đam mê và không phân biệt đối tượng. Khi có đam mê thì nhất định sẽ đem tới thành công”. |
Trâm cho biết vì hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả, chọn học đại học là một gánh nặng kinh tế cho gia đình vì mỗi năm tốn cả vài chục triệu đồng, ra trường lại chưa chắc có việc làm ngay. Trong khi đó ở TGA Trâm được miễn học phí, mỗi tháng còn được hỗ trợ hơn 3 triệu đồng, được TGA đóng bảo hiểm xã hội, hỗ trợ phương tiện đi lại, môi trường học tập tốt và cơ hội việc làm nhìn thấy trước mắt.
Ngày tốt nghiệp, Trâm được nhận chứng nhận nghề của Bosch, chứng nhận của Phòng Thương mại và công nghiệp Đức tại Việt Nam (GIC/AHK) đủ điều kiện làm việc ở bất cứ quốc gia nào và một bằng cao đẳng do Trường cao đẳng nghề Lilama 2 cấp, có thể học liên thông lên đại học. Trâm chia sẻ: “Với chương trình đào tạo thực tế, máy móc hiện đại, tôi đã có một nghề tốt, kỹ năng tiếng Anh tự tin. Tôi có thể thở phào vì được công ty nhận vào làm việc ngay”.
Nguyễn Hoàng Trúc Kiều, một cô gái đến từ tỉnh Bình Dương, cũng đã từ bỏ cơ hội vào học tập tại Trường đại học quốc tế miền Đông (tỉnh Bình Dương) để học nghề tại TGA. Kiều cho biết: “Lúc đầu vào tham quan Bosch, tôi có chút băn khoăn, nhưng càng tìm hiểu tôi lại càng mê mẩn vì chương trình học phần lớn là thực hành, máy móc tại TGA với máy sản xuất thực tế tại Nhà máy Bosch Việt Nam không có gì khác biệt. Hơn nữa, học viên tại TGA rất được trân trọng”.
Nguyễn Mai Bảo Trân (ngụ xã Tam Phước, TP.Biên Hòa) sau khi tốt nghiệp tại TGA đã được nhận vào làm việc tại bộ phận chất lượng của Bosch Việt Nam. Công việc của Trân là kiểm soát và điều tra nguyên nhân hàng lỗi. Trân cho biết 4 năm trước dù đã nhận giấy báo nhập học của Trường đại học công nghiệp TP.Hồ Chí Minh nhưng cô vẫn từ bỏ để vào học nghề tại TGA khi được người bạn thân dẫn vào tham quan. “Đó là một quyết định hơi “liều” tại thời điểm đó, nhưng lại đúng vì giờ tôi đã có được cả kiến thức, tay nghề, kỹ năng và việc làm với thu nhập ổn định” - Trân vui mừng nói.
* Tự tin với nghề
Ở TGA, cô gái nhỏ nhắn Nguyễn Thị Thúy đến từ tỉnh Hà Tĩnh được mọi người biết tới với biệt hiệu “Thúy khùng”. Thúy học hết năm nhất Trường đại học kinh tế TP.Hồ Chí Minh với thành tích sinh viên giỏi thì quyết định nghỉ ngang để vào TGA học nghề. Thúy kể: “Lúc nghỉ học đại học để vào TGA, cha mẹ ở quê phản đối kịch liệt, bạn bè thì gọi tôi là “Thúy khùng”. Với tấm bằng đại học kinh tế chắc không khó kiếm việc nhưng tôi đã bị “thu phục” bởi chương trình đào tạo thực tế tại TGA và cơ hội việc làm gần như chắc chắn tại Bosch Việt Nam”.
Thông thường tại các trường đào tạo nghề kỹ thuật, nhất là ngành cơ khí chế tạo và cơ điện tử thường thiếu vắng các bóng hồng, tuy nhiên tại TGA tỷ lệ nữ học các nghề nói trên lại áp đảo. Cả 3 khóa nghề cắt gọt kim loại, trong đó có khóa I mới ra trường tỷ lệ nữ chiếm trên 50%. Huỳnh Thị Thanh Tâm mới tốt nghiệp tại TGA và đang làm việc tại bộ phận đánh giá chất lượng tại Bosch Việt Nam chia sẻ: “Khi vào TGA, tôi luôn suy nghĩ rằng việc gì nam giới làm được thì nữ giới cũng có thể làm được. Có những chi tiết cơ khí tôi phải làm đi làm lại rất nhiều lần mới đạt chuẩn, nhưng khi đạt rồi thì cảm thấy rất vui và có động lực”.
Lê Thúy Diễm, học viên tốt nghiệp ngành cắt gọt kim loại, cho hay: “Ngày mới vào học tại TGA, mọi thứ đều bỡ ngỡ, nhất là khi cầm trên tay những miếng kim loại cho vào máy CNC, nhìn những lưỡi dao sắc nhọn quay tít mà chân tay tôi run bắn. Học tại TGA được một thời gian, nhờ đứng máy thường xuyên nên tôi ngày càng cảm thấy thuần thục và tự tin hơn”. Đến nay, Diễm không chỉ đọc bản vẽ và gia công được những chi tiết của dạng mô hình đơn giản mà đã có thể đọc bản vẽ, chọn vật liệu thép phù hợp để gia công ra những chi tiết máy phức tạp dùng trong thực tế. Diễm chia sẻ thêm: “Nghề cắt gọt cơ khí nghe thì vất vả nhưng không hẳn là như vậy. Trong các công ty máy móc hiện đại, con người chỉ cần am hiểu về máy móc và kỹ thuật là có thể đứng máy, không phân biệt nam hay nữ”.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, giáo viên tại TGA, cho biết nhu cầu tiếp nhận học viên từ TGA của Bosch Việt Nam còn rất lớn và còn rất nhiều cơ hội cho tất cả các đối tượng học sinh có nhu cầu, nhất là học viên nữ. Khi trải qua được các vòng xét hồ sơ, kiểm tra nhanh, phỏng vấn trực tiếp và bước chân vào TGA là gần như đã nắm chắc cơ hội việc làm trong tay. Toàn bộ số học viên đào tạo từ TGA đều được cung cấp cho nhà máy Bosch Việt Nam. TGA thực sự mang đến cho các học viên, nhất là các học viên nữ một môi trường học nghề tốt, cơ hội được rèn luyện kỹ năng, nhất là kỹ năng ngoại ngữ.
Công Nghĩa - Ngọc Trầm