Xã hội

Còn chủ quan với bệnh nghề nghiệp

Trong năm 2016, qua kiểm tra của ngành chức năng, toàn tỉnh có đến 540 cơ sở sản xuất có nguy cơ bệnh nghề nghiệp cao, nhưng mới có chưa tới 90 cơ sở đăng ký khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Nhân viên Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Đồng Nai đo chức năng hô hấp cho người lao động.
Nhân viên Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Đồng Nai đo chức năng hô hấp cho người lao động.

Nếu không được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp kịp thời, bệnh diễn tiến ngày càng nặng và không chữa khỏi.

* Bệnh điếc nghề nghiệp vẫn đứng hàng đầu

Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp đã đề nghị trong Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động lần thứ I - 2017, các cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và phúc tra về việc chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường; công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các vi phạm của doanh nghiệp; tuyên dương khen thưởng và nhân rộng các nhân tố tích cực trong công tác an toàn, vệ sinh lao động nhằm thiết thực góp phần hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Sang, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Đồng Nai (thuộc Sở Y tế) cho biết bệnh điếc nghề nghiệp vẫn dẫn đầu trong các bệnh nghề nghiệp được khám và phát hiện tại trung tâm. Trong 4 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh có hơn 4,4 ngàn lượt công nhân được khám bệnh nghề nghiệp. Trong đó, bệnh điếc nghề nghiệp đã có hơn 3,6 ngàn người, chiếm trên 80%, có 21 người mắc mới bệnh nghề nghiệp..

Một trong những nguyên nhân là do người lao động thường xuyên tiếp xúc với tiếng ồn nhưng không được khám định kỳ phát hiện sớm bệnh điếc nghề nghiệp. Điều đáng nói, trên thực tế dù biết ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng vẫn có nhiều công nhân tha thiết muốn làm trong môi trường có tiếng ồn lớn, vượt quá quy định có lương cao, nhiều chế độ ưu đãi... đến khi phát hiện, bệnh điếc nghề nghiệp đã ở mức độ nặng, khó hồi phục.

Việc phát hiện sớm giúp tình trạng bệnh điếc nghề nghiệp không diễn tiến nặng thêm. Trong ảnh: Nhân viên Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Đồng Nai đo thính lực cho người lao động.
Việc phát hiện sớm giúp tình trạng bệnh điếc nghề nghiệp không diễn tiến nặng thêm. Trong ảnh: Nhân viên Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Đồng Nai đo thính lực cho người lao động.

Cụ thể, trường hợp ông Nguyễn Ngọc Bảo, 38 tuổi, có 18 năm làm công nhân cho một công ty sản xuất thép ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (TP.Biên Hòa), làm việc trong môi trường có tiếng ồn lớn, gây giảm thính lực, ù tai nhưng vẫn ráng làm vì nghĩ bệnh không đến nỗi nào. Tuy nhiên, khi công ty cho đi khám bệnh nghề nghiệp thì ông Bảo đã bị điếc nghề nghiệp tỷ lệ đến 11%.

Theo bác sĩ Sang, trường hợp của ông Bảo nếu được khám sức khỏe định kỳ hàng năm, chỉ cần đo thính lực sẽ biết ngay tình trạng bệnh. Nếu phát hiện giảm thính lực thì phải thay đổi vị trí làm việc để hạn chế tác hại tiếng ồn. Nếu chẩn đoán bệnh điếc nghề nghiệp thì bắt buộc không được cho bệnh nhân tiếp xúc bộ phận đó để bệnh không diễn tiến nặng hơn.

Từ thực tế bệnh điếc nghề nghiệp luôn đứng hàng đầu nhiều năm nay, cho thấy trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều doanh nghiệp sản xuất bằng những máy móc thô sơ, phát ra tiếng ồn lớn. Chính vì máy móc thô sơ nên doanh nghiệp cần công nhân lao động thủ công, trực tiếp đứng máy giống như đứng máy dệt, giặt… Mặt khác, các doanh nghiệp còn lơ là trong khám sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động, cũng như ý thức của người lao động trong sử dụng các biện pháp bảo hộ lao động: nút tai, chụp tai trong quá trình làm việc cũng chưa được thường xuyên cũng là một trong những nguyên nhân khiến bệnh điếc nghề nghiệp vẫn còn cao.

Tăng cường phát hiện, phòng chống bệnh nghề nghiệp

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Sang, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Đồng Nai, cho biết giải pháp trọng tâm trong công tác chăm sóc sức khỏe người lao động năm 2017 là tăng cường phát hiện, phòng chống bệnh nghề nghiệp. Theo đó, trung tâm sẽ tăng cường quan trắc môi trường lao động cho các cơ sở lao động trong tỉnh; tăng cường công tác khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; tăng cường công tác giám sát, hướng dẫn cho các cơ sở lao động về thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe người lao động trên địa bàn tỉnh.

* Còn nhiều bất cập

Trong những năm gần đây, cùng với việc đầu tư hệ thống trang thiết bị, máy móc, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Đồng Nai đã có thể khám và phát hiện nhiều bệnh nghề nghiệp. Các loại bệnh nghề nghiệp đã được khám tại trung tâm, gồm: bệnh điếc, bụi phổi silic, viêm phế quản mạn tính, viêm gan virus, rung toàn thân, sạm da, viêm loét da, móng và quanh móng, lao, đục thủy tinh thể, nhiễm độc chì, nhiễm độc nicotin…Tuy nhiên, việc khám và phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Theo bác sĩ Sang, một trong những cái khó hiện nay là nếu muốn khám bệnh nghề nghiệp cho công nhân phải dựa vào kết quả quan trắc môi trường và  khám sức khỏe định kỳ. Khi kết quả có những yếu tố nguy cơ bệnh nghề nghiệp, mới bắt đầu gửi công văn cho các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp đồng ý thì đơn vị mới được khám, còn nếu doanh nghiệp không đồng ý thì cũng chưa có biện pháp nào chế tài. Trong khi đó, công nhân chưa tự giác đi khám, vì đôi lúc họ không biết nhiều yếu tố gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mình. Do đó, để mỗi cá nhân tự giác đến khám bệnh nghề nghiệp tại trung tâm là rất khó.

Mặt khác, trong cơ chế thị trường cạnh tranh, nhiều đơn vị khám chữa bệnh có chức năng làm bất cứ cách nào có lợi thường là hạ giá thành khám bệnh để tiếp cận được với các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp chọn giá thấp mà không quan tâm đến chất lượng khám bệnh ra sao, trong khi Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Đồng Nai có chức năng khám bệnh nghề nghiệp với đầy đủ trang thiết bị, đội ngũ bác sĩ có kinh nghiệm, giá công khám tính theo khung giá nhà nước quy định, không thể hạ giá để cạnh tranh được. Ngoài ra, nhiều năm nay các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân có khám sức khỏe định kỳ hay khám bệnh nghề nghiệp cũng không báo cáo số lượng về cho trung tâm biết để thống kê chung cho toàn tỉnh.

Như vậy,  hiện nay công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động vẫn còn nhiều bất cập. Theo đó, người lao động vẫn đang đối diện với nguy cơ bệnh nghề nghiệp cao. Để giải quyết được tình trạng này, chỉ duy nhất ngành y tế không thể làm được mà cần có sự phối hợp giữa các sở, ngành trong việc xây dựng các quy chế, các chế tài để các doanh nghiệp tuân thủ và làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe người lao động.

* Nhân viên y tế cẩn trọng với bệnh viêm gan siêu vi B

Theo thông tin từ Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường Đồng Nai, trong năm 2016 bệnh nghề nghiệp trong đội ngũ nhân viên y tế nổi lên là bệnh viêm gan siêu vi B và bệnh lao, trong đó có 4 ca mắc bệnh viêm gan siêu vi B là nhân viên Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, ngoài ra còn có 2 ca lao nghề nghiệp là nhân viên Bệnh viện phổi Đồng Nai. Để phòng ngừa, nhân viên y tế cần rửa tay sạch sau khi tiếp xúc bệnh nhân, sử dụng bảo hộ về y tế khi tiếp xúc với người bệnh, đặc biệt là những bệnh dễ lây nhiễm để tránh lây nhiễm từ người bệnh.

* Bệnh bụi phổi silic - kẻ giết người thầm lặng

Một trong những bệnh nghề nghiệp có nhiều người mắc tại Đồng Nai chính là bệnh bụi phổi silic. Đây là tình trạng bệnh lý của phổi do hít thở bụi có chứa silic trong môi trường lao động nhiều bụi, như: công việc ở các mỏ đá, sản xuất vật liệu xây dựng... Đặc điểm của bệnh là xơ hóa phổi không hồi phục do hít phải bụi. Nguy hiểm của bệnh này là diễn tiến bệnh rất âm thầm, xơ hóa ngày càng lan tỏa. Nếu phát hiện sớm và ngừng tiếp xúc với bụi, nhiều trường hợp bệnh ổn định. Nếu phát hiện trễ, phổi xơ hóa nhiều, nguy cơ tử vong cao.

Ngọc Thư - Thảo Anh

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,402,755       5/931