Mặc dù chưa đến thời điểm nghỉ hè, nhưng tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai số ca tai nạn thương tích nhập viện ở trẻ đã tăng cao. Phần lớn các tai nạn của trẻ đều do sự bất cẩn từ người lớn dẫn đến những hậu quả hết sức đau lòng.
Bác sĩ Phạm Văn Khương, Khoa Ngoại chấn thương - chỉnh hình, bỏng Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai khám bệnh cho một bệnh nhân bị té gãy tay. Ảnh: Đ.Ngọc |
L.N.A. (8 tuổi, ở huyện Long Thành) vừa thi học kỳ II xong nên cha mẹ cho đi bơi. Tuy nhiên, do bất cẩn em bị hụt chân ở hồ bơi của người lớn, do không biết bơi nên bị đuối nước. Dù đã được sơ cứu đặt nội khí quản tại Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành, nhưng khi chuyển lên Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai bé A. đã tím tái, hôn mê sâu, tiên lượng rất xấu.
* Những tai nạn không ngờ
Số ca tai nạn thương tích tăng 50% Bác sĩ Phạm Văn Khương, Khoa Ngoại chấn thương - chỉnh hình, bỏng Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho biết khoảng 2 tuần gần đây, số ca tai nạn thương tích nhập viện điều trị nội trú tại khoa tăng cao. Trước đây, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 7-10 ca bệnh mới, chủ yếu do tai nạn giao thông, nhưng hiện nay mỗi ngày tiếp nhận 10-15 ca bệnh mới, trong đó gia tăng các tai nạn rủi ro, như: té ngã, bỏng… Bệnh nhân phần lớn trong độ tuổi từ 4-10 tuổi, độ tuổi hiếu động, chưa ý thức hết mức độ nguy hiểm của các hành động của mình. |
Ngoài đuối nước thì một trong những tai nạn khiến trẻ nhập viện nhiều trong những ngày gần đây là tai nạn giao thông ở tại khu dân cư nơi gia đình trẻ sinh sống do bé tự động chạy ra đường, bị xe đang lưu thông đụng phải. Những tai nạn này thường dẫn đến hậu quả hết sức nặng nề. Cụ thể, như trường hợp bé Đ.K.H. (6 tuổi, ở TP.Biên Hòa) đang chơi trong nhà, khi người thân không để ý, bé H. tự ý chạy ra đường đã bị một chiếc xe tải không làm chủ tốc độ đụng phải khiến bé bị chấn thương sọ não, hôn mê sâu, gãy nát cẳng chân trái, phải chuyển viện lên tuyến trên để điều trị.
Bên cạnh đó, các tai nạn thương tích té ngã do leo trèo cây, ghế, cửa sổ cũng chiếm khá đông. Phần lớn các trường hợp bị té ngã do leo trèo này đều bị thương khá nặng, gãy tay, gãy chân phải phẫu thuật để kết hợp xương. Thậm chí có trường hợp bị thương quá nặng, gây tổn thương dây thần kinh, ảnh hưởng đến khả năng vận động như trường hợp bé Đ.V.T., ở xã Phú Túc (huyện Định Quán). Sau khi thi xong, T. cùng các bạn vào rẫy điều chơi và bị ngã từ trên cây cao xuống khiến cánh tay trái bị gãy làm 2 khúc. Dù đã được mổ ghép xương nhưng do vị trí gãy ở cẳng tay bị chấn thương quá mạnh, gãy thành nhiều mảnh, trong đó có nhiều dây thần kinh nên sẽ ảnh hưởng các dây thần kinh vận động sau này.
Cũng chiếm số lượng đông đúc tại Khoa Ngoại chấn thương - chỉnh hình, bỏng Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai là những ca bỏng do điện, nước sôi… Hầu hết các ca bỏng của trẻ đều do người lớn bất cẩn. Đơn cử như trường hợp của bé N.Đ.B. (3 tuổi, ở phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) bị bỏng độ III và độ IV cả 2 bàn tay do đụng vào điện. Ngày 7-5, người nhà của bé B. cắm điện để khoan tường nhưng khi làm xong không cất đi, bé B. thấy vậy đã đến rút phích điện ra chơi và bị điện giật. Đến nay, bé B đã trải qua 2 cuộc phẫu thuật để cắt lọc vết bỏng nhưng vẫn chưa khỏi hẳn, còn trải qua cuộc phẫu thuật để ghép da.
* Phòng ngừa tai nạn cho trẻ
Bác sĩ Phạm Văn Khương, Khoa Ngoại chấn thương - chỉnh hình, bỏng cho biết thường vào dịp hè, số ca tai nạn thương tích nhập viện tăng cao. Do đó, để phòng ngừa tai nạn thương tích cho con em mình, phụ huynh cần luôn để mắt trông nom, chú ý phòng ngừa các nguy cơ gây ra tai nạn thương tích cho trẻ.
Cụ thể, như không cho trẻ leo trèo, không chơi các vật sắc, nhọn; dạy trẻ tránh xa các ổ điện, không để đèn thờ trong tầm với của trẻ; không trêu chọc súc vật; không chơi gần bụi rậm, đống xà bần đề phòng rắn cắn, chuột cắn; trông chừng không để trẻ nhỏ tự ý chạy ra đường… Đặc biệt, khi cho trẻ đi xe máy, phụ huynh cần cho trẻ đội nón bảo hiểm để phòng ngừa chấn thương sọ não nếu không may xảy ra tai nạn giao thông. Vì hậu quả của chấn thương sọ não rất nặng nề, có thể gây tử vong hoặc gây các di chứng, như: động kinh, yếu liệt tay chân, sụt giảm trí tuệ…
Về tai nạn do đuối nước, bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, khuyến cáo phụ huynh phải trông nom trẻ khi đi bơi, nhất là những trẻ không biết bơi. Để phòng ngừa đuối nước còn phải cho trẻ sử dụng phao bơi. Trong trường hợp trẻ bị đuối nước cần được phát hiện sớm và biết cách sơ cứu: hà hơi, thổi ngạt. Bởi lẽ, nếu trẻ bị ngạt nước khoảng 5 phút, não thiếu oxy sẽ gây hư não. Nếu suy hô hấp kéo dài dù có được đưa đi cấp cứu, công tác điều trị rất khó khăn, khả năng cứu chữa cũng rất thấp, khó hồi phục, nguy cơ tử vong cao. Nếu có cứu sống cũng để lại những di chứng nặng nề, như: sống thực vật, yếu liệt, mất khả năng học tập, lao động.
Đặng Ngọc