Xã hội

Chính thức áp dụng viện phí mới đối với 1.900 dịch vụ y tế

Hôm nay (1/6), giá viện phí mới sẽ được chính thức áp dụng cho bệnh nhân chưa có bảo hiểm y tế, theo nội dung của Thông tư số 02 của Bộ Y tế.

Làm thủ tục thanh toán viện phí ở một bệnh viện. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Làm thủ tục thanh toán viện phí ở một bệnh viện. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Trong tháng Sáu và tháng Bảy, có gần 100 bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh thuộc nhóm tự chủ tài chính hoàn toàn sẽ áp dụng mức viện phí mới này.

Đến tháng Tám, có 30 tỉnh, thành phố áp dụng mức viện phí mới và tới tháng 10 có tiếp 15 tỉnh, thành phố áp dụng.

18 tỉnh, thành phố còn lại sẽ áp dụng mức viện phí mới vào tháng 12.

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BYT quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước (gọi tắt là Thông tư số 02).

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, việc áp dụng viện phí mới sẽ được thực hiện theo lộ trình, không đồng loạt tăng trên cả nước.

Việc áp dụng viện phí mới được thực hiện từng bước, thận trọng, theo lộ trình điều chỉnh giữa các địa phương, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế. Việc tăng viện phí không áp dụng cùng lúc vì liên quan đến kinh tế vĩ mô, chỉ số tiêu dùng. 

Trong đợt tăng viện phí này, có trên 1900 dịch vụ y tế được áp dụng giá viện phí mới, với mức tăng giá từ 20-25%, bên cạnh đó cũng có những dịch vụ tăng từ 2-3 lần, theo đó tiền khám bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1: 39.000 đồng/lượt; hạng 2: 35.000 đồng/lượt, hạng 3: 31.000 đồng/lượt và hạng 4, trạm y tế xã: 29.000 đồng/lượt. 

Với các bệnh nhân điều trị ung thư mà không tham gia bảo hiểm y tế, chi phí xạ phẫu bằng Cyber Knife là hơn 20 triệu đồng; Xạ phẫu bằng Gamma Knife: hơn 28 triệu đồng; Xạ trị bằng X Knife: hơn 28 triệu đồng. Đây là mức giá viện phí đã áp dụng trước đó cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế, được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến. 

Đến thời điểm này, mức giá viện phí được áp dụng chung cho cả hai nhóm bệnh nhân có bảo hiểm y tế, không có bảo hiểm y tế để đảm bảo tính công bằng, thúc đẩy người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Theo Bộ Y tế, việc điều chỉnh giá của người không có thẻ bảo hiểm y tế nhằm tạo sự công bằng với những người tham gia bảo hiểm y tế, đồng thời tiến tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2020.

Luật Bảo hiểm y tế quy định bảo hiểm y tế là bắt buộc, tuy nhiên hiện nay vẫn còn gần 20% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế, trong số này có rất nhiều người cận nghèo, người có thu nhập trung bình nhà nước đã có chính sách hỗ trợ từ 30-70% mức đóng nhưng vẫn chưa tham gia bảo hiểm y tế.

Vì vậy, việc thực hiện Thông tư 02 sẽ khuyến khích người chưa có thẻ bảo hiểm y tế tham gia bảo hiểm y tế, thuận lợi cho các cơ sở y tế trong việc thu và quản lý nguồn thu, các bệnh viện có kinh phí để nâng cao chất lượng dịch vụ./.

THÙY GIANG (VIETNAM+)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,401,609       18/1,912