Xã hội

Những đứa trẻ không may mắn

Trong khi nhiều em nhỏ được cha mẹ mua quà tặng, dẫn đi chơi nhân Ngày quốc tế thiếu nhi 1-6, thì vẫn còn những trẻ em kém may mắn phải vất vả mưu sinh phụ giúp gia đình, hoặc mắc bệnh hiểm nghèo xem bệnh viện là nhà.

Hè đến, trẻ em ở tổ 10, ấp 3, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) tranh thủ bện (đan) tranh để phụ giúp bố mẹ. Ảnh: ĐOÀN PHÚ
Hè đến, trẻ em ở tổ 10, ấp 3, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) tranh thủ bện (đan) tranh để phụ giúp bố mẹ. Ảnh: ĐOÀN PHÚ

* Ngày tết không tròn

Sáng nay 1-6, tại Nhà thiếu nhi Đồng Nai sẽ diễn ra lễ khai mạc hoạt động hè “Hè kết nối yêu thương - Em vui an toàn” và Ngày hội tuổi thơ nhân dịp Ngày quốc tế thiếu nhi. Chương trình diễn ra với nhiều hoạt động, như: thi đọc sách mùa hè; biểu diễn văn nghệ của bộ phận năng khiếu bán trú, các trò chơi, thư viện sách, chiếu phim, tặng quà cho 100 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…

Mới hơn 3 tuổi nhưng H.D.Q. (ở trọ tại phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) đã có nhiều thời gian nằm viện ở Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai.

Người nhà của Q. cho biết Q. sinh ra ở tỉnh Bắc Giang, theo cha mẹ vào Đồng Nai làm ăn từ khi hơn 1 tuổi. Lúc lọt lòng mẹ, Q. khỏe mạnh không khác gì những đứa trẻ bình thường. Trong một lần sốt cao kéo dài, cha mẹ đưa Q. vào viện thì bác sĩ phát hiện em bị viêm phổi nặng kèm theo bại não.

Từ đó, bệnh viện với Q. trở thành nhà, các y bác sĩ chăm sóc cho Q. trở thành những người thân. Từ chỗ biết nói, biết cười… giờ Q. nằm một chỗ với các loại máy móc vây quanh.

Mang trong mình bệnh hiểm nghèo, Q. không biết đến ngày Tết thiếu nhi cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng nhiều em nhỏ mặc dù đã lên 10 tuổi, nhưng cũng không biết ngày quốc tế thiếu nhi là ngày gì.

Tối 31-5, trong khi một số em được gia đình chở đi chơi, mua quà... thì 2 anh em Khánh và Duy (bìa phải) ở phường Tân Phong (TP.Biên Hòa) vẫn tranh thủ đi bán vé số. Ảnh: N.SƠN
Tối 31-5, trong khi một số em được gia đình chở đi chơi, mua quà... thì 2 anh em Khánh và Duy (bìa phải) ở phường Tân Phong (TP.Biên Hòa) vẫn tranh thủ đi bán vé số. Ảnh: N.SƠN

Cầm xấp vé số ngồi nghỉ mệt trên chiếc ghế đá trong khuôn viên Nhà thiếu nhi Đồng Nai, em Nguyễn Tấn Lộc (10 tuổi) không giấu nổi khát khao khi nhìn thấy bạn bè cùng trang lứa được tham gia học các lớp năng khiếu, được nũng nịu đòi cha mẹ mua quà bánh, đồ chơi.

Lộc kể, em là người miền Tây. Nhà chỉ có 2 mẹ con, cuộc sống vùng sông nước vất vả nên mấy năm nay mẹ con dắt díu nhau lên Đồng Nai đi bán vé số dạo kiếm sống. Từ đó đến nay bất kể nắng mưa, cứ 7-8 giờ sáng Lộc và mẹ chia nhau mỗi người một hướng đi bán vé số cho tới tối muộn mới về. Bữa cơm sáng và chiều cũng tạm bợ như chính cuộc sống của 2 mẹ con em ở mảnh đất này.

* Ước muốn nhỏ nhoi

Tuổi thơ đã phải mang trên mình gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền - những việc mà lẽ thường thuộc về người lớn - đã là một thiệt thòi. Càng đau xót hơn khi đã 10 tuổi đầu mà Lộc vẫn chưa biết chữ. Ngoài xấp vé số, trên tay em còn cầm một phiếu quà tặng ngày 1-6 của Nhà thiếu nhi Đồng Nai, thế nhưng khi được hỏi trên phiếu ghi những gì thì Lộc chỉ biết lắc đầu vì em không biết chữ.

Lộc kể, ngày còn ở dưới quê em được đi học mẫu giáo, lúc vào lớp 1 vì mẹ không có tiền nên em phải ở nhà. Mỗi lần nhìn thấy các bạn mặc đồng phục học sinh, đeo cặp, đeo khăn quàng đỏ trên vai lòng em vui lắm.

Lộc bộc bạch, từ ngày lên TP.Biên Hòa kiếm sống, có đôi lần em được vận động đi học ở các lớp học tình thương, em thích lắm. Em tưởng tượng đến cảnh ngày đi bán vé số, tối cắp sách đến lớp học chữ. Nhưng tưởng tượng ấy chợt tan biến, bởi nếu em đi học rồi vé số bán được ít, mẹ con em sẽ sống ra sao? Chưa kể, sắp tới mẹ sinh em bé, em sẽ là lao động chính kiếm tiền trang trải tiền trọ, chăm sóc mẹ và em.

Hè đến, trẻ em ở tổ 10, ấp 3, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) tranh thủ bện (đan) tranh để phụ giúp bố mẹ.
Hè đến, trẻ em ở tổ 10, ấp 3, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) tranh thủ bện (đan) tranh để phụ giúp bố mẹ. Ảnh: Đ.PHÚ

Trường hợp của cô bé “ròm” có nước da ngăm đen Lý Thị Thanh Thùy (11 tuổi, xã Phú Vinh, huyện Định Quán) cũng không ngoại lệ. Thùy may mắn được đến trường, nhưng ngược lại sớm thiếu vắng tình yêu thương, bàn tay chăm sóc của mẹ.

Theo lời kể của Thùy, mẹ bỏ  2 cha con đi khi em còn nhỏ. Từ ngày mẹ đi, cha mặc dù sức khỏe yếu nhưng vẫn cố gắng đi làm hồ nuôi em ăn học. Vì thiếu sự chăm sóc của mẹ, Thùy sớm tự lập. Sau giờ học ở trường, em vun vén mọi việc trong nhà để cha yên tâm đi làm.

Câu chuyện về cuộc sống của 2 cha con đang được Thùy kể say sưa bỗng khựng lại, em òa khóc khi nhắc đến mẹ. Trong tiếng nấc nghẹn ngào, em chỉ kịp nói: “Em mong mẹ về để chia sẻ bớt vất vả cho cha, để cuộc sống của em an yên, bớt cơ cực”...

Nga Sơn

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,401,647       23/1,810