Liên tiếp những tuần gần đây, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận và điều trị cho một số ca sốt xuất huyết dengue rất nặng, có diễn biến phức tạp, chuyển nặng bất ngờ gây khó khăn trong quá trình điều trị.
Liên tiếp những tuần gần đây, Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận và điều trị cho một số ca sốt xuất huyết dengue rất nặng, có diễn biến phức tạp, chuyển nặng bất ngờ gây khó khăn trong quá trình điều trị.
Bé Phạm Thị Hạnh Nguyên vừa qua cơn nguy kịch do sốt xuất huyết nặng. Ảnh: A.An |
Như trường hợp bé Phạm Thị Hạnh Nguyên (4 tuổi, ngụ tại xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) vừa qua cơn nguy kịch do bị sốt xuất huyết dengue rất nặng, ở thể hiếm gặp.
Bé Nguyên được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng suy hô hấp, suy thận, tràn dịch màng tim, men gan tăng, xuất huyết tiêu hóa. Rất may, bé đã được các bác sĩ Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cấp cứu và điều trị kịp thời các biến chứng nói trên. Trong đó, bé suy hô hấp rất nặng phải thở máy liên tục trong 5 ngày.
Theo người nhà của bé Nguyên, bé bị sốt cao liên tục nhưng y tế tuyến cơ sở chỉ chẩn đoán bị sốt siêu vi nên cho về nhà uống thuốc. Tuy nhiên, bé uống thuốc vẫn không hạ sốt mà ngày càng mệt mỏi, lừ đừ nhưng người nhà chủ quan không đưa đi tái khám ngay. Đến khi bé rất mệt mới đưa đi khám ở một phòng khám tư nhân thì đã có dấu hiệu suy hô hấp và chuyển lên tuyến trên cấp cứu.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, cho biết trường hợp của bé Nguyên khá đặc biệt vì rất ít trường hợp bệnh sốt xuất huyết có tràn dịch màng tim.
Nhìn bề ngoài, da của bé không có biểu hiện gì đặc biệt nên rất khó chẩn đoán hoặc dễ chẩn đoán nhầm bị bệnh về tim. Do đó, nếu ít có kinh nghiệm điều trị những ca sốt xuất huyết dengue nặng thì rất khó chẩn đoán các triệu chứng trên là do sốt xuất huyết.
Bác sĩ Nghĩa cho hay, một trong những nguyên nhân các ca bệnh sốt xuất huyết diễn tiến huyết là do phụ huynh vẫn còn chủ quan với bệnh sốt xuất huyết, chưa được cảnh báo theo dõi sát diễn tiến bệnh của con.
Mặt khác, một số cơ sở y tế tuyến huyện, cơ sở tư nhân chưa có kinh nghiệm điều trị các ca bệnh sốt xuất huyết nặng nên theo dõi bệnh chưa sát; chưa kịp thời phán đoán được diễn tiến nhanh, bất ngờ của bệnh sốt xuất huyết gây suy gan, suy hô hấp… để có biện pháp ngăn chặn từ sớm.
Theo bác sĩ Nghĩa, sốt xuất huyết là căn bệnh lây truyền từ muỗi. Do đó, để phòng bệnh cần có biện pháp ngăn chặn muỗi sinh sản bằng cách diệt lăng quăng, phòng ngừa muỗi đốt, như: ngủ mùng, mặc quần áo dài cho trẻ. Trong trường hợp trẻ sốt cao liên tục 3 ngày không hạ cần đưa trẻ đến các cơ sở để khám, chẩn đoán bệnh sớm. Nếu bé mệt mỏi, lừ đừ, thở mệt, xuất huyết tiêu hóa phải nhập viện gấp để điều trị.
An An (ghi)