Xã hội

Những ca mổ đặc biệt

Những năm gần đây, Bệnh viện đa khoa khu vực (ĐKKV) Định Quán tạo ấn tượng khi cứu sống một số ca nguy kịch, trong tình trạng thập tử nhất sinh. Nếu chuyển viện lên tuyến trên, chắc chắn bệnh nhân sẽ không qua khỏi.

Bác sĩ Trần Thành Trung, Phó trưởng khoa Sản Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán, hỏi thăm mẹ con sản phụ Nguyễn Thị Hậu trước khi xuất viện. Ảnh: N.Thư
Bác sĩ Trần Thành Trung, Phó trưởng khoa Sản Bệnh viện đa khoa khu vực Định Quán, hỏi thăm mẹ con sản phụ Nguyễn Thị Hậu trước khi xuất viện. Ảnh: N.Thư

Mới đây nhất vào tháng 5-2017, các bác sĩ của Bệnh viện ĐKKV Định Quán đã cứu sống cả mẹ và con sản phụ Nguyễn Thị Hậu (ở xã Cát Tiên, huyện Tân Phú) bị bục vết mổ cũ khiến thai nhi chui ra ngoài ổ bụng. Nếu chỉ chậm trễ vài phút, nguy cơ tử vong của mẹ và con rất cao.

* Trước ranh giới sống và chết

Phát triển nhiều kỹ thuật cao

Không chỉ được chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật sọ não, trong những năm qua Bệnh viện ĐKKV Định Quán còn được chuyển giao nhiều kỹ thuật mới, đặc biệt là chuyên khoa ngoại - sản từ các bệnh viện tuyến tỉnh. Đến nay, bệnh viện đã làm chủ các kỹ thuật được chuyển giao, như: nội soi niệu, hông lưng, tán sỏi ngược dòng hệ niệu, nội soi túi mật, mổ nội soi viêm ruột thừa; mổ nội soi cắt ruột thừa, thủng dạ dày, cắt túi mật, chấn thương bụng kín, thai ngoài tử cung, u nang buồng trứng…

Nhớ lại ca mổ hy hữu đó, bác sĩ Trần Thành Trung, Phó trưởng khoa Sản Bệnh viện ĐKKV Định Quán, cho biết khi sản phụ Hậu được chuyển từ Bệnh viện đa khoa huyện Tân Phú lên cấp cứu đã đau bụng, đau nhiều ở vết mổ cũ khiến bác sĩ trực vô cùng lo lắng vì đây là lần sinh mổ thứ 3 của chị này, nguy cơ vỡ tử cung rất lớn. Nếu chuyển lên tuyến trên, cách xa hơn 80km, sản phụ sẽ gặp nguy hiểm. Và đúng như dự đoán, khi phẫu thuật cấp cứu, các bác sĩ phát hiện đầu thai nhi đã lọt ra ngoài ổ bụng theo đường bục của vết mổ. Các bác sĩ đã tiến hành đưa thai nhi ra ngoài, hồi sức khẩn cấp và cứu sống bé kịp thời.

Chị Hậu đã sinh mổ được một bé trai, nặng 3kg trong niềm vui vô bờ bến của gia đình và cả ê kíp bác sĩ trực hôm đó. Chị Hậu chia sẻ: “Tôi vô cùng biết ơn ê kíp bác sĩ và nhân viên y tế trực đã cứu sống mẹ con tôi. Nếu họ không dự đoán được tình huống xấu mà chuyển tôi lên tuyến trên, có lẽ mẹ con tôi khó qua khỏi”.

Việc cứu sống những ca mổ đặc biệt như thế luôn để lại cho các bác sĩ nơi đây nhiều kỷ niệm khó phai mờ. Bác sĩ Nguyễn Văn Hựu, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện ĐKKV Định Quán, nhớ lại ca mổ cứu sống bệnh nhân Lê Văn Hùng (41 tuổi, ngụ TX.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) bị té từ giàn giáo cao 4m, bị vỡ gan, vỡ toác cơ hoành, giập phổi, tràn máu màng phổi và giập nát thận phải… Bệnh nhân đang được người nhà chuyển từ tỉnh Lâm Đồng đi TP.Hồ Chí Minh chữa trị nhưng đi đến huyện Định Quán, bệnh nhân ra máu ồ ạt, rơi vào trạng thái hôn mê. Trước tình trạng của bệnh nhân Hùng, Bệnh viện ĐKKV Định Quán đã quyết định phẫu thuật cứu người.

Sau khi được cứu sống, ông Hùng đã xem các bác sĩ như người thân trong gia đình. “Mỗi dịp có việc đi ngang Đồng Nai, tôi đều ghé thăm các bác sĩ trong bệnh viện. Ngày 8-8 này là tròn 1 năm ngày giỗ hụt của tôi, tôi cũng sẽ ghé thăm các bác sĩ và nhân viên bệnh viên đã cho tôi hồi sinh sống lại. Chứ lúc xe chạy đến Định Quán là tôi nghĩ mình đã chết rồi”, ông Hùng chia sẻ.

* Cứu người là trên hết

Trong 2 năm qua, Bệnh viện ĐKKV Định Quán còn cứu sống nhiều ca bị chấn thương sọ não, bị đâm thủng tim, vỡ lách, vỡ ruột, vỡ bàng quang… Đặc biệt, bệnh viện đã cứu sống nhiều ca chấn thương sọ não nặng được UBND tỉnh khen thưởng đột xuất, nếu không được cứu sống trong thời gian vàng, bệnh nhân sẽ không qua khỏi hoặc có qua khỏi cũng chịu nhiều hậu quả nặng nề ảnh hưởng đến vận động và trí tuệ. Xuất phát từ thực tế, trên đường quốc lộ 20 thường xảy ra nhiều tai nạn giao thông nên bệnh viện đã chủ động đề xuất được chuyển giao kỹ thuật mổ sọ não từ rất sớm. Sau 5 năm triển khai mổ sọ não đến nay, bệnh viện đã đưa mổ sọ não vào kỹ thuật thường quy.

Bác sĩ Nguyễn Văn Danh, Giám đốc Bệnh viện ĐKKV Định Quán, cho biết là một bệnh viện ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh nên bệnh viện còn nhiều những khó khăn, nhất là nguồn nhân lực còn thiếu rất nhiều. Tuy nhiên, bệnh viện rất quan tâm đào tạo, nâng cao tay nghề của bác sĩ, nhân viên y tế; triển khai nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao của các chuyên khoa; xây dựng được tinh thần phục vụ bệnh nhân trong toàn thể bệnh viện. Vì vậy, khi gặp những ca bệnh khó, nguy kịch, bệnh viện đã tự tin giữ lại để cứu chữa.

“Đối với những tình huống bệnh nhân được đưa vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, chúng tôi vẫn có thể cho chuyển tuyến. Nhưng với lương tâm của nghề y, chúng tôi không thể thấy chết mà không cứu. Nếu chỉ vì sợ mang tiếng này nọ, chuyển bệnh nhân đi thì sẽ khỏe cho bệnh viện nhưng tính mạng bệnh nhân thì không bảo đảm. Còn việc giữ lại cấp cứu cũng không phải hoàn toàn không có rủi ro nhưng trước ranh giới sinh tử, chúng tôi quyết định làm mọi cách để cứu sống bệnh nhân trước. Đối với những tình huống này, đòi hỏi lãnh đạo trực phải quyết định nhanh, cương quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm; cùng việc huy động nhiều bác sĩ cũng như chuẩn bị sẵn ngân hàng máu sống để cứu người là trên hết” - bác sĩ Danh chia sẻ.

Ngọc Thư

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,399,448       2/1,133