Mới đây, Bệnh viện da liễu Đồng Nai đã đưa kỹ thuật ứng dụng ánh sáng trong điều trị các bệnh về da nhất là bệnh bạch biến, vảy nến. Đây là một tín hiệu vui cho bệnh nhân bị bạch biến và vảy nến.
Bác sĩ Đặng Ngọc Toàn đang chiếu đèn điều trị bệnh bạch biến cho một bệnh nhân. Ảnh: T.Anh |
Trước đây, bệnh nhân bị bệnh bạch biến và vảy nến phải uống, bôi thuốc thường xuyên, gây trở ngại trong sinh hoạt. Hiện nay, việc ứng dụng ánh sáng (đèn cực tím) điều trị bệnh bạch biến, vảy nến giúp bác sĩ có thể tiên lượng được sau bao nhiêu liệu trình điều trị bệnh sẽ thuyên giảm.
Nhanh hết bệnh
Chị L.P.D. ở huyện Định Quán cho biết gần 5 tháng nay, chị bị bệnh bạch biến với những đốm loang trắng trên mặt nên rất tự ti. Chị đi tái khám bác sĩ, uống thuốc thường xuyên nhưng không cải thiện nhiều. Khi được biết Bệnh viện da liễu Đồng Nai triển khai ứng dụng ánh sáng trong điều trị da, chị đã đến khám và điều trị. Sau 5 lần điều trị, hiệu quả mang lại rất tốt. “Tôi thật bất ngờ về kết quả điều trị này. Mới đầu chiếu thấy hơi rát nhưng sau đó bình thường. Vùng da tôi đã có dấu hiệu phục hồi” - chị Dung chia sẻ.
Theo bác sĩ Đặng Ngọc Toàn, Khoa Khám bệnh Bệnh viện da liễu Đồng Nai, việc sử dụng ánh sáng từ cả 2 nguồn là đèn cực tím và bóng đèn đều có hiệu quả như nhau. Đó là chiếu trực tiếp vào vùng da bị tổn thương nhằm phục hồi sắc tố da.
Việc điều trị hiệu quả bệnh bạch biến tùy theo từng giai đoạn sớm hay muộn. Đối với trường hợp của bệnh nhân Dung do mới mắc bệnh nên chỉ 5/25 lần chiếu đã đáp ứng tốt liệu trình điều trị. Khi chiếu vào vùng da bạch biến của chị Dung cho thấy có nhiều dấu chấm đen, đó là dấu hiệu đang dần phục hồi da. Nếu bệnh nhân Dung kiên trì điều trị và đáp ứng tốt thì hiệu quả thành công rất cao. Thực tế có đến 80% ca điều trị thành công bệnh bạch biến và vảy nến có áp dụng kỹ thuật ánh sáng này.
Hiệu quả cao
Bệnh nhân mới đầu điều trị nếu sử dụng mức năng lượng không phù hợp sẽ gây đỏ da, bỏng. Để tránh tình trạng này và biết được bệnh nhân đáp ứng mức năng lượng bao nhiêu, trước tiên bệnh nhân phải được kiểm tra độ đỏ da tối thiểu, nhạy cảm ánh sáng và một số bệnh lý khác. Bệnh nhân được thử 6 vị trí chiếu trên cơ thể với 6 mức năng lượng khác nhau từ thấp đến cao, mỗi một vị trí chiếu trong vòng 3 giây. Chẳng hạn sau khi chiếu xong, bệnh nhân đáp ứng tốt thì cho bệnh nhân bắt đầu điều trị lần chiếu đầu tiên ở mức năng lượng đó.
Bác sĩ Toàn cho biết đối với vảy nến, bệnh nhân sẽ điều trị từ 10-12 lần chiếu, sau 10 lần chiếu có hiệu quả sẽ tiếp tục điều trị, còn khi phát hiện có ban đỏ nặng, da phồng rộp và tạo vảy nhiều sẽ ngưng điều trị. Với bệnh bạch biến, bệnh nhân được điều trị từ 20-25 lần chiếu, trong quá trình điều trị từ 6-8 lần chiếu ở vùng da bạch biến nếu phát hiện có những lấm chấm nhỏ, tế bào gốc bên ngoài vùng da đi vào đã cho thấy hiệu quả, vì đang dần phục hồi sắc tố da. Sau 15 lần chiếu bệnh nhân không có hiệu quả thì sẽ ngưng điều trị.
Nếu bệnh nhân áp dụng điều trị kỹ thuật này khi ra nắng phải sử dụng kem chống nắng và che kín mặt tránh các yếu tố môi trường bên ngoài tác động vào. Đối với bệnh nhân mang thai, bị bạch tạng và có tiền sử ung thư da không điều trị kỹ thuật này.
Bệnh bạch biến, vảy nến tuy chưa rõ nguyên nhân, bệnh không ảnh hướng đến sức khỏe nhưng lại gây mất thẩm mỹ và khiến bệnh nhân mặc cảm. Bệnh hiện nay chưa có cách phòng ngừa, do đó khi có những dấu hiệu lạ, bất thường về da trên cơ thể, mọi người nên đến bệnh viện chuyên khoa để được tư vấn, nếu phát hiện bệnh sẽ được điều trị sớm và hiệu quả mang lại cao. |
Thảo Anh (ghi)