Xã hội

Lan tỏa những tấm gương hiếu thảo

Trước sự tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống trong gia đình càng trở nên quan trọng.

Em Nguyễn Kim Khánh (phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) cùng bà ngoại chuẩn bị bữa cơm chiều trước khi mẹ đi làm về.
Em Nguyễn Kim Khánh (phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) cùng bà ngoại chuẩn bị bữa cơm chiều trước khi mẹ đi làm về.

Ngày 27-6, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cùng Đài PT-TH Đồng Nai, Tỉnh đoàn, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, Báo Đồng Nai phối hợp tổ chức chương trình giao lưu, biểu dương Người con hiếu thảo tỉnh Đồng Nai lần thứ I-2017. Chương trình nhằm tôn vinh và nhân rộng các tấm gương người con hiếu thảo trong cộng đồng.

* Những tấm lòng thơm thảo

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Lê Thị Ngọc Loan cho biết giao lưu, biểu dương Người con hiếu thảo là chương trình mang ý nghĩa nhân văn nên những năm tới Hội sẽ tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị tổ chức chương trình này. Đây là cách để nhân rộng nhưng tấm gương hiếu thảo với ông bà, cha mẹ trong cộng đồng. để chương trình nhận được sự đồng tình của xã hội, các gương điển hình được chọn lọc phải đảm bảo đúng đối tượng, thực sự tiêu biểu, được gia đình và xã hội công nhận.

Thiếu may mắn, chị Lê Thị Phước Tâm lấy phải người chồng lười biếng, ham ăn nhậu. Cuộc hôn nhân chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn, khi con gái được hơn 1 tuổi chị Tâm ôm con về nhà mẹ đẻ ở ấp 4, xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) sinh sống.

Bản thân chị Tâm là nạn nhân chất độc da cam, đầu bị móp, mắt bên phải không nhìn rõ, sức khỏe yếu hơn người bình thường... 1-2 năm đầu mới về với mẹ, chị đi làm ở cơ sở tư nhân để kiếm tiền nuôi con. Chị Tâm cho biết khoảng gần 10 năm nay sức khỏe mẹ chị suy yếu, bệnh gan, phổi, thiếu máu não, thần kinh “đua nhau trỗi dậy”, vết thương vì mảnh bom đạn năm xưa cũng đau nhức thường xuyên. Cuộc sống của gia đình anh trai và chị gái cũng khó khăn nên từ ngày mẹ đổ bệnh, chị Tâm nghỉ làm ở nhà chăm mẹ, rảnh thì đi làm thuê kiếm thêm thu nhập. Tháng nào mẹ khỏe, chị đi làm nhiều thì kiếm được gần 3 triệu/tháng, nhưng có tháng lại không có đồng nào - đó là thời điểm mẹ chị nằm viện gần cả tháng, chị phải theo chăm sóc mẹ.

Chị Lê Thị Gái (54 tuổi, ấp Đồng, xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) đã không lập gia đình để ở nhà nhặt ve chai và đi bán cá dạo để lấy tiền chăm lo mẹ là bà Phạm Thị Sa (76 tuổi) bị liệt nửa người gần 10 năm  nay và em gái út (42 tuổi) bị bệnh thần kinh không thể chăm sóc cho bản thân. Ảnh: V.CHÍNH
Chị Lê Thị Gái (54 tuổi, ấp Đồng, xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) đã không lập gia đình để ở nhà nhặt ve chai và đi bán cá dạo để lấy tiền chăm lo mẹ là bà Phạm Thị Sa (76 tuổi) bị liệt nửa người gần 10 năm nay và em gái út (42 tuổi) bị bệnh thần kinh không thể chăm sóc cho bản thân. Ảnh: V.CHÍNH

Cách đây hơn 1 năm, cô con gái 13 tuổi bị động kinh phải điều trị (ngoại trú) tại Bệnh viện tâm thần trung ương 2. Tiền làm ra thì ít, tiền chữa bệnh, thuốc men thì nhiều, mảnh đất của gia đình chị cắt bán nhiều lần nay chỉ còn khoảng đất nhỏ để ở nhưng chị Tâm vẫn dịu dàng, kiên trì chăm sóc cho mẹ, cho con không một lời oán than. Khó khăn nhiều khi bóp nghẹt cuộc sống, nhưng rồi tình thương và trách nhiệm đã tiếp thêm nghị lực để những đứa con như chị Tâm vươn lên làm tròn bổn phận của mình.

Đáng trân trọng hơn là những người con dâu, con nuôi tận tụy chăm sóc cha mẹ chồng, cha mẹ nuôi như chính cha mẹ ruột của mình.

Mặc dù mẹ chồng đã mất cách đây vài tháng, nhưng tấm gương hiếu thảo, chăm sóc mẹ chồng như mẹ ruột của chị Nguyễn Ngọc Hà (ấp 8, xã Phú Tân, huyện Định Quán) vẫn được mọi người truyền tai khen ngợi.

Chị Hà kể, chị gặp và quen chồng chị từ khi 2 người đi hái cà phê thuê trên Đắk Lắk. Trong một lần sửa nọc tiêu, anh bị té thang, tổn thương cột sống phải ngồi xe lăn vĩnh viễn, không còn khả năng lao động. Chỉ bởi chữ “tình”, quyết định xin gia đình 2 bên được lấy anh làm chồng của chị đã khiến bao người phải ngỡ ngàng, thậm chí hoài nghi. Tình cảm chân thành của chị đã làm lay động những ý định cản ngăn của người thân. Từ ngày về làm dâu, chị Hà vừa một tay chăm lo miếng ăn, giấc ngủ cho chồng, mẹ chồng bị tai biến và chị gái chồng bị tâm thần bẩm sinh, vừa là trụ cột kiếm tiền nuôi sống cả gia đình. Gần 10 năm chung sống, vất vả kể khôn xiết, thế nhưng chị Hà chưa một lần oán than, ngược lại còn cảm thấy hạnh phúc khi được tự tay chăm sóc cho người thân.

* Cần được nhân rộng

Chị Lê Thị Phước Tâm (ấp 4, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu) xoa bóp chân cho mẹ mỗi khi trái gió trở trời
Chị Lê Thị Phước Tâm (ấp 4, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu) xoa bóp chân cho mẹ mỗi khi trái gió trở trời

Trong những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực góp phần khơi dậy tinh thần trách nhiệm của con cháu đối với ông bà, cha mẹ và trách nhiệm của gia đình đối với xã hội. Trong đó, có phong trào “Gia đình ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” của các cấp Hội Người cao tuổi tỉnh; hoạt động “Chăm sóc phụng dưỡng ông bà cha mẹ’’ của các cấp bộ Đoàn; “Hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững”, các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình và thực hiện bình đẳng giới trong gia đình, Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”… của các Hội Liên hiệp phụ nữ trong tỉnh.

Thông qua các phong trào, cuộc vận động, hoạt động, cán bộ, đoàn viên, hội viên đã hiểu và trân trọng giá trị truyền thống của gia đình. Từ đó, biết kính trên, nhường dưới, lễ phép với ông bà, cha mẹ, chăm sóc phụng dưỡng ông bà, cha mẹ chu đáo hơn.

Với mục đích tôn vinh, giới thiệu và nhân rộng các gương điển hình về sự hiếu thảo, hết lòng yêu thương, chăm sóc và phụng dưỡng ông bà, cha mẹ góp phần thiết thực vào đẩy mạnh công tác tuyên truyền những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống của dân tộc và giáo dục, định hướng lối sống đẹp trong xã hội... Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, Tỉnh đoàn, Đài PT-TH Đồng Nai và Báo Đồng Nai sẽ phối hợp tổ chức chương trình giao lưu, biểu dương 158 gương người con hiếu thảo tỉnh lần thứ I-2017 vào ngày 27-6.

Bà Lê Thị Ngọc Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, cho biết 158 gương người con hiếu thảo được biểu dương lần này đều có điểm chung là vượt khó, chăm sóc phụng dưỡng ông bà, cha mẹ, làm tròn bổn phận con cháu trong gia đình. Bên cạnh các gương điển hình hết lòng chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ ruột, cha mẹ chồng, cha mẹ vợ, cha mẹ nuôi còn có những học sinh dù tuổi còn nhỏ nhưng đã có những hành động đẹp xứng đáng được biểu dương và nhân rộng. Trong đó, có em mồ côi cha, mồ côi mẹ, hoặc còn cha mẹ nhưng mắc bệnh hiểm nghèo hoặc nghèo khó. Hầu hết các em đều là những tấm gương vượt khó, luôn chăm sóc, phụ giúp ông bà cha mẹ, nỗ lực trong học tập để không phụ lòng ông bà, cha mẹ.

Điển hình như trường hợp của em Nguyễn Kim Khánh, học sinh lớp 11B108 Trường THPT Lê Quý Đôn (hiện ở phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa). Cha mất khi Khánh 9 tuổi và em trai mới 7 tháng tuổi. Sự ra đi đột ngột của cha là một cú sốc quá lớn đối với mẹ con Khánh. Căn nhà đang xây dở - nơi mà chỉ vài tháng nữa sau khi hoàn thiện sẽ là tổ ấm của 4 người, nay phải dừng lại. 3 năm sau nhờ sự giúp sức của 2 gia đình nội ngoại, căn nhà mới được hoàn thiện. Từ ngày cha mất, áp lực kinh tế gia đình đè nặng lên đôi vai mẹ, đồng lương công nhân hơn 4 triệu đồng/tháng không đủ chỉ tiêu cho cả nhà, nhất là từ khi em vào lớp 10 phải đóng học phí 2,5 triệu đồng/tháng. Thương mẹ, hàng ngày sau giờ học ở trường, ngày thứ bảy, chủ nhật, mùa hè, Khánh xin phụ bán phở với bà nội để có tiền trang trải học phí đỡ đần cho mẹ, quán xuyến việc nhà, cơm nước để sau khi mẹ đi làm về sẵn có cơm ăn và nghỉ ngơi.

“Ước mơ của em là được bước vào cánh cổng đại học cho dù có phải vừa làm vừa học. Bởi với em chỉ có con đường này mới mở ra cho em cơ hội có được một công việc tử tế, lo cho bản thân, cho mẹ và cho em trai” - Khánh bộc bạch.  

Nga Sơn

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,397,835       1/1,229