Xã hội

Những công nhân mê sáng tạo

Với sự chăm chỉ, cần cù, ham học hỏi, có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong công việc, không ít công nhân lao động đã được lãnh đạo công ty, doanh nghiệp tín nhiệm, giao giữ những chức vụ cao hơn, có thu nhập ổn định và giúp đỡ được nhiều người hơn.

Họ là những tấm gương sáng về sự kiên trì, cầu tiến để những công nhân khác học tập, noi theo, cùng làm lợi cho doanh nghiệp, cho đất nước và chính bản thân mình.

* Những sáng kiến ích lợi

Anh Nguyễn Thường Tín, Trưởng bộ phận quản lý chất lượng Công ty cổ phần Teakwang Vina Industrial (Khu công nghiệp Biên Hòa 2), là một trong những tấm gương tiêu biểu trong việc không ngừng sáng tạo. Anh Tín cho biết trước đây công nhân phải dùng sơn để sơn đế giày vừa vất vả, vừa không hiệu quả mà mất nhiều thời gian. Lớp sơn ở đế giày sau một thời gian đi sẽ bị bong ra, ảnh hưởng đến chất lượng và mẫu mã của sản phẩm. Từ đó, anh Tín đã suy nghĩ và nảy ra sáng kiến “Bỏ quy trình sơn trên đế giày bằng cách làm màu ở đế”. Khi áp dụng, sáng kiến này đã khiến đôi giày có màu sắc đẹp hơn, bắt mắt hơn, tăng khả năng cạnh tranh, đồng thời giúp công ty tiết kiệm hơn 10 ngàn USD mỗi tháng.

Không dừng lại ở đó, sáng kiến “Thay đổi khổ giấy A4 thành A5 trên thùng carton” của anh Tín còn giúp công ty tiết kiệm được 12 tấn giấy sạch mỗi năm. Sáng kiến này sau đó được áp dụng đến 39 nhà máy sản xuất giày Nike trên toàn cầu. Theo anh Tín, thay thế 2 tờ giấy A4 (để ghi địa chỉ, mã số giày, số lượng giày) ở bên ngoài thùng carton khi đóng hàng xuất sang nước ngoài bằng một tờ giấy A5 sẽ tiết kiệm, gọn gàng và đẹp hơn rất nhiều.

Hay như cải tiến “Kẹp gắp hàng Yamaha” của anh Phạm Văn Hùng, công nhân cơ khí, bảo trì Công ty TNHH Hirota Precision Việt Nam (Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1) cũng được lãnh đạo công ty đánh giá có tính sáng tạo cao. Anh Hùng cho biết trước đây các máy dập khuôn yêu cầu công nhân phải thao tác bằng tay để đưa sản phẩm Yamaha vào khuôn. Điều này có rủi ro cao, ảnh hưởng đến an toàn của người lao động nếu máy dập gặp sự cố. Từ đó, anh Hùng đã nghiên cứu và chế tạo chiếc kẹp bằng sắt. Khi sử dụng chiếc kẹp này, công nhân gắp sản phẩm đưa vào khuôn để sản xuất vừa an toàn vừa đảm bảo năng suất lao động. Sáng kiến này sau đó được áp dụng toàn công ty và hiện được công nhân sử dụng rất hiệu quả.

* Giúp đỡ nhiều công nhân

Tổ trưởng xưởng trang trí dụng cụ thể thao Nguyễn Thị Tiền (Công ty TNHH Cự Thành, huyện Long Thành, chuyên sản xuất dụng cụ thể dục, thể thao, trang phục, dụng cụ và thiết bị) trưởng thành từ vị trí công nhân nên có nhiều kinh nghiệm trong thực tế sản xuất. Với vai trò tổ trưởng, chị Tiền luôn trăn trở, suy nghĩ để tìm ra những cách làm đơn giản, hiệu quả, giúp công nhân thực hiện công việc thuận lợi hơn mà sản phẩm lại ít bị lỗi nhất.

Chị Tiền cho hay sau khi nhận hàng từ xưởng sản xuất, công nhân trong xưởng tiến hành phun sơn bảo vệ, xử lý lên màu, dán tem, lột bóng ở các tem hàng và lau bụi. Những việc đó đòi hỏi người lao động phải cẩn thận, tránh làm sai sót. Với những khách hàng khác nhau lại có những yêu cầu, đòi hỏi khác nhau, do đó người công nhân phải không ngừng sáng tạo, nâng cao tay nghề, đáp ứng yêu cầu công việc. Muốn công nhân thực hiện tốt, chị Tiền luôn cố gắng tìm ra những cách làm hiệu quả nhất, sau đó sẽ truyền đạt cho công nhân trong xưởng cùng làm. Khi công nhân làm sản phẩm bị lỗi, chị Tiền đứng ra nhận trách nhiệm rồi hướng dẫn lại cho công nhân chứ không đổ lỗi cho họ. Nhờ sự tận tâm giúp đỡ của người tổ trưởng và sự nỗ lực của công nhân mà rất nhiều lần xưởng trang trí được Ban giám đốc công ty khen ngợi. Nhiều công nhân được khích lệ, có động lực cố gắng đã vững tay nghề, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Cũng trưởng thành từ vị trí công nhân thêu, may, chị Nguyễn Thị Bích Vân (Tổ trưởng chuyền thêu Công ty TNHH Yupoong Việt Nam, Khu công nghiệp Loteco, TP.Biên Hòa) hiểu hơn ai hết tâm tư, nguyện vọng của anh chị em công nhân.

Chị Vân chia sẻ: “Lúc mới vào làm, tôi cũng gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm. Để làm tốt công việc được giao, tôi luôn cố gắng phấn đấu, nỗ lực hết mình”. Có những thời điểm kinh tế khó khăn, giá cả các mặt hàng đều tăng trong khi giá gia công lại giảm, ảnh hưởng đến tâm lý của nhiều công nhân. Trước tình hình đó, chị Vân đã động viên mọi người trong tổ cùng sáng tạo, làm việc hiệu quả hơn. Chẳng hạn như: sáng kiến sắp xếp lại các đầu mối nguyên liệu thuận chiều tay nhận, giúp công nhân không bị lúng túng; bố trí các máy thêu và công nhân ngồi thêu không quá xa nhau để việc chuyển thêu sản phẩm không mất thời gian; cách đổi kim thêu để không bị gãy mà đúng hoa văn trên từng chiếc nón… Nhờ đó, người lao động trong xưởng làm việc tốt hơn, đỡ vất vả hơn.

An Yên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,394,576       1/1,017