Xã hội

Áo trắng tuyên truyền giao thông

Từ cuộc thi "Giao thông học đường", nhiều học sinh bậc THPT và THCS đã được tiếp cận kiến thức về an toàn giao thông một cách mới mẻ, thú vị và trang bị kỹ năng cần thiết khi lưu thông trên đường an toàn.

Từ cuộc thi “Giao thông học đường”, nhiều học sinh bậc THPT và THCS đã được tiếp cận kiến thức về an toàn giao thông một cách mới mẻ, thú vị và trang bị kỹ năng cần thiết khi lưu thông trên đường an toàn.

Giám đốc Sở Giao thông - vận tải, Phó ban thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Trịnh Tuấn Liêm trao giấy khen cho các học sinh đoạt giải cao tại cuộc thi “Giao thông học đường” năm học 2016-2017.
Giám đốc Sở Giao thông - vận tải, Phó ban thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Trịnh Tuấn Liêm trao giấy khen cho các học sinh đoạt giải cao tại cuộc thi “Giao thông học đường” năm học 2016-2017.

Câu hỏi trắc nghiệm phong phú cùng hình ảnh 3D sinh động, dễ hiểu và hấp dẫn; nội dung bám sát vào các tình huống giao thông hàng ngày trong đời sống nên cuộc thi “Giao thông học đường” không chỉ giúp học sinh hình thành ý thức tự giác khi tham gia lưu thông trên đường mà còn có thể nhận biết được các tình huống giao thông nguy hiểm và có kỹ năng phòng tránh.

* Nữ sinh mê an toàn giao thông

Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng cho hay cuộc thi “Giao thông học đường” triển khai trên internet với hình ảnh và kỹ thuật 3D, thiết kế hiện đại, thân thiện, lành mạnh... đã thực sự thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh trên phạm vi cả nước. Cuộc thi đã góp phần tuyên truyền, nâng cao kiến thức pháp luật và ý thức cho học sinh khi tham gia giao thông trên đường.

Xuất sắc đoạt giải nhì toàn quốc cuộc thi “Giao thông học đường” năm học 2016-2017, Bùi Thị Kim Dung (lớp 11 Trường THPT Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch) chia sẻ khá áp lực khi “đấu” với hàng trăm thí sinh từ vòng thi cấp trường, tỉnh, đến quốc gia. Mỗi thí sinh phải tham gia trả lời 35 câu hỏi, thời gian tối đa cho 1 câu do ban tổ chức đưa ra là 30 giây. Nội dung 35 câu hỏi bao gồm: kiến thức giao thông, kỹ năng tham gia giao thông và văn hóa giao thông. Số điểm khi kết thúc bài thi sẽ là căn cứ để xếp hạng.

“Điều khiến em áp lực nhất là về mặt thời gian, không trả lời nhanh câu hỏi là máy chuyển qua câu khác và mất luôn quyền làm lại. Làm nhanh và chắc, có những câu mất chưa đến 3 giây, nhưng cũng có câu tốn nhiều thời gian khiến em bị cuốn vào và xoay theo bài làm” - Dung nói.

Cô nữ sinh dáng vẻ nhỏ nhắn nhưng khá hoạt bát cho hay đây là dịp tốt để em kiểm tra kiến thức an toàn giao thông của bản thân và biết thêm nhiều cái mới. Em đã lần lượt vượt qua hết vòng thi này đến vòng thi khác. Bây giờ, các bạn trong lớp và ở trường đều tham gia và bàn luận rất sôi nổi vì đây không chỉ là cuộc thi, mà còn là một trò chơi kiến thức rất thú vị.

Các câu hỏi về pháp luật giao thông thường rối rắm, khó nhớ nên nhiều người và học sinh ít quan tâm. Đây chính là nguyên nhân khiến người ta tham gia giao thông trên đường theo bản năng hơn là chấp hành pháp luật giao thông. Nhưng từ khi tham gia cuộc thi “Giao thông học đường”, Dung trở nên đam mê; cứ có thời gian em lại tìm tòi, học hỏi thêm kiến thức và các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông.

“Những cái nhỏ tồn tại quanh ta giúp em rút ra bài học và cách làm hay. Hôm qua, con đường trước nhà em ngập nước đến đầu gối, nhiều người bị té xe, thậm chí còn mất tiền, mất của. Nhìn cảnh ấy, em muốn mình mau chóng làm được gì đó để mọi người ra đường an toàn hơn” - Dung thủ thỉ.

* Bớt nỗi lo tai nạn giao thông

Trong cuộc thi “Giao thông học đường” cấp tỉnh vừa qua, Trần Hữu Phước (học sinh Trường THCS Cẩm Đường, huyện Long Thành) xuất sắc đoạt giải nhất. Cậu học trò nhỏ chia sẻ đã nhiều lần chứng kiến những vụ tai nạn giao thông thương tâm xảy ra ngay trước mắt nên em muốn tìm hiểu pháp luật giao thông, trang bị cho mình kiến thức phòng tránh tai nạn giao thông.

“Những hành động cụ thể, như: đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy; không phóng nhanh, vượt ẩu; không lạng lách, đánh võng; đi xe đạp không dàn hàng ngang trên đường…, là những hình ảnh đẹp để các bạn học sinh chung tay xây dựng môi trường giao thông Việt Nam ngày càng an toàn, thân thiện” - Phước nói.

Đường sá ở xã đi lại còn khó khăn, người dân quê ít tiếp xúc với pháp luật an toàn giao thông. Bà con vẫn có thói quen tham gia giao thông tùy tiện và đây là nguyên nhân gây tai nạn giao thông. Phước bày tỏ quyết tâm sẽ luôn gương mẫu trong thực hiện quy định pháp luật về an toàn giao thông; đồng thời là “hạt nhân” tuyên truyền, vận động gia đình, bạn bè, cộng đồng cùng xây dựng văn hóa giao thông.

Cùng quan điểm với Phước, Dung chia sẻ thêm về nỗi lo tai nạn giao thông trong học đường. Không ít phụ huynh khi đưa đón con đến lớp còn dừng, đậu xe tùy tiện dưới lòng đường gây ùn tắc, mất an toàn giao thông trước cổng trường. “Bên cạnh nâng cao ý thức cho học sinh, nhà trường cần tăng cường kiểm tra việc thực hiện trật tự an toàn giao thông để các bạn kịp thời uốn nắn, hoặc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm” - Dung lên tiếng.

Thanh Hải

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,352,770       1/448