Xã hội

Bát nháo quầy thuốc không phép

Nổi cộm trong các vi phạm của các cơ sở hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn tỉnh gần đây là hoạt động của các cơ sở kinh doanh thuốc không phép, hành nghề vượt quá khả năng chuyên môn.

Thanh tra Sở Y tế tiến hành niêm phong thuốc và các chai truyền dịch của một cơ sở dịch vụ y tế ở ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch.
Thanh tra Sở Y tế tiến hành niêm phong thuốc và các chai truyền dịch của một cơ sở dịch vụ y tế ở ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch.

Ngày 18-7, đoàn thanh tra của Sở Y tế đã kiểm tra đột xuất một dịch vụ y tế trái phép ở ấp 3, xã Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch). Khi kiểm tra, cơ sở này có một người mặc áo chuyên môn ngồi trông nom cơ sở, ngoài bán thuốc còn có 2 giường truyền dịch và nhiều chai dịch đang truyền dở; có máy xông khí dung, máy đo huyết áp.

* Vừa bán thuốc vừa truyền dịch

Phát hiện nhiều cơ sở y tế tư nhân vi phạm

Trong 6 tháng đầu năm 2017, có 19/55 cơ sở y tế tư nhân được Thanh tra Sở Y tế kiểm tra có vi phạm với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 400 triệu đồng. Nội dung vi phạm chủ yếu là: hành nghề không có chứng chỉ, không có giấy phép hoạt động, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, vừa khám bệnh vừa phát thuốc, hành nghề vượt quá khả năng chuyên môn, bán các mặt hàng thuốc đã hết hạn sử dụng.

Mặc dù người được giao trông coi cơ sở không xuất trình được bất cứ giấy phép hoạt động nào, nhưng phía trước cơ sở có bảng quảng cáo rất hoành tráng: chăm sóc sức khỏe, khôi phục và điều trị: xương khớp, châm cứu, bấm huyệt, xông xoang, hút đàm, truyền dịch, chích thuốc, khâu vết thương. Tại đây, đoàn cũng phát hiện được cuốn vở có ghi sẵn toa thuốc của những bệnh, như: sốt thông thường, sốt chưa rõ nguyên nhân, khó thở - mệt mỏi, đau đầu - xây xẩm - mệt mỏi, ho nhiều - ho lâu ngày...

 Trong khi đó, nhân viên đứng ra bán thuốc có mặc áo chuyên môn nhưng cho biết chỉ là sinh viên đang theo học dược sĩ tại Trường cao đẳng y tế Đồng Nai. Thậm chí, người này còn không hợp tác với đoàn kiểm tra và cho rằng mình “vô can” vì chỉ đứng ra trông coi giùm cho người nhà. Trước những sai phạm của cơ sở này, đoàn thanh tra đã yêu cầu cơ sở ngưng hoạt động từ ngày 18-7, đồng thời niêm phong và tạm giữ một số chai dịch đang truyền dở và một số thuốc.

Cũng tại ấp 3, xã Hiệp Phước, đoàn thanh tra Sở Y tế đã phát hiện quầy thuốc Phương Hà tiếp tục hoạt động không phép. Trước đó khoảng 2 tháng, đoàn thanh tra đã phát hiện quầy thuốc này hoạt động trái phép và mời về Sở Y tế làm việc nhưng chủ quầy thuốc không chấp hành. Trong đợt kiểm tra lần này, chủ quầy thuốc cũng không xuất trình được các loại giấy tờ hoạt động nên thanh tra yêu cầu cơ sở này ngưng hoạt động từ ngày 18-7.      

* Hoành hành gần các khu công nghiệp

Theo Chánh thanh tra Sở Y tế Nguyễn Mạnh Dũng, hiện nay các quầy thuốc mọc lên khá nhiều, nhất là ở những địa phương gần các khu công nghiệp, như TP.Biên Hòa, các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu. Bên cạnh những quầy thuốc được cấp phép hoạt động vẫn còn những quầy thuốc hoạt động không phép, thậm chí có quầy thuốc vừa khám bệnh vừa bán thuốc, truyền nước. Những quầy thuốc không phép mọc lên tự phát khó kiểm soát hết được, chủ yếu từ kênh thông tin do người dân báo đến.

Theo thông tin từ Phòng Y tế TP.Biên Hòa, địa phương này có hơn 1,5 ngàn cơ sở y tế tư nhân, trong đó có tới hơn 670 cơ sở dược và trên 40% cơ sở dược trong số này nằm ở phường gần các khu công nghiệp là Long Bình và Trảng Dài. Hoạt động của các quầy thuốc ở đây diễn biến khá phức tạp với lỗi vi phạm chủ yếu là: hoạt động trái phép, dược sĩ vắng mặt, truyền dịch…

Riêng tại huyện Nhơn Trạch, trong 6 tháng đầu năm 2017, số quầy thuốc mọc lên khá nhiều, chủ yếu tập trung tại các xã gần khu công nghiệp, như: Hiệp Phước, Long Thọ, Phước Thiền… Hiện toàn huyện có khoảng 200 quầy thuốc được cấp phép hoạt động, tăng khá cao so với những năm về trước. Đó là chưa tính vẫn còn những quầy thuốc hoạt động không phép lén lút tại các khu đông dân cư, khu nhà trọ công nhân mà Phòng Y tế chưa quản lý hết được.

Thực tế, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số ca tử vong khi đang truyền nước biển tại các quầy thuốc và cơ sở y tế không phép. Tình trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng nghiêm trọng do người bệnh không được điều trị đến nơi đến chốn, mua thuốc kháng sinh quá dễ dàng. Điều này rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành chức năng và những đơn vị có liên quan nhằm chấn chỉnh hoạt động hành nghề y tế tư nhân còn nhiều vi phạm như hiện nay.

An An

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,352,699       3/448