Xã hội

Mức đóng bảo hiểm mới có lợi cho người lao động

Theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), từ ngày 1-1-2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH bao gồm: lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được ghi trong hợp đồng lao động.

Từ 1-1-2018, mức đóng bảo hiểm xã hội mới sẽ tăng thêm quyền lợi cho người lao động (ảnh minh họa). Ảnh: Khắc Giới
Từ 1-1-2018, mức đóng bảo hiểm xã hội mới sẽ tăng thêm quyền lợi cho người lao động (ảnh minh họa). Ảnh: Khắc Giới

Đây là quy định có lợi cho người lao động. Do đó, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, người lao động phải tự nâng cao nhận thức, cân nhắc kỹ trong việc ký kết hợp đồng lao động.

* Tránh “chẻ” nhỏ khoản thu của người lao động

Ông Cao Duy Thái, Quyền Trưởng phòng Lao động - tiền lương và bảo hiểm xã hội Sở Lao động - thương binh và xã hội, khuyến cáo: hiện vẫn chưa có văn bản của ngành chức năng hướng dẫn cụ thể việc đóng BHXH theo mức lương quy định từ ngày 1-1-2018. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền lợi cho mình, người lao động nên tìm hiểu pháp luật về lao động. Đối với những hợp đồng lao động cần xem xét kỹ các điều khoản, nếu chưa rõ phải có ý kiến và yêu cầu được giải thích thỏa đáng trước khi quyết định ký hợp đồng với người sử dụng lao động. Vì hợp đồng lao động chính là căn cứ để xem xét, bảo đảm các yếu tố liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động.

Hiện tại, tiền lương tháng đóng BHXH đối với người lao động theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định từ ngày 1-1-2016 đến ngày 31-12-2017 là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động. Theo đó, người lao động sẽ được đóng BHXH dựa trên mức lương và phụ cấp lương ghi trong hợp đồng lao động. Tuy nhiên, thực tế không ít doanh nghiệp đã “chẻ nhỏ” các khoản thu nhập của người lao động để giảm số tiền phải đóng BHXH.

Nhiều trường hợp có thu nhập hàng tháng từ 10-20 triệu đồng, nhưng trong hợp đồng chỉ thể hiện mức lương và phụ cấp lương bằng một nửa khoản lãnh thực tế. Số còn lại được chia vào các khoản thu nhập khác không có trong hợp đồng. Như vậy, doanh nghiệp sẽ bớt gánh nặng đóng BHXH cho công nhân theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, nhiều lao động chưa hiểu hết về những chính sách nên chỉ cần thu nhập vẫn đủ con số thực tế là yên tâm, không thắc mắc. Điều người lao động cần lưu ý ở chỗ, việc “chẻ” nhỏ thu nhập sẽ ảnh hưởng đến vấn đề nhận trợ cấp BHXH, lương hưu về sau.

* Đóng bảo hiểm theo thu nhập thực tế

Theo quy định, từ ngày 1-1-2018, tiền lương tháng đóng BHXH đối với người lao động bao gồm: mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động. Đây là điều bắt buộc nhằm tránh tình trạng người lao động có thu nhập cao nhưng mức đóng bảo hiểm thấp, làm ảnh hưởng tới chế độ lương hưu về sau.

 Cách tính tiền lương tháng được cụ thể là mức lương, được tính theo thời gian của công việc hoặc chức danh theo thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng mà 2 bên đã thỏa thuận. Đối với người lao động hưởng lương sản phẩm hoặc lương khoán thì ghi mức lương tính theo thời gian để xác định đơn giá sản phẩm hoặc lương khoán; phụ cấp lương, gồm các khoản thu nhập ngoài lương mà hai bên đã cam kết. Ngoài ra, các khoản phụ cấp lương gắn với quá trình làm việc và kết quả thực hiện công việc của người lao động; các khoản bổ sung khác, như: xác định mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương; các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể được chi trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương của người lao động…

Tuy nhiên, các khoản bổ sung khác không gồm tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, khoản hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người thân kết hôn, sinh nhật, trợ cấp cho người gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.

Vy Vy

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,349,947       2/1,150