Xã hội

Sốt xuất huyết bùng phát

Trong 3 tháng trở lại đây, trên địa bàn tỉnh số ca mắc sốt xuất huyết có chiều hướng tăng nhanh. Số ca nhập viện điều trị bệnh sốt xuất huyết ngày càng nhiều.

Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải (bìa trái) giám sát việc phòng chống bệnh sốt xuất huyết tại một hộ dân ở xã An Phước, huyện Long Thành. Ảnh: Đ.Ngọc
Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải (bìa trái) giám sát việc phòng chống bệnh sốt xuất huyết tại một hộ dân ở xã An Phước, huyện Long Thành. Ảnh: Đ.Ngọc

Mới đây, một bé trai 12 tuổi ở xã Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch) đã tử vong do sốc sốt xuất huyết. Khi ngành y tế địa phương tiến hành giám sát mật độ muỗi và lăng quăng, khu vực xung quanh nhà bệnh nhân ở mật độ muỗi và lăng quăng rất cao.

* Tăng đột biến

Tiếp tục tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng

Trong thời gian tới, Đồng Nai tiếp tục ra quân chiến dịch diệt lăng quăng vòng 3, vòng 4 nhằm huy động các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng tham gia vệ sinh, diệt lăng quăng tại nhà, các khu nhà trọ, các cơ quan, xí nghiệp, các hộ kinh doanh và quan tâm đến các khu đất trống, khơi thông cống rãnh và xử lý các bãi rác tự phát. Phải duy trì thường xuyên việc dọn vệ sinh và diệt lăng quăng hàng tuần tại các hộ gia đình cũng như tại các cơ quan, nhà máy… Chỉ có diệt lăng quăng mới là giải pháp phòng chống sốt xuất huyết bền vững nhất.

Tính đến ngày 31-7, toàn tỉnh ghi nhận hơn 2,8 ngàn trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2016, đã có 2 trường hợp tử vong tại các huyện Trảng Bom và Nhơn Trạch. Trong đó, tăng cao nhất là huyện Nhơn Trạch với 659 ca (tăng hơn 162% so với cùng kỳ năm 2016) chỉ đứng sau TP.Biên Hòa. Điều đáng nói, 50% tổng số ca mắc sốt xuất huyết ở Nhơn Trạch là công nhân. Mặc dù ngành y tế phối hợp với chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống dịch, như: triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi, nhưng đến nay tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tại huyện Nhơn Trạch vẫn còn diễn biến phức tạp.

Lý giải cho vấn đề này, Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Nhơn Trạch Võ Phi Hồng cho biết, đa phần bệnh nhân sốt xuất huyết sinh sống trong những khu nhà trọ không đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường. Công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh tại các khu nhà trọ rất khó khăn vì nhiều nhà trọ thường xuyên đóng cửa, không gặp được người ở để tuyên truyền cũng như phun thuốc diệt muỗi. Chính vì vậy, ý thức phòng chống dịch bệnh của công nhân sống tại các khu nhà trọ chưa cao.

Tại TP.Biên Hòa, địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất tỉnh trong 7 tháng của năm 2017 là 750 ca, tăng 13,4% so với cùng kỳ. Theo Phó giám đốc Trung tâm y tế TP.Biên Hòa Nguyễn Văn Trai, hiện nay nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết ở thành phố rất cao. Bởi  những mối lo về tình hình vệ sinh môi trường ở các khu nhà trọ còn chưa đảm bảo, nhiều công trình xây dựng với các dụng cụ chứa nước là nơi sinh sản của muỗi…

* Nguy cơ bùng phát dịch

Đánh giá về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tại Đồng Nai, Phó giám đốc Sở Y tế Huỳnh Cao Hải, Phó trưởng ban chỉ đạo Ban Phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm Đồng Nai, cho biết Đồng Nai hiện xếp thứ 6 cả nước về tổng số ca mắc sốt xuất huyết/ngàn dân. Tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết ở người lớn có xu hướng tăng, đến nay đã khoảng 50%. Bệnh ở người lớn thường chủ quan do phát hiện muộn làm cho việc xử lý ổ dịch chậm, tăng nguy cơ lây lan bệnh.

Bộ Y tế đánh giá Đồng Nai là một trong những địa phương trọng điểm về sốt xuất huyết của cả nước. Theo nhận định của Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh, với việc thay đổi các tuýp virus gây bệnh hàng năm và yếu tố miễn dịch cộng đồng, năm 2017-2018 sẽ bước vào chu kỳ của dịch sốt huyết tại phía Nam (khoảng 10 năm/lần). Ngoài ra, năm nay mùa mưa đến sớm, từ tháng 2 đã có mưa lớn và nhiệt độ trung bình tăng, làm gia tăng mật độ muỗi ngay từ đầu năm. Đồng thời, năm 2017 nhuần 2 tháng 6, có nghĩa là mùa mưa sẽ kéo dài hơn. Những yếu tố trên là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản và tăng nguy cơ bệnh sốt xuất huyết bùng phát trên diện rộng.

Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai Bạch Thái Bình cho rằng bên cạnh sự chủ động của ngành y tế, còn cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và ý thức phòng chống dịch bệnh từ người dân. Cái chính vẫn là người dân phải tham gia, hợp tác trong việc dọn dẹp vệ sinh nơi ở, vệ sinh vật dụng chứa nước, dọn dẹp vật phế thải xung quanh nhà. Chính quyền các cấp phải kiên quyết xử lý, kể cả xử phạt hành chính đối với hộ gia đình, nhất là các hộ kinh doanh nhà trọ và hộ sản xuất, kinh doanh không chấp hành việc dọn vệ sinh để cho muỗi và lăng quăng phát triển gây dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Đặng Ngọc

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,348,108       1/1,106