Xã hội

Những bông hồng cài áo...

Những ngày tháng 7 âm lịch, dù bận rộn đến đâu nhiều người không quên mùa Vu lan báo hiếu, nhớ ơn sinh thành, công lao dưỡng dục mẹ cha. Trong đó, tâm điểm nhất là thực hiện nghi thức cài bông hồng lên áo...

Những ngày tháng 7 âm lịch, dù bận rộn đến đâu nhiều người không quên mùa Vu lan báo hiếu, ơn sinh thành công lao dưỡng dục mẹ cha.

Phật tử chùa Đại Giác cài bông hồng cho các chức sắc Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh trong lễ Vu lan 2017.
Phật tử chùa Đại Giác cài bông hồng cho các chức sắc Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh trong lễ Vu lan 2017.

Sư cô Thích nữ Diệu Trí, trụ trì chùa Đại Giác (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa), chia sẻ có nhiều hoạt động trong lễ Vu lan, nhưng tâm điểm nhất là nghi thức cài bông hồng lên áo mà chùa nào cũng thực hiện trong dịp lễ này. Bông hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Hoa hồng trong lễ Vu lan có 3 màu: vàng, đỏ, trắng. Mỗi màu có ý nghĩa khác nhau.

* Phút lắng đọng…

Trong dịp lễ Vu lan 2017, nhiều cơ sở tự viện trong tỉnh đã tổ chức các hoạt động chăm lo gia đình chính sách, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, lang thang cơ nhỡ. Theo đó, ngày 1-9, tại chùa Tỉnh hội (xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh và Giáo hội Phật giáo TP.Biên Hòa đã tặng 200 phần quà cho người nghèo xã Hiệp Hòa; tặng 10 suất học bổng cho Hội Khuyến học TP.Biên Hòa; ủng hộ Quỹ Vì người nghèo TP.Biên Hòa 10 triệu đồng...

Những ai còn cha mẹ sẽ cài lên ngực áo bông hồng đỏ thắm, tự hào với niềm hạnh phúc vô biên vì còn cha, mẹ. Những ai cài bông hồng màu trắng như một nỗi bất hạnh vì thiếu vắng tình thương yêu của cha mẹ. Bông hồng màu vàng dành cho tu sĩ.

Bà Nguyễn Thị Nga (ngụ cư xá Phúc Hải, phường Tân Phong, TP.Biên Hòa) năm nay ngoài 70 tuổi, đã mất mẹ hơn 30 năm nhưng vẫn nghẹn ngào nước mắt khi nghe những câu thơ, bài hát về mẹ trong lễ Vu lan 2017 tại chùa Đại Giác.

Bà Nga kể ngày mẹ mất, bà như muốn ngã khụy. Cả cuộc đời, cha mẹ chỉ biết sống cho con, lo lắng tất cả vì con. Không có gian khó nào là cha mẹ không trải qua, miễn sao mang về được cho con manh áo, chén cơm, vun đắp tuổi thơ con được lớn lên trong bình yên. Mẹ mất, ai lo cho con mỗi khi mùa mưa tới, mỗi khi con về muộn bữa cơm, khi con ngã bệnh…

Mỗi dịp Vu lan đến, bà Nga lại lặng lẽ cài lên ngực áo mình bông hồng màu trắng, trắng như đời mẹ tần tảo theo gió sương…

* Trọn chữ hiếu

Chị Đỗ Thiên Kim (xã Tam Phước, TP.Biên Hòa) đưa theo cả 2 con đến tham gia lễ báo hiếu năm nay. “Tôi rất hạnh phúc vì được cài bông hồng đỏ thắm lên ngực. Năm nay tôi đưa cả con nhỏ cùng đến chùa dự lễ Vu lan để cháu cảm nhận được hạnh phúc khi còn cha mẹ giống như tôi” - chị bày tỏ.

Chị Thiên Kim cũng lo lắng: “Tôi sợ nhất sau này, đến mùa Vu lan mình phải cài bông hồng trắng lên ngực, dẫu vẫn biết ngày đó phải đến... Nếu còn mẹ cha, xin mọi người hãy vui lên và tự hào vì còn một trời hạnh phúc và trân trọng cài lên ngực áo một bông hồng đỏ thắm. Màu đỏ của sự yêu thương như màu máu trong tim mà mẹ cha đã vắt cạn một đời hy sinh tất cả vì con. Màu đỏ như nhắc chúng ta nhớ về nguồn cội, về những thâm ân to lớn của mẹ cha mà ta phải phụng dưỡng đáp đền. Xin hãy giữ gìn đừng bao giờ làm phai nhạt màu đỏ ấy, như ấp ủ, nâng niu tình yêu thương của đấng sinh thành dành cho ta”.

Một giáo viên tiểu học ở huyện Vĩnh Cửu thì cho rằng, trong thời đại ngày nay, mùa Vu lan có ý nghĩa nhắc nhở mọi người, nhất là người trẻ tuổi, sống chậm lại và yêu thương nhiều hơn. Dù còn hay đã mất cha mẹ, dù hoa đỏ hay hoa trắng đều là biểu hiện của tình mẹ cha thiêng liêng, là tình thương và sự sống.

Chữ hiếu không chỉ thể hiện với bậc sinh thành mà còn nên gửi gắm tình cảm và hành động thực sự tới những số phận nghèo khó, không may mắn xung quanh mình. Hành động để thấy lòng nhẹ nhàng, vui vẻ và thanh thản hơn. Hành động để thấu được triết lý đơn giản mà sâu xa của Phật giáo “từ, bi, hỉ, xả”, “vô ngã, vị tha” cũng là tiếp bước đạo lý của dân tộc “thương người như thể thương thân”.

Phương Hằng

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,256,160       1/567