Xã hội

Bác sĩ ồ ạt nghỉ việc

Chỉ từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh có 45 bác sĩ (thuộc diện biên chế do Sở Y tế quản lý, đang làm việc trong các cơ sở y tế công lập) nghỉ việc để chuyển sang các bệnh viện, phòng khám tư nhân.

Với thương hiệu và uy tín của Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, bác sĩ của bệnh viện này luôn được các bệnh viện, phòng khám tư nhân săn đón. Trong ảnh: Bác sĩ Đỗ Trung Dũng, Phó trưởng khoa Hồi sức- phẫu thuật tim Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, khám bệnh cho bệnh nhân sau khi phẫu thuật tim thành công. Ảnh: N.Thư
Với thương hiệu và uy tín của Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, bác sĩ của bệnh viện này luôn được các bệnh viện, phòng khám tư nhân săn đón. Trong ảnh: Bác sĩ Đỗ Trung Dũng, Phó trưởng khoa Hồi sức- phẫu thuật tim Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, khám bệnh cho bệnh nhân sau khi phẫu thuật tim thành công. Ảnh: N.Thư

Con số thực tế từ các cơ sở y tế còn nhiều hơn bởi ngoài các bác sĩ đã vào biên chế, còn có những bác sĩ thuộc diện hợp đồng cũng xin nghỉ việc.

* Phần lớn vì thu nhập

 
Đề xuất hỗ trợ thêm cho bác sĩ

Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Minh Hoàn cho biết trước tình trạng bác sĩ bệnh viện công nghỉ việc, Sở Y tế sẽ tham mưu tỉnh mở rộng đối tượng được hỗ trợ 1,6-1,8 triệu đồng/người/tháng cho tất cả bác sĩ làm ở các cơ sở y tế công lập (thay vì chỉ ở tuyến huyện và các bệnh viện chuyên khoa). Ưu tiên các bác sĩ đào tạo theo địa chỉ tốt nghiệp loại giỏi được chọn về làm việc ở các bệnh viện tuyến tỉnh. Giải pháp căn cơ nhất vẫn là thực hiện Nghị định 16 của Bộ Y tế quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Từ nay đến năm 2020 sẽ từng bước tính đủ chi phí vào giá khám chữa bệnh, giúp các bệnh viện tự chủ tài chính, tạo cơ chế tăng thêm thu nhập cho đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế.

Nguyên nhân chính của tình trạng này được xác định vẫn là do thu nhập từ các cơ sở y tế công lập còn thấp, chưa thu hút bác sĩ gắn bó lâu dài. Trong khi đó, ngày càng nhiều các cơ sở y tế tư nhân ra đời với những lời chào hấp dẫn về thu nhập cũng như cơ hội rộng mở.

Một trong những bệnh viện có số bác sĩ nghỉ việc đông nhất từ đầu năm đến nay là Bệnh viện đa khoa Thống Nhất với 35 bác sĩ (cả biên chế lẫn hợp đồng). Còn từ năm 2014 đến nay, bệnh viện này đã có hơn 80 bác sĩ xin nghỉ việc.

TS.BS. Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho biết các bác sĩ xin nghỉ việc có thâm niên từ 10-12 năm, đã có kinh nghiệm và được bệnh viện gửi đi đào tạo về chuyên khoa.

Đa số bác sĩ này đều chuyển ra làm việc tại các cơ sở y tế tư nhân vì lý do thu nhập, bởi các bệnh viện, phòng khám tư sẵn sàng chi trả mức lương cao từ 30-50 triệu đồng/tháng/bác sĩ (tùy vị trí, tay nghề). Trong khi tại bệnh viện dù có nỗ lực lắm cũng chỉ có thể trả cho bác sĩ có thâm niên 10-12 năm từ 15-18 triệu đồng/tháng; bác sĩ mới ra trường khoảng 5 triệu đồng/tháng.

 “Việc bác sĩ nghỉ việc hàng loạt ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của bệnh viện, nhất là trong phát triển các chuyên khoa, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Có khoa bác sĩ nghỉ việc nhiều làm chất lượng hoạt động yếu hẳn đi” - bác sĩ Dũng bộc bạch.

Mặc dù việc triển khai mô hình hợp tác công - tư đã tạo nhiều cơ hội nâng cao thu nhập cho bác sĩ, nhưng làn sóng nghỉ việc tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai vẫn chưa dừng lại. Từ đầu năm 2017 đến nay, bệnh viện này đã có 20 bác sĩ chuyên khoa nghỉ việc, trong đó có cả bác sĩ trưởng, phó khoa. Trong năm 2016, bệnh viện cũng có 33 bác sĩ nghỉ việc.

Tại Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai, tình trạng này cũng không khá hơn. Từ đầu năm 2017 đến nay, bệnh viện có 10 bác sĩ nghỉ việc, tăng hơn 2 trường hợp so với năm 2016. Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai Nguyễn Lê Đa Hà cho hay đa phần bác sĩ nghỉ việc do thu nhập, chỉ một số ít vì lý do sức khỏe. Hiện bệnh viện có 140 bác sĩ, nhưng trong đó có đến 40 bác sĩ còn đang học việc.

Bệnh viện vẫn còn thiếu khoảng 50 bác sĩ để phát triển các chuyên khoa. 2 năm nay bác sĩ nghỉ việc nhiều, lại là những bác sĩ có thâm niên từ 5-7 năm, có bác sĩ được quy hoạch phó giám đốc bệnh viện nhưng vẫn nghỉ việc khiến hoạt động của nhiều khoa gặp khó khăn, còn bệnh viện ngày càng thiếu bác sĩ trầm trọng.

* Làm gì để giữ chân bác sĩ?

Hiện nay, tỉnh đã có chế độ thu hút và ưu đãi bác sĩ về Đồng Nai làm việc. Cụ thể, mức thu hút từ 100-150 triệu đồng/bác sĩ và hỗ trợ 1,2-1,8 triệu đồng/bác sĩ/tháng. Tuy nhiên, chế độ này chỉ áp dụng ở những cơ sở y tế tuyến huyện và các bệnh viện chuyên khoa.

Trong khi đó, các cơ sở y tế tư nhân “trải thảm đỏ”, mức thu nhập hấp dẫn từ 30-80 triệu đồng để thu hút hàng loạt bác sĩ từ các bệnh viện công lập về làm việc, nhất là các bệnh viện tuyến tỉnh. Do đó, các bệnh viện kiến nghị cần mở rộng đối tượng được hưởng mức thu hút này cho các bệnh viện tuyến tỉnh.

Bên cạnh đó, ngoài các giải pháp cho bác sĩ đi đào tạo chuyên khoa, phát triển các dịch vụ trong bệnh viện để nâng cao thu nhập, mỗi bệnh viện cũng cần có chính sách để giữ chân các bác sĩ giỏi, nhất là tạo ra môi trường làm việc tốt.

Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh Phan Văn Huyên chia sẻ: “Muốn giữ chân bác sĩ, ngoài thu nhập ban đầu phải đảm bảo mức sống còn phải tạo môi trường làm việc thân thiện, bình đẳng, có định hướng phát triển tài năng, nâng cao tay nghề của các bác sĩ. Nhờ đó, bệnh viện thoát khỏi “làn sóng” bác sĩ nghỉ việc chuyển sang làm việc cho cơ sở y tế tư nhân”.

Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai Ngô Đức Tuấn kiến nghị tỉnh cần có chính sách riêng để thu hút những bác sĩ, chuyên gia giỏi về Đồng Nai làm việc. Hiện tỉnh chưa có chính sách nào để thu hút các đối tượng này. Bệnh viện đa khoa Đồng Nai dù có nhu cầu cao nhưng mới thu hút được 2 chuyên gia, bác sĩ về làm việc. Nguyên nhân do chi phí thu hút các chuyên gia khá lớn, rất khó cạnh tranh được với các bệnh viện tư nhân ở TP.Hồ Chí Minh. Trong khi để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cần phải có thêm nhiều bác sĩ, chuyên gia y tế giỏi ở tất cả các chuyên khoa.

Ngọc Thư

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,225,266       90/1,316