Xã hội

Không chủ quan với bệnh sốt xuất huyết

Bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát tại nhiều tỉnh, thành, trong đó có Đồng Nai. Dù ngành y tế đang nỗ lực tuyên truyền, tập trung phòng chống dịch bệnh tại các địa phương, nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp.

BS.Huỳnh Cao Hải, Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai.
BS.Huỳnh Cao Hải, Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai.

Bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai. Dù ngành y tế đang nỗ lực tuyên truyền, tập trung phòng chống dịch bệnh tại các địa phương, nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp.

Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề này, bác sĩ Huỳnh Cao Hải, Phó giám đốc Sở Y tế, cho rằng người dân không được chủ quan với bệnh sốt xuất huyết mà phải nâng cao ý thức, trách nhiệm trong phòng tránh dịch bệnh.

 Thưa ông, vì sao dịch bệnh sốt xuất huyết lại bùng phát, diễn biến phức tạp ở Đồng Nai?

- Đồng Nai là một địa bàn rộng với nhiều khu công nghiệp. Đặc điểm này kéo theo dân nhập cư và nhà trọ phát triển rất nhanh. Trong khi đó, ý thức giữ vệ sinh môi trường của người dân trong các khu vực chưa cao là một trong những nguyên nhân chính khiến cho dịch bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh.

Cụ thể, việc phát hiện, xử lý lăng quăng tại các hộ gia đình chưa triệt để, các vật dụng chứa nước đọng, như: chậu cây cảnh, vũng nước… chưa được chú ý xử lý nên tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và phát triển.

Tính đến ngày 31-8-2017, Đồng Nai đã có hơn 3,7 ngàn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có hơn 3,3 ngàn trường hợp nhập viện để điều trị, tăng 35,6% so với năm 2016 và tăng 25,5% so với trung bình của 5 năm qua (2011-2016). Dịch bệnh sốt xuất huyết chủ yếu tập trung tại địa bàn các huyện: Nhơn Trạch, Thống Nhất, Trảng Bom, Cẩm Mỹ và TP.Biên Hòa. Đáng chú ý là đã có 3 người chết do sốt xuất huyết. Riêng huyện Nhơn Trạch có hơn 900 ca sốt xuất huyết, tăng 650 ca so với cùng kỳ năm 2016, chiếm 25% ca sốt xuất huyết trên toàn tỉnh, trong đó có 2 trường hợp ở xã Hiệp Phước tử vong.

Đối với khu vực nhà máy trong các khu công nghiệp, việc vệ sinh môi trường, phát hiện ao tù nước đọng ở những nơi này còn nhiều hạn chế. Do lực lượng cán bộ y tế mỏng, không dễ tiếp cận các doanh nghiệp nên không thể xử lý diệt muỗi, lăng quăng tại đây, từ đó tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển.

Hơn nữa, do thời tiết năm nay mưa sớm, lượng cơn mưa kéo dài dẫn đến môi trường ẩm thấp, tạo điều kiện cho muỗi sinh sản mạnh. Một khi phát bệnh, muỗi sẽ lan truyền từ người này sang người khác, dẫn đến tỷ lệ mắc sốt xuất huyết tăng nhanh.

Ngoài ra, người dân còn chủ quan trong phòng tránh bệnh, như: không quen ngủ mùng, không mặc quần áo dài khi ngủ. Khi bị sốt, nhiều người đã tự mua thuốc uống hoặc điều trị tại các phòng khám tư, đến khi bệnh không bớt mới vào bệnh viện. Tỷ lệ người nhập viện vì sốt xuất huyết tăng gây khó khăn trong quá trình điều trị, dễ dẫn tới các biến chứng khác, cũng như nguy cơ lây bệnh trong cộng đồng là rất cao.

 Những triệu chứng ban đầu của bệnh sốt xuất huyết trên cơ thể người như thế nào?

- Người mắc bệnh sốt xuất huyết thường có biểu hiện ban đầu là: sốt cao đột ngột (trên 37OC), cơ thể nhức mỏi, nhức đầu, buồn nôn, ăn uống kém. Nếu bệnh chuyển biến nặng hơn thì có thêm các biểu hiện: vật vã, lừ đừ, đau bụng vùng gan hoặc lấy tay ấn vào vùng gan thấy đau. Tuy nhiên, để xác định chính xác người dân phải đến cơ sở y tế để kiểm tra, xét nghiệm máu để nhận biết bệnh sốt xuất huyết.

Bác sĩ Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, khám bệnh cho một ca sốt xuất huyết nặng.ảnh Ngọc Thư
Bác sĩ Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, khám bệnh cho một ca sốt xuất huyết nặng.ảnh Ngọc Thư

Người bị sốt xuất huyết cần phải bù nước và hạ sốt kịp thời. Tốt nhất nên điều trị tại các cơ sở y tế để bảo đảm sức khỏe và được tư vấn nhằm tránh lây lan ra cộng đồng. Điều tối kỵ đối với cơ thể người bệnh là không được cạo gió hoặc điều trị theo phương pháp dân gian. Thực tế, một số trường hợp người bệnh có sức đề kháng tốt nên sau vài ngày nghỉ ngơi, uống thuốc tại nhà sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, chúng ta không được phép chủ quan nhằm tránh những diễn biến bệnh phức tạp có thể dẫn đến tử vong.

 Những địa bàn có người mắc bệnh sốt xuất huyết thì phải làm gì để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, thưa ông?

- Bệnh sốt xuất huyết do muỗi vằn mang virus thuộc các type gây bệnh sốt xuất huyết lây truyền trong cộng đồng. Do đó, người dân phải phòng tránh không để muỗi đốt, thường xuyên dọn dẹp nhà cửa và khu vực xung quanh, tránh tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và trú ngụ, truyền bệnh cho người.

Nhân viên y tế đang tuyên truyền phòng chống bệnh sốt xuất huyết cho công nhân nhà trọ xã Long Đức.jpg1.jpg
Nhân viên y tế đang tuyên truyền phòng chống bệnh sốt xuất huyết cho công nhân nhà trọ xã Long Đức

Đối với các địa bàn đang có dịch bệnh hoành hành, ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền kiến thức về triệu chứng bệnh, đồng thời hướng dẫn bà con cách phòng chống. Ngoài ra, chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương phát động phong trào diệt lăng quăng, phun thuốc diệt muỗi tại các vùng có dịch; tổ chức phun xịt thuốc diệt muỗi tại các khu nhà trọ vào các giờ có người dân ở nhà để xử lý môi trường hiệu quả.

Để dập tắt dịch bệnh sốt xuất huyết, chúng tôi mong muốn có sự phối hợp tích cực cùng ngành giáo dục trong việc tuyên truyền, vận động các hộ gia đình tham gia phòng chống dịch sốt xuất huyết thông qua đội ngũ giáo viên và học sinh để tác động đến phụ huynh. Đây là lực lượng quan trọng trong việc tuyên truyền phòng chống dịch bệnh.

 Khả năng phát hiện và điều trị sốt xuất huyết tại các trung tâm y tế, bệnh viện khu vực có bảo đảm để người dân yên tâm điều trị, tránh quá tải cho các bệnh viện tuyến trên?

- Hiện nay, các trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa khu vực đều bảo đảm điều trị cho người mắc bệnh sốt xuất huyết ngay từ những ngày đầu phát bệnh. Những trường hợp có dấu hiệu suy đa tạng (các cơ quan nội tạng bị suy yếu) cần các thiết bị điều trị cao hơn thì mới phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Đến nay, có khoảng 5% ca bệnh sốt xuất huyết phải chuyển viện, con số này tương đối lớn. Do đó, để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra với người bệnh cũng như trách nhiệm bảo vệ cộng đồng, chúng tôi mong mọi người nâng cao ý thức và có trách nhiệm bảo vệ môi trường xung quanh sạch sẽ.

Xin cảm ơn ông!

Nguy hiểm khi thai phụ bị sốt xuất huyết 

Bác sĩ Đồng Minh Hùng, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, cho biết hiện nay đang trong mùa dịch sốt xuất huyết nên số ca sốt xuất huyết nhập viện điều trị nội trú tăng cao, trong đó nhiều trường hợp là phụ nữ có thai. Khi phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết sẽ rất nguy hiểm vì ảnh hưởng đến thai nhi, thậm chí cả tính mạng của mẹ và con.

Theo bác sĩ Hùng, phụ nữ mang thai mắc sốt xuất huyết sẽ đối diện với nhiều nguy cơ cao, như: sảy thai, thai chết lưu, sinh non, thai nhẹ cân, băng huyết sau sinh… Phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết có thể xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu đường tiêu hóa, xuất huyết âm đạo do tình trạng giảm tiểu cầu. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng xuất huyết âm đạo nhiều làm thiếu máu nuôi bào thai sẽ gây nguy cơ sảy thai hoặc thai chết lưu. Sốt xuất huyết lúc chuyển dạ có thể băng huyết sau sinh do bệnh làm giảm tiểu cầu, làm rối loạn đông máu.

Việc điều trị sốt xuất huyết cho phụ nữ mang thai rất khó khăn vì phải cân nhắc thận trọng khi cho sử dụng thuốc. Đối với trường hợp phụ nữ có thai gần đến ngày sinh, có nguy cơ băng huyết khi sinh đều được chuyển lên Bệnh viện Từ Dũ TP.Hồ Chí Minh để điều trị, vì tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai không có sẵn lượng lớn tiểu cầu để cấp cứu cho những ca này. Đó là chưa kể phụ nữ mang thai nhập viện điều trị trễ, bệnh nặng, bị sốc do sốt xuất huyết gây tụt huyết áp, suy đa tạng, suy gan, suy thận, viêm cơ tim… nguy cơ tử vong mẹ và bé rất cao.

Điều đáng nói, sốt xuất huyết trong thời kỳ mang thai có những triệu chứng rất giống với cảm cúm. Vì vậy, thai phụ rất dễ nhầm tưởng mình bị cảm cúm nên chủ quan tự uống thuốc hạ số, hoặc không dám đi bác sĩ khám vì sợ uống thuốc ảnh hưởng đến thai nhi. Hiện nay đang trong thời điểm mùa dịch sốt xuất huyết, nên phụ nữ mang thai cần chú ý nếu bị sốt liên tục 2-3 ngày chưa hết thì cần đến các cơ sở y tế khám, thử máu để xác định sớm bệnh để điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng.

An An (ghi)

Minh Quân (thực hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,204,328       1/1,303