Xã hội

Chiêu "loại" lao động lớn tuổi

Từ đầu năm 2017 đến nay, nhiều doanh nghiệp chuyên gia công giày da ở TP.Biên Hòa và một số huyện, như: Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch đã sử dụng nhiều cách thức khác nhau để "loại" lao động lớn tuổi ra khỏi công ty.

Từ đầu năm 2017 đến nay, nhiều doanh nghiệp chuyên gia công giày da có số lượng lao động lớn ở TP.Biên Hòa và một số huyện, như: Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch đã sử dụng nhiều cách thức khác nhau để “loại” lao động lớn tuổi ra khỏi công ty.

Lao động nữ làm việc tại một doanh nghiệp ở Đồng Nai (ảnh minh họa). Ảnh: Thành Nam
Lao động nữ làm việc tại một doanh nghiệp ở Đồng Nai (ảnh minh họa). Ảnh: Thành Nam

Đã có nhiều lao động lớn tuổi do hạn chế kiến thức pháp luật, hoặc thực sự cần một khoản tiền lớn đã chấp nhận nghỉ việc sau hơn 15 năm làm việc. Nhiều người trong số đó rơi vào tình trạng “dở khóc dở cười” vì không xin được việc làm mới.

* Danh nghĩa “hỗ trợ”

Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đoàn Văn Đây cho hay, theo quy định các doanh nghiệp không được phép ép buộc người lao động nghỉ việc mà phải triển khai quan hệ với người lao động như hợp đồng đã ký, tính chất công việc đã ký. Nếu doanh nghiệp tìm cách ép buộc, vận động người lao động phải nghỉ việc trái pháp luật thì sẽ bị xử lý theo pháp luật. Nếu doanh nghiệp muốn sắp xếp lại cơ cấu lao động thì phải làm đề xuất, có phương án cụ thể xin ý kiến Liên đoàn Lao động tỉnh hoặc Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai để được hướng dẫn. Mặt khác, người lao động cũng cần phải suy nghĩ kỹ trước khi tự nguyện thỏa thuận với doanh nghiệp để tránh bị thiệt thòi về quyền lợi và gây ra nhiều bất ổn, hệ lụy khác đối với xã hội.

Đầu năm 2017, Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (xã Hóa An, TP.Biên Hòa) mở một đợt vận động những công nhân làm việc tại công ty từ 15 năm trở lên nghỉ việc để nhận một khoản tiền. Công ty gọi đây là chương trình “Hỗ trợ lao động lớn tuổi khởi nghiệp”. Theo đó, công ty tổ chức thương lượng, nếu công nhân tình nguyện viết đơn xin nghỉ việc thì sẽ được công ty trả cho một khoản tiền lớn. Với số tiền này, người lao động lớn tuổi có thể kinh doanh tại nhà, mua nhà cửa hoặc đầu tư sinh lời…

Một nguồn tin phía công ty cho hay, kết thúc đợt “khuyến mãi” này, trong số 4 ngàn người được “quy hoạch”, có khoảng 800 công nhân, cán bộ đồng ý nghỉ việc. Người nhận được khoản tiền hỗ trợ lớn nhất khoảng vài trăm triệu đồng, thấp nhất là 12 tháng lương (tương đương với 15 năm làm việc). Kết quả, nhiều công nhân sau khi lĩnh tiền đã không thể xin được việc làm mới, không biết sử dụng số tiền đã nhận để làm việc gì cho hiệu quả.

Sau Pouchen, đến Công ty Changshin Việt Nam (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) cũng tổ chức thương lượng, vận động người lao động lớn tuổi nghỉ việc. Con số khoảng 400 công nhân lớn tuổi đã nghỉ việc thấp hơn rất nhiều so với mong muốn của chủ doanh nghiệp.

Mới đây nhất, Công ty TNHH Splendour (Khu công nghiệp  Nhơn Trạch 1, huyện Nhơn Trạch) đã khiến gần 200 công nhân lớn tuổi lao đao vì cách làm “trái khoáy”. Với lý do gặp khó khăn trong sản xuất, công ty yêu cầu những công nhân làm việc từ năm 1997-2008 (mức lương hơn 6 triệu đồng) viết đơn xin nghỉ việc, sau đó ký lại hợp đồng lao động mới với mức lương 4,2 triệu đồng/tháng. Nếu công nhân không đồng ý, công ty sẽ gây khó dễ.

Một công nhân của Công ty TNHH Splendour bức xúc cho biết: “Chúng tôi đã cống hiến cho công ty từ khi mới thành lập, đóng bảo hiểm đầy đủ trên 20 năm. Nay công ty bắt ký lại hợp đồng mới, coi như mọi quyền lợi của chúng tôi mất hết. Việc làm này của công ty chẳng khác nào kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”. Lúc người lao động sung sức, lương thấp thì công ty sử dụng, lúc chúng tôi lớn tuổi, được hưởng lương cao nhờ thâm niên thì công ty lại tìm cách đuổi chúng tôi đi”.

* Không được cắt giảm lao động lớn tuổi

Sau khi nhận đơn “kêu cứu” của người lao động, cơ quan chức năng huyện Nhơn Trạch đã khẩn trương làm việc với Công ty TNHH Splendour và yêu cầu công ty dừng ngay việc chuyển đổi hợp đồng lao động với công nhân. Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cũng đã có văn bản nêu rõ, việc làm của Công ty TNHH Splendour là chưa đúng với quy định của Bộ luật Lao động. Việc cắt giảm và chuyển đổi hợp đồng lao động nói trên có liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện giao kết hợp đồng. Công ty không được thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động nhằm tạo điều kiện cho người lao động yên tâm gắn bó với công ty và có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội liên tục, đảm bảo việc hưởng các chế độ về sau.

Ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Changshin Việt Nam cho biết: “Lý do khiến các doanh nghiệp tìm cách cho người lao động lâu năm nghỉ việc không phải do gặp khó về đơn hàng, mà chủ yếu do chi phí sử dụng lao động lâu năm ngày một tăng, gây bất cập trong thang bảng lương, ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Ở Changshin, những lao động làm trên 20 năm có mức lương mười mấy triệu đồng/tháng, còn lao động mới vào làm chỉ 4,5 triệu đồng/tháng, trong khi năng suất lao động của 2 người như nhau. Do vậy, các doanh nghiệp phải tìm cách đào thải lao động lâu năm để giảm giá thành sử dụng lao động và có lợi cho mình”.

Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đoàn Văn Đây cho hay, từ đầu năm đến nay Liên đoàn Lao động tỉnh đã ghi nhận một số doanh nghiệp có chủ trương thương lượng để người lao động có thâm niên nghỉ việc. Liên đoàn Lao động tỉnh đã yêu cầu các công ty ngưng việc làm này, đồng thời chỉ đạo các cấp Công đoàn tuyên truyền để người lao động cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đồng ý thỏa thuận nghỉ việc với doanh nghiệp.

Hạnh Dung

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,203,586       1/1,292