Xã hội

Lao động nữ tuổi trung niên: Cân nhắc trước khi nghỉ việc

Lớn tuổi, sức khỏe suy yếu, khả năng nhạy bén giảm sút, năng suất lao động giảm dần... là những lý do mà doanh nghiệp tìm cách vận động người lao động, trong đó có nữ công nhân tuổi trung niên, nghỉ việc.

Bà Trần Thị Hòa, Phó chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (thứ hai từ trái qua) và bà Lê Thị Ngọc Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh (thứ ba từ trái qua), khảo sát đời sống, việc làm của nữ công nhân lao động tại TP.Biên Hòa. ảnh: N.SƠN
Bà Trần Thị Hòa, Phó chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam (thứ hai từ trái qua) và bà Lê Thị Ngọc Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh (thứ ba từ trái qua) khảo sát đời sống, việc làm của nữ công nhân lao động tại TP.Biên Hòa.

Theo đánh giá của các ngành chức năng, người lao động nói chung, nữ lao động nói riêng ở lứa tuổi từ 35 tuổi trở lên sau khi nghỉ việc sẽ rất khó kiếm được một công việc ổn định.

* Khó kiếm việc làm ổn định

Chồng đi làm ăn xa, trước đây bà Huỳnh Thu Hương (46 tuổi, ở trọ tại phường An Bình, TP. Biên Hòa) đi làm công nhân thường xuyên phải theo ca kíp nên không có thời gian để quan tâm, kèm cặp cậu con trai đang trong độ tuổi chưa thành niên. Thấy thời gian con ở quán internet nhiều hơn là đến trường, thành tích học tập xuống dốc nên bà Hương xin nghỉ việc ở công ty để dành toàn thời gian chăm sóc, kèm cặp con.

Theo kết quả điều tra vào tháng 5-2017 của Viện Công nhân và công đoàn (thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), hiện tồn tại tình trạng khá phổ biến đó là công nhân lao động độ tuổi ngoài 30, đặc biệt là nữ công nhân, phải nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau. Sau khi nghỉ việc, có khoảng trên 43% công nhân lao động nói chung làm việc tự do, trên 17% buôn bán, trên 15% ở nhà làm nội trợ, trên 13% làm ruộng và trên 11% bán hàng rong, bán nước... Riêng đối với lao động là nữ thì trên 82% là bán hàng rong, bán giải khát và còn lại khoảng trên 12% là làm công việc tự do.

Nghỉ việc, bà Hương có toàn thời gian dành cho con nhưng mọi khoản chi phí từ phòng trọ đến tiền ăn uống hàng ngày của 2 mẹ con, tiền học cho con đều phụ thuộc vào tiền lương chồng bà gửi về.

Cách đây vài tháng, bà mạnh dạn mượn một góc mặt tiền của chủ nhà để bán trứng vịt lộn, đồ khô vào buổi tối kiếm thêm thu nhập.

Bà Hương cho biết so với đi làm công nhân, thu nhập từ quán bán trứng vịt lộn buổi tối không ổn định, tối nào trời quang mây tạnh thì bà kiếm được 100 ngàn đồng, còn gặp phải trời mưa thì coi như làm không công.Nghĩ lại quãng thời gian đi làm công nhân, bà Hương không khỏi tiếc nuối.

“Giờ có muốn xin đi làm công ty cũng rất khó khăn. Vì theo như tôi tìm hiểu, hầu hết các công ty tuyển dụng lao động đều đưa ra điều kiện dưới 35 tuổi” - bà Hương nói.

Gần đây, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có đông công nhân lao động lớn tuổi đang động viên người lao động có thâm niên từ 15 năm trở lên tự nguyện nghỉ việc. Khi đó, người lao động sẽ được doanh nghiệp hỗ trợ một khoản tiền. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một bộ phận không nhỏ lao động lớn tuổi khó có cơ hội kiếm được một công việc ổn định.

Điển hình là trường hợp của bà Nguyễn Thị Hợp (50 tuổi). Sau hơn 11 năm gắn bó với Công ty TNHH N.Y.I Việt Nam, bà Hợp được công ty động viên nghỉ vì lớn tuổi. Bản thân bà Hợp muốn tiếp tục làm việc nên không đồng ý.

Bà Hợp chia sẻ, do bà không đồng ý với chủ trương cho nghỉ việc của công ty nên sau đó bà bị điều chuyển sang nhiều vị trí khác nhau, khiến bà Hợp chán nản, mệt mỏi vì chưa quen việc ở bộ phận này đã bị chuyển đi bộ phận khác.

Cuối tháng 7 vừa qua bà viết đơn xin nghỉ việc. Gần 2 tháng sau khi nghỉ việc, bà Hợp cầm hồ sơ đi nhiều nơi xin việc làm, đến đâu bà cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu vì quá tuổi tuyển dụng.

* Đẩy mạnh hoạt động tạo việc làm

Bà Trần Thị Hòa, Phó chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, trong chuyến khảo sát về đời sống, việc làm của nữ công nhân tuổi trung niên tại Đồng Nai, cho biết phụ nữ trung niên thường là đã có gia đình. Ngoài chức năng làm vợ, làm mẹ, phụ nữ hiện nay còn đảm nhận chức năng lao động để cùng chồng nuôi sống gia đình.

Thế nhưng, hiện nay tại Đồng Nai và một số tỉnh tập trung đông khu công nghiệp đang xảy ra hiện tượng các doanh nghiệp động viên lao động nữ trung niên nghỉ việc. Bên cạnh chế độ bảo hiểm, người lao động sẽ có thêm một khoản tiền tự tạo việc làm, nhưng rất bấp bênh chứ không phải ai cũng có thể tạo dựng được công việc ổn định sau khi nghỉ việc tại doanh nghiệp.

Từ thực trạng này, có thể thấy lao động nữ tuổi trung niên thực chất đang dần bị gạt dần ra khỏi guồng máy công việc tại doanh nghiệp. Đáng nói là ở lứa tuổi này, các con họ còn đang trong độ tuổi học hành với chi phí ngày càng cao, đòi hỏi chị em phải có nguồn thu nhập ổn định.

Để hạn chế tình trạng thất nghiệp ở phụ nữ tuổi trung niên, nhiều ý kiến cho rằng nữ công nhân lao động tuổi trung niên cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định nghỉ việc. Bởi theo ông Phạm Văn Cộng, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, người lao động không nghỉ thì doanh nghiệp không thể đuổi việc.

Ông Cộng dẫn chứng, Công ty TNHH Pouchen Việt Nam có khoảng 4 ngàn lao động có thâm niên từ 15 năm trở lên, nhưng tính đến thời điểm này chỉ có khoảng 800 lao động xin nghỉ; hay như Công ty TNHH Changshin Việt Nam có khoảng 4-5 ngàn lao động lớn tuổi nhưng hiện mới chỉ có khoảng 400 người xin nghỉ việc...

Bà Lê Ngọc Mai, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, cho rằng tỷ lệ lao động nữ tuổi trung niên thất nghiệp ngày càng nhiều sẽ ảnh hưởng đến kinh tế của mỗi gia đình, trở thành áp lực đối với chính sách an sinh xã hội.

Ngoài đề nghị xem lại quá trình triển khai pháp luật lao động, bà Mai cho rằng chính sách tạo việc làm cho lao động nữ trung niên cần phải đẩy mạnh hơn, phù hợp với sức khỏe, tâm lý người lao động vừa tạo điều kiện để họ thoát khỏi tình trạng thất nghiệp, vừa giúp họ có điều kiện tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm xã hội.

Bởi theo lý giải của bà Mai, lao động nữ tham gia đóng bảo hiểm xã hội đủ thời gian theo quy định, ngoài chế độ lương hưu còn được hưởng bảo hiểm y tế. đây là cái “phao cứu sinh” cho người lớn tuổi trong tình hình giá viện phí ngày càng tăng cao như hiện nay.

Nga Sơn

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,202,329       1/876