Xã hội

Xóa bỏ định kiến với người nghiện

Hướng đến một địa bàn không có tệ nạn ma túy, thời gian qua Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh đã triển khai nhiều chương trình về công tác cai nghiện và quản lý người nghiện sau cai.

Trong đó, chương trình xây dựng xã, phường, thị trấn làm tốt công tác phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm năm 2017 (Chương trình 2) được xem là một trong những giải pháp căn bản.

Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung thăm các học viên tại Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy tỉnh (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc). Ảnh: T.DANH
Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung thăm các học viên tại Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy tỉnh (xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc). Ảnh: T.DANH

Việc tổ chức cai nghiện và quản lý người nghiện không chỉ là trách nhiệm của một vài cá nhân, đơn vị mà cần có sự chung tay của toàn xã hội.

* Xóa bỏ định kiến

9 tháng năm 2017, toàn tỉnh đã tổ chức cai nghiện cho 433/600 người, đạt hơn 72% kế hoạch. Trong đó, cai nghiện bắt buộc 179/350 người; cai nghiện tự nguyện đạt 175/100 người; cai nghiện tại gia đình, cộng đồng đạt 79/150 người. Số người nghiện được quản lý sau cai tại nơi cư trú trong 6 tháng năm 2017 là 115 người. Qua công tác vận động, đã hỗ trợ cho 6 người vay số vốn 95 triệu đồng để làm ăn; giới thiệu việc làm cho 40 người khác.

Trong quý IV - 2017, Ban chủ nhiệm Chương trình 2 sẽ xét, thẩm định các xã, phường, thị trấn đạt xã, phường, thị trấn làm tốt công tác phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Mục tiêu duy trì được 137/171 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn và được cấp bằng công nhận xã, phường, thị trấn làm tốt công tác phòng chống tệ nạn.

Thời gian qua, xã Bình Minh (huyện Trảng Bom) đã có nhiều sáng kiến trong quá trình thực hiện công tác phòng chống các tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma túy. Một trong những nội dung mà địa phương này đã và đang triển khai có hiệu quả là công tác quản lý người nghiện sau cai.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Bình Minh, cho biết để quản lý các đối tượng sau cai nghiện trở về địa phương, lãnh đạo xã đã chỉ đạo công an lập hồ sơ theo dõi định kỳ.

Trong suốt thời gian này việc kiểm tra, giám sát đối tượng được giao cho lực lượng công an. Sau một thời gian nhất định, các ban ngành của xã sẽ họp nhận xét, đánh giá về mức độ chấp hành pháp luật của đối tượng để kịp thời giáo dục, răn đe.

Cũng theo ông Tuấn, bên cạnh việc quản lý đối tượng sau cai, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, hướng nghiệp và giới thiệu học nghề cho các đối tượng. Địa phương cũng đã thành lập câu lạc bộ người hoàn lương để những người lầm lỡ tham gia và cùng chia sẻ kinh nghiệm làm ăn cho nhau, tìm kiếm cơ hội tái hòa nhập cộng đồng.

Đặc biệt, chính quyền và Công an xã Bình Minh đã thực hiện một giải pháp bước đầu tạo được niềm tin cho những người từng nghiện có cơ hội hòa nhập với cộng đồng. Theo đó, sau khi hết thời gian theo dõi tại địa phương và được đánh giá tốt, những người này sẽ được địa phương xác nhận hồ sơ lý lịch để đi làm; trong hồ sơ sẽ không đề cập đến thông tin liên quan đến quá khứ lỗi lầm của họ.

“Không đưa vào hồ sơ của họ vết đen trong quá khứ, nhưng chúng tôi phải buộc những người này cam kết chấp hành tốt các quy định của pháp luật cả ở địa phương và nơi làm việc. Nếu có bất kỳ vi phạm nào thì điều đầu tiên là chúng tôi yêu cầu đơn vị chấm dứt ngay công việc để có biện pháp xử lý” - ông Tuấn cho biết.

Học viên lao động tại Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy tỉnh.
Học viên lao động tại Cơ sở điều trị cai nghiện ma túy tỉnh.

Trung tá Nguyễn Xuân Trường, Trưởng công an xã Bình Minh, người rất tâm huyết với công tác đưa người nghiện trở lại với cuộc sống, cho biết: “Muốn công tác cai nghiện và quản lý người nghiện sau cai có hiệu quả thì trước hết những người thực hiện công tác này phải gần gũi, yêu thương và chia sẻ khó khăn, mặc cảm với họ. Phải tạo được tình cảm và niềm tin thì công tác quản lý mới có hiệu quả. Bên cạnh đó, cần xóa bỏ định kiến, thay đổi cách nhìn, giải quyết công ăn việc làm cho những người này”.

* Hướng đến xã, phường không tệ nạn

Việc triển khai Chương trình 2 của tỉnh trong thời gian qua là đang hướng đến một xã, phường lành mạnh không có các tệ nạn xã hội, trong đó đặc biệt là tệ nạn ma túy, mại dâm.

Đối với công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm chủ yếu là bắt xử lý các chủ chứa. Riêng việc xử lý gái bán dâm chưa thực sự có hiệu quả do chế tài xử phạt chưa đủ răn đe. Theo thống kê, trong thời gian qua lực lượng công an các cấp đã triệt phá 13 vụ mua bán dâm bắt 32 đối tượng (trong đó có 6 đối tượng môi giới, 26 gái bán dâm). Qua điều tra phân loại đã khởi tố 6 vụ 6 đối tượng môi giới; xử phạt hành chính 26 gái bán dâm.

Ông Đặng Xuân Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh, cho biết thực hiện chỉ đạo của các cấp, ngành, Ban chủ nhiệm Chương trình 2 đã cho triển khai nhiều hoạt động và bước đầu thu được những kết quả nhất định. Đây đều là các hoạt động hướng đến xây dựng xã, phường, thị trấn làm tốt công tác phòng chống tệ nạn xã hội.

Theo ông Hòa, đến nay sau hơn nửa năm triển khai, tổ công tác cai nghiện đã được thành lập tại 171 xã, phường, thị trấn của tỉnh. Đây là lực lượng tại cơ sở để hỗ trợ công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.

Trong đó, phó chủ tịch xã là tổ trưởng cùng với công an, cán bộ lao động - thương binh và xã hội, y tế… sẽ tham gia vận động, lập hồ sơ, lập kế hoạch cai nghiện cho từng đối tượng và theo dõi đối tượng trong quá trình cai nghiện. Ngoài ra, hiện tỉnh cũng đã thành lập được 61 đội công tác xã hội tình nguyện và khoảng hơn 100 cộng tác viên tham gia hỗ trợ công tác cai nghiện và quản lý người nghiện.

Ông Hòa nhận định: “Đây là những người rất gần gũi và thấu hiểu được hoàn cảnh của từng đối tượng nên rất dễ tiếp cận, vận động và giáo dục họ. Đối với những người mới nghiện thì sự có mặt của lực lượng này sẽ có tác dụng đưa họ lại với cuộc sống bình thường”.

Ngoài việc cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, thời gian vừa qua tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 08/2016 về việc thực hiện quy chế phối hợp trong công tác cai nghiện ma túy bắt buộc. Quyết định trên đã tháo gỡ khó khăn trong việc lập hồ sơ, thủ tục để đưa người nghiện (chủ yếu là đối tượng sống lang thang) vào các cơ sở bắt buộc.

Theo đại diện Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh, sau một thời gian gián đoạn, đến nay hơn 90% đối tượng không nơi cư trú ổn định, sau khi lập hồ sơ đều được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Đối với công tác quản lý sau cai, tỉnh đang rất quan tâm đến công tác giáo dục, dạy nghề cho các đối tượng nghiện. Việc này không chỉ để đến lúc cai nghiện xong mới thực hiện mà tỉnh đang chủ trương triển khai ngay khi đối tượng đang còn ở trong các trại cai nghiện. Để thực hiện kế hoạch này, các đơn vị liên quan đã liên kết với các trung tâm, cơ sở dạy nghề bên ngoài đưa máy móc, thiết bị và giáo viên vào tận các cơ sở cai nghiện để đào tạo.

Nói về vấn đề này, ông Đặng Xuân Hòa cho biết: “Khi học viên bước ra với xã hội, có trong tay một chứng chỉ nghề thì việc tìm kiếm việc làm sẽ dễ dàng hơn. Không những thế, học viên cũng có cơ hội để học lên nếu có điều kiện và ý chí phấn đấu”.

Trần Danh

Đồng Nai

© 2021 FAP
  66,201,975       1/871