Bạn đọc

Nói không với rượu, bia khi lái xe

Trước thực trạng tai nạn giao thông (TNGT) do rượu, bia ngày càng có chiều hướng gia tăng, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia với các chế tài đủ mạnh sẽ góp phần răn đe, phòng ngừa, vì hiệu quả xã hội lâu dài.

Ngày 9-10-2019, trên quốc lộ 20 đoạn qua huyện Định Quán xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe tải với xe chở khách khiến 2 người tử vong (ảnh mang tính chất minh họa). Ảnh: T. Hải
Ngày 9-10-2019, trên quốc lộ 20 đoạn qua huyện Định Quán xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe tải với xe chở khách khiến 2 người tử vong (ảnh mang tính chất minh họa). Ảnh: T. Hải

Đây là cơ sở hoàn thiện các chế tài nghiêm khắc để xử lý nghiêm minh người vi phạm, có tác động mạnh mẽ và tích cực về mặt an toàn giao thông. 

* Tác hại khôn lường

Năm 2019 xảy ra nhiều ca tai nạn thương tâm do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia gây ra. Cụ thể, tại tỉnh Long An, lái xe container sử dụng rượu, bia và dương tính với ma túy gây tai nạn làm chết 4 người, 18 người bị thương; vụ tai nạn tại hầm Kim Liên (TP.Hà Nội) lái xe ô tô say rượu đã gây tai nạn làm chết 2 người. Vào ngày 25-8, vụ TNGT xảy ra tại tỉnh Thái Nguyên khiến 4 người chết, 1 người bị thương. Nguyên nhân do xe máy chở 5 sinh viên đã đâm va vào dải phân cách giữa đường. Điều đáng nói, thời điểm trước khi xảy ra tai nạn, nhóm sinh viên này đi dự sinh nhật và có uống rượu, bia.

Hạn chế TNGT do sử dụng rượu, bia là vấn đề của toàn xã hội, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng để quản lý và xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm. Nhưng trên hết, ý thức người tham gia giao thông là yếu tố quan trọng hàng đầu, góp phần giảm TNGT do sử dụng rượu, bia gây ra.

Tất cả các vụ tai nạn thương tâm này đều xuất phát từ nguyên nhân là người điều khiển phương tiện đã uống rượu, bia trước khi cầm lái. Rõ ràng việc lạm dụng rượu, bia vô cùng nguy hiểm, không chỉ gây tổn hại cho sức khỏe mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn, có thể cướp đi tính mạng hoặc để lại thương tật suốt đời cho bản thân và những người khác.

Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong năm 2019, toàn quốc xảy ra hơn 17,6 ngàn vụ TNGT, làm chết hơn 7,6 ngàn người và bị thương trên 13,6 ngàn người. Trong đó, theo thống kê chưa đầy đủ, có đến hơn 40% các vụ TNGT mà người điều khiển phương tiện liên quan vi phạm nồng độ cồn. 

Còn với thống kê của cảnh sát giao thông trên toàn quốc, trong các vụ TNGT liên quan đến người điều khiển phương tiện uống rượu, bia thì nam giới chiếm khoảng 90%; tai nạn xảy ra chủ yếu vào buổi tối (18-24 giờ) và cao hơn vào các ngày cuối tuần. Tỷ lệ vi phạm Luật Giao thông đường bộ của những người này khi đã say rượu, bia cũng rất cao, cụ thể là 36% không bật xi nhan khi sang đường, 26% đi ngược chiều và 17% không bật đèn xe khi điều khiển phương tiện.

* Ý thức đóng vai trò quan trọng

Lâu nay, hành vi uống rượu, bia trước và trong khi điều khiển phương tiện giao thông rất nguy hiểm và được cảnh báo nhiều. Người uống rượu, bia dễ chạy tốc độ cao, tránh vượt sai quy định, đi sai làn đường, khả năng phán đoán tình huống kém hơn so với lúc bình thường… Bởi vậy tai nạn do rượu, bia gây ra thường rất nghiêm trọng.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, ghi rõ: “Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Nếu như trước đây, chỉ người điều khiển xe máy, ô tô vi phạm các quy định về nồng độ cồn mới bị xử phạt thì nay người đi xe đạp (phương tiện thô sơ) cũng không ngoại lệ. Nói một cách dễ hiểu là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển bất cứ phương tiện giao thông nào.

Nhiều người biết hậu quả của việc điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu, bia nhưng vẫn vô tư cầm lái khi đã chếnh choáng hơi men. Rõ ràng, để làm thay đổi hành vi của người uống rượu, bia mà vẫn điều khiển phương tiện giao thông quan trọng nhất vẫn là phải thay đổi ngay trong nhận thức của mỗi người. Trong đó, việc “luật hóa” và tăng chế tài xử phạt đối với việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông cũng là một trong những giải pháp để nhiều người điều chỉnh hành vi và từng bước thay đổi.

Sau các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan tới vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tại nhiều địa phương trong cả nước, Chính phủ và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã có những chỉ đạo quyết liệt. Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông mở các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện cơ giới vi phạm quy định về nồng độ cồn.

Tại Đồng Nai, trong năm 2019, lực lượng cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) đã xử lý gần 4 ngàn trường hợp vi phạm về nồng độ cồn (gồm 174 xe ô tô và gần 3,8 ngàn xe mô tô) với số tiền xử phạt hơn 11 tỷ đồng. Ngoài ra, lực lượng liên ngành gồm Sở Giao thông - vận tải, Công an tỉnh và các đơn vị liên quan cũng tiến hành kiểm tra nồng độ cồn ngay tại các bến xe, kho, cảng… nhằm kiên quyết xử lý nếu phát hiện vi phạm.

Có thể nói, sau nhiều năm tuyên truyền và xử phạt chưa đủ sức răn đe, bằng sự ra đời của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cũng như tăng nặng chế tài xử phạt hành chính trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1-1-2020), hy vọng xã hội sẽ không còn phải chứng kiến nhiều câu chuyện buồn thương tâm do những “ma men” gây ra.

Não Thiên Anh Minh (Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông tỉnh)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  122,403       1/346