Bạn đọc

Cấm người thi hành công vụ "trốn làm đi nhậu"

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020, trong các hành vi bị nghiêm cấm có quy định cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.

Cán bộ, công chức sử dụng rượu, bia trước, trong giờ làm việc ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết công việc và gây ấn tượng không tốt với người dân. Ảnh minh họa: P.Liễu
Cán bộ, công chức sử dụng rượu, bia trước, trong giờ làm việc ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết công việc và gây ấn tượng không tốt với người dân. Ảnh minh họa: P.Liễu

Đây là lần đầu tiên quy định nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang… uống rượu, bia trước, trong giờ làm việc, giờ nghỉ giữa giờ được đưa vào luật. Trước đó, quy định này cũng đã từng được đề cập đến, nhưng chỉ dừng lại ở một số văn bản chỉ đạo của Chính phủ, địa phương. Việc chính thức áp dụng điều luật này là một trong những bước quan trọng của việc phòng, chống những tác hại của rượu, bia.

* Cấm uống rượu, bia - thực hiện nghiêm cải cách hành chính

Ai cũng thấy rõ tác hại và hậu quả của việc lạm dụng rượu, bia trong đời sống, trong mỗi gia đình và cho cả bản thân người sử dụng rượu, bia. Do đó khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, theo tôi đa phần người dân, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang... đồng tình ủng hộ.

Theo nhận định của Bộ Y tế, tình hình tiêu thụ rượu, bia tại Việt Nam đang rất báo động. Việt Nam là nước có mức tiêu thụ rượu, bia xếp thứ 2 trong các nước Đông Nam Á, xếp thứ 10 châu Á và thứ 29 trên toàn thế giới. Rượu, bia xếp thứ 5/15 nguy cơ gây tổn hại sức khỏe hàng đầu tại Việt Nam, là nguyên nhân gây tử vong liên quan đến tai nạn giao thông và một số bệnh nghiêm trọng khác.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang uống rượu, bia trước, trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, có thể gây tai nạn giao thông mà còn ảnh hưởng đến nề nếp, tác phong, đạo đức công vụ; gây khó chịu, phiền hà cho nhân dân khi tiếp xúc, ảnh hưởng đến mục tiêu cải cách hành chính mà Chính phủ đang triển khai thực hiện. Đó là chưa kể đến sự lãng phí rất lớn từ kinh phí phát sinh cho rượu, bia khi tổ chức hội nghị, hội thảo, tiếp khách... Như vậy, cấm rượu, bia trong giờ làm việc vừa chấn chỉnh được kỷ luật, kỷ cương công vụ, vừa là giải pháp tiết kiệm, chống lãng phí.

Quả thực, việc công chức uống rượu, bia trước, trong giờ làm việc hoặc giờ nghỉ trưa sẽ tạo ấn tượng không tốt với người dân. Có thể sau khi uống rượu, bia, công chức vẫn về làm việc, giải quyết công việc cho người dân bình thường; cư xử của công chức vẫn hoàn toàn trong chuẩn cho phép nhưng với gương mặt đỏ gay gắt, hơi thở có mùi rượu, bia sẽ rất phản cảm, người dân sẽ có cảm giác thiếu tin tưởng, không hài lòng, dễ xảy ra tranh cãi không đáng có.

* Cần nêu gương và tự giác

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực trong thời điểm Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019-2025, trong đó yêu cầu công chức, viên chức phải thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, không đánh bạc, sa vào tệ nạn xã hội, không sử dụng rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa.

Với đặc thù lực lượng công an phải đảm bảo thường trực quân số giải quyết tình hình an ninh trật tự 24/24 giờ nên quy định cấm uống rượu, bia đối với cán bộ, chiến sĩ đã được quy định bằng thông tư, chỉ đạo của lãnh đạo bộ, trong đó ngoài quy định cấm uống rượu, bia trước, trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa mà còn bổ sung cấm uống rượu, bia say tại mọi thời điểm. Các hành vi vi phạm đều có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc của ngành.

Để luật thực sự đi vào cuộc sống thì trước hết cần sự quyết tâm, gương mẫu thực hiện của lãnh đạo các cơ quan, tổ chức và sự tự giác của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tại các cơ quan nhà nước. Cùng với đó, mỗi cơ quan, đơn vị hành chính cần bổ sung quy định cấm uống rượu, bia trong ngày làm việc vào quy chế của cơ quan, đơn vị. Trong trường hợp cần thiết, tổ chức ký cam kết, thực hiện giám sát và xây dựng các hình thức kỷ luật rõ ràng, xử lý đủ để răn đe.

Đại úy Nguyễn Thành Trung (Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào Công an TP.Biên Hòa)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  122,383       1/346