Công nghệ thông tin

Triều Tiên "không có nhà tù"

(NLĐO) – Hôm 7-10, một quan chức cấp cao Triều Tiên công khai thừa nhận sự tồn tại của các trại “cải tạo thông qua lao động”, nơi giam giữ tội phạm và tù nhân chính trị.

Hồi tháng 9, Triều Tiên họp báo phủ nhận kết quả điều tra của một ủy ban LHQ, trong đó cáo buộc Bình Nhưỡng phạm tội ác chống lại nhân loại. Báo cáo điều tra dài 372 của LHQ công bố vào tháng 4, đề cập chi tiết việc sử dụng các trại tù, tra tấn, bỏ đói và giết người tàn bạo giống như thời Đức Quốc xã của chính quyền Bình Nhưỡng.

Đến ngày 7-10, Triều Tiên mới trình báo cáo kháng nghị lên đoàn đại biểu của LHQ, cho rằng đó chỉ là “tin đồn thất thiệt” do “các thế lực thù địch” ngụy tạo. Đoàn đại biểu Triều Tiên mở một cuộc họp hiếm hoi tại trụ sở LHQ ở New York và mời phóng viên đến tham dự.

Choe Myong Nam, một quan chức Bộ ngoại giao Triều Tiên phát biểu trước giới truyền thông rằng Bình Nhưỡng không có nhà tù mà chỉ có các “trại cải tạo thông qua lao động”, nơi những người bị giam giữ “cải thiện tâm lý của họ và nhìn lại lỗi lầm của bản thân”. Ông Nam gọi đó là các trại tạm giam.

Phó Đại sứ Triều Tiên tại LHQ, ông Ri Tong Il phát biểu hôm 7-10 tại trụ sở LHQ, New York - Mỹ. Ảnh: AP
Phó Đại sứ Triều Tiên tại LHQ, ông Ri Tong Il phát biểu hôm 7-10 tại trụ sở LHQ, New York - Mỹ. Ảnh: AP

Những trại cải tạo kiểu này thường dành cho tội phạm và một số ít tù nhân chính trị. Ông Greg Scarlatoiu, giám đốc điều hành Ủy ban Nhân quyền tại Triều Tiên, trụ sở ở Washington, cho biết lời thừa nhận hiếm hoi của vị quan chức Triều Tiên trước Liên Hiệp Quốc (LHQ) dường như là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng chưa quên các cuộc thảo luận về vấn đề nhân quyền, ngoài chương trình hạt nhân thường được mang ra mổ xẻ như thường lệ.

Tuy nhiên, ông Scarlatoiu cho rằng Triều Tiên đề cập đến sự tồn tại các trại cải tạo chứ không thừa nhận hệ thống trại tù khắc nghiệt, ước tính giam giữ khoảng 120.000 tù nhân. Ông Scarlatoiu viết trong một bức e-mail: “Trong khi hồ sơ nhân quyền của Triều Tiên vẫn còn rất hạn chế, điều quan trọng là các quan chức cấp cao Triều Tiên đang nói về vấn đề nhân quyền, thậm chí là quan tâm đến cuộc đối thoại”.

Phó Đại sứ Triều Tiên tại LHQ, ông Ri Tong Il cũng tuyên bố thư ký Đảng Lao động cầm quyền Triều Tiên đã đến thăm Liên minh châu Âu (EU) và “mong đợi một cuộc đối thoại chính trị giữa hai bên vào cuối năm nay”.

Những bước đi kể trên phần nào cho thấy được thiện ý của một quốc gia khép kín, tồn tại nhiều bí mật chưa được làm sáng tỏ.

Trong phiên họp, các quan chức Bình Nhưỡng từ chối trả lời về sức khỏe của lãnh đạo Kim Jong-un, người đột nhiên “biến mất” kể từ ngày 3-9.

Người lao động

Triều Tiên, Liên Hiệp Quốc, tin đồn thất thiệt, trại tạm giam, Tù nhân chính trị, chương trình hạt nhân


© 2021 FAP
  3,297,875       2/877