Công nghệ thông tin

Vụ công ty Hào Dương liên tục thoát hiểm: Do Hepza sơ hở (!?)

Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, khẳng định như vậy và cho biết không bao che cho Công ty CP Thuộc da Hào Dương

Phóng viên: Thưa bà, vì sao Ban Quản lý các KCX- KCN (Hepza) đã 2 lần có văn bản đề xuất đình chỉ hoạt động của Công ty CP Thuộc da Hào Dương nhưng Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) đã tham mưu cho UBND TP HCM không xử lý?

- Bà Lê Thị Kim Oanh: Theo quy định, các cơ sở bị tạm đình chỉ hoạt động nằm trong danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc là đối tượng gây ô nhiễm môi trường theo tiêu chí của Bộ TN-MT… Trong khi đó, vi phạm của Công ty CP Thuộc da Hào Dương không nằm trong các tiêu chí ấy.

- Từ 2007- 2013, năm nào Công ty CP Thuộc da Hào Dương cũng bị các cơ quan chức năng phát hiện vi phạm và xử phạt. Trong khi đó, một số doanh nghiệp dệt nhuộm ở quận 12 vi phạm từ 1-2 lần là TP đã ra quyết định đình chỉ hoạt động?

- Năm 2008, Sở TN-MT đã đề xuất rút giấy phép xả thải, cắt điện - nước của Công ty CP Thuộc da Hào Dương, đồng thời chuyển hồ sơ qua công an nhưng năm 2009 thì họ trả về vì không đủ căn cứ xử lý hình sự. Từ năm 2007-2011, Công ty CP Thuộc da Hào Dương đều chấp hành đầy đủ các quyết định xử phạt vi phạm. Theo điều 7 của Pháp lệnh Xử phạt hành chính thì 1 năm từ khi được công bố đã chấp hành quyết định xử phạt hành chính thì coi như là chưa vi phạm.

Năm 2011, Công ty CP Thuộc da Hào Dương bắt đầu đấu nối nước thải về hệ thống xử lý tập trung của KCN Hiệp Phước. Năm 2012, Hepza kiểm tra và lập biên bản vi phạm đối với Công ty CP Thuộc da Hào Dương với lý do: Xả thải vượt quá tiêu chuẩn tiếp nhận của KCN. UBND TP đã ban hành quyết định phạt công ty này 340 triệu đồng.

Tuy nhiên, quan điểm của Sở TN-MT là hành vi của Công ty CP Thuộc da Hào Dương đã vi phạm hợp đồng với KCN, vụ việc có tính chất dân sự. Vì thế, không thể xem là vi phạm trong lĩnh vực môi trường để nói các hành vi vi phạm kéo dài xuyên suốt, liên tục.

- Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, khẳng định vi phạm của Công ty CP Thuộc da Hào Dương rất nghiêm trọng. Hepza cũng có văn bản đề xuất đưa doanh nghiệp này vào danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vì sao Sở TN-MT lại tham mưu UBND TP không đưa Hào Dương vào danh mục này?

Mặc dù nhiều lần đầu độc sông Đồng Điền nhưng Công ty CP Thuộc da Hào Dương vẫn thoát hiểmẢnh: Thu Sương

Mặc dù nhiều lần đầu độc sông Đồng Điền nhưng Công ty CP Thuộc da Hào Dương vẫn thoát hiểm. Ảnh: Thu Sương

- Danh sách đề xuất của Bộ TN-MT dựa trên một số kết luận của thanh tra bộ. Theo đó, Công ty CP Thuộc da Hào Dương vi phạm chất lượng nước thải chảy tràn chứ không phải xả thải hay xả lén. Vi phạm như vậy thì có gây ô nhiễm nghiêm trọng không?

- Bà giải thích thế nào khi đây chỉ là danh sách gợi ý và Bộ TN-MT cũng đã đề nghị các địa phương bổ sung?

- Công văn lấy ý kiến Bộ TN-MT gửi năm 2013, trong khi Thanh tra bộ kiểm tra Công ty CP Thuộc da Hào Dương vào năm 2010, có kết luận năm 2011. Như tôi đã nói, qua thời điểm 2012 thì các vi phạm cũ không còn được tính. Tuy nhiên vừa qua, với hành vi xả thải chưa qua xử lý ra môi trường đã bị Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an phát hiện, chúng tôi sẽ đưa vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của TP.

- Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường và Sở Tư pháp cùng cho rằng Hào Dương xả thải tại 3 điểm trong khi Sở TN-MT chỉ xét 1 điểm. Vậy, có phải “chiếu cố” cho doanh nghiệp?

- Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng. Điểm xả thải phải cố định và đo được lưu lượng xả. Ở đây, Công ty CP Thuộc da Hào Dương sử dụng 3 máy bơm bơm nước thải từ cùng 1 hồ ra 3 điểm khác nhau. Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường không đo được lưu lượng tại mỗi điểm xả mà lấy lưu lượng trung bình của hồ chia 3. Tôi thấy vậy là không hợp lý.

- Theo như bà nói thì dường như Công ty CP Thuộc da Hào Dương quá khôn ngoan trong việc lựa chọn cách vi phạm để thoát tội?

- Không phải Công ty CP Thuộc da Hào Dương khôn ngoan mà vì cơ quan chức năng của chúng ta có nhiều sơ hở. Tháng 9-2012, Hepza kiểm tra Hào Dương, trong biên bản ghi là 2 lò hơi nhưng đến lần kiểm tra vào tháng 10-2013 thì ghi là ngưng hoạt động 2 lò nấu mỡ và vẫn hoạt động hai lò nấu bạc nhạc (đã bị Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường xử phạt tháng 8-2012). Cách gọi không thống nhất, lúc thế này lúc thế kia, Hepza cũng không đo khí thải của 2 lò bạc nhạc đó.

Không phải là chúng tôi bao che hay xử lý không nghiêm mà muốn xử lý phải xác định được sai phạm và lập biên bản thật cụ thể. Tham mưu không chuẩn để UBND TP ra quyết định xử phạt sai, doanh nghiệp sẽ khiếu kiện.

Người lao động

ô nhiễm môi trường, Bộ Công an, xử phạt hành chính, phó chủ tịch, UBND TP HCM, xử lý hình sự, đình chỉ hoạt động, KCN Hiệp Phước, Sở Tài nguyên - Môi


© 2021 FAP
  3,273,791       19/904