Công nghệ thông tin

Phải lập lại trật tự xuất khẩu gạo

Việc xuất khẩu gạo cần phải thay đổi với sự tham gia nhiều hơn của các doanh nghiệp tư nhân để tạo sự công bằng

Đó là một trong những khuyến nghị của Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) tại hội thảo “Tái cấu trúc ngành lúa gạo Việt Nam theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, phục vụ xây dựng nông thôn mới” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hôm 26-11. Với tư cách là bên hỗ trợ kỹ thuật, IRRI còn cho rằng Việt Nam cần phải cải thiện bộ máy các cơ quan thương mại nhà nước về điều hành xuất khẩu gạo.

VFA, Vinafood quá nhiều quyền lực

Thực tế cho thấy có nhiều doanh nghiệp (DN) tư nhân cũng mong muốn tham gia tích cực hơn vào thị trường sản xuất, xuất khẩu lúa gạo nhưng dường như họ đang vấp phải rất nhiều lực cản. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng hiện nay, Chính phủ đang giao quá nhiều quyền hạn cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng như Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2).

Lúa gạo của nông dân ĐBSCL luôn gặp nhiều rủi ro về đầu ra, giá bán Ảnh: NGỌC TRINH
Lúa gạo của nông dân ĐBSCL luôn gặp nhiều rủi ro về đầu ra, giá bán Ảnh: NGỌC TRINH

Nhà nông học Võ Tòng Xuân nhấn mạnh điều này cần phải được thay đổi càng sớm càng tốt. “Việc để các đơn vị này quá nhiều quyền như hiện nay sẽ triệt tiêu những sáng kiến, sáng tạo của các DN tư nhân, vô tình đẩy các DN tư nhân ra ngoài vòng, biến kinh doanh lúa gạo thành lĩnh vực độc quyền thực sự” - ông Xuân nói.

Chuyên gia Võ Tòng Xuân phân tích thêm: VFA chỉ là tổ chức hiệp hội, tuy nhiên VFA lại có lợi thế rất lớn về mặt kinh tế nên họ tham gia sâu cả vào việc hình thành các chính sách quan trọng của nhà nước. Khi vừa là đối tượng xây dựng chính sách vừa thụ hưởng thì đương nhiên họ sẽ chiếm phần lợi về cho mình. Còn Vinafood 1 và Vinafood 2, lẽ ra phải là những đầu mối tìm kiếm ra thị trường xuất khẩu rồi phân phối về cho các địa bàn trên cả nước chứ không chỉ chủ động giành hết phần xuất khẩu như hiện tại.

TS Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Trưởng nhóm nghiên cứu lúa gạo của Liên minh Nông nghiệp - cho biết nhóm nghiên cứu của ông đề xuất phải nới lỏng điều kiện trở thành DN xuất khẩu gạo theo Nghị định 109/2010/NĐ-CP. Các điều kiện được quy định trong nghị định này không giúp gạo Việt Nam có chất lượng tốt hơn hoặc có giá cao hơn mà chỉ khiến cho các DN xuất khẩu gạo có thêm quyền lực thị trường để áp đặt các điều kiện bất lợi cho các chủ thể khác và nông dân. Những quy định về điều kiện xuất khẩu gạo hiện nay theo Nghị đinh 109 vô hình trung ngăn cản một bộ phận DN tham gia vào thị trường, triệt tiêu tính đa dạng của gạo xuất khẩu Việt Nam.

Cũng theo TS Nguyễn Đức Thành, với các loại gạo đặc sản, nên được tạo điều kiện để xuất khẩu theo những điều kiện ưu tiên riêng, trong đó DN xuất khẩu không nhất thiết phải đáp ứng đủ các quy định hiện hành trong Nghị định 109.

Vì lợi ích chung hay chỉ vì lợi ích nhóm?

Cũng bàn về vấn đề quyền lực của VFA và Vinafood trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, tại hội thảo “Cấu trúc ngành lúa gạo và lợi ích của người sản xuất nhỏ ở Việt Nam” do Liên minh Nông nghiệp tổ chức mới đây, TS Nguyễn Đức Thành cho biết các chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đang đem lại lợi nhuận cho các DN thu mua và xuất khẩu nhiều hơn thay vì mục tiêu ban đầu là tăng tính cạnh tranh của ngành nông nghiệp và hỗ trợ nông dân.

TS Đào Thế Anh, Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực - Cây thực phẩm, cho rằng các DN nhà nước hiện đang hưởng ưu đãi nhiều nhất nhưng hiệu quả kém. Do đó, cần giảm vai trò của DN nhà nước, thay vào đó là khuyến khích và thúc đẩy tăng vai trò của DN tư nhân.

Nghiên cứu của nhóm Liên minh Nông nghiệp cũng khuyến cáo với cấu trúc đặc thù của thị trường lúa gạo Việt Nam, cần phải làm rõ chính sách lúa gạo hiện nay có đang bị thao túng bởi số ít các DN xuất khẩu hay không. “Các tổ chức như Vinafood, VFA có thực sự đại diện cho lợi ích của ngành lúa gạo Việt Nam hay chưa?” - nhóm nghiên cứu của Liên minh Nông nghiệp đặt vấn đề.

Theo TS Nguyễn Đức Thành, cần phân biệt giữa lúa gạo thương mại và lúa gạo dự trữ. Vì vậy, phải định hướng lại hoạt động của Vinafood theo hướng thiên về thực thi chính sách, chẳng hạn chỉ thực hiện điều phối và giám sát mua gạo dự trữ; giảm dần vai trò thương mại trên thị trường, nhường chỗ cho các DN thuộc các thành phần khác. 

Nên theo cơ chế thị trường

Nói với phóng viên Báo Người Lao Động về vấn đề này, ông Lâm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Gạo Thịnh Phát, cho rằng chỉ nên mở rộng các hoạt động kinh doanh, xuất khẩu gạo theo cơ chế thị trường. Còn đối với thị trường tập trung thì nên thực hiện kinh doanh có điều kiện bởi một nguyên tắc cơ bản trong kinh doanh là khi người bán càng nhiều thì giá càng bị ép. Nếu các DN đều được kinh doanh xuất khẩu gạo tập trung thì chẳng khác nào DN Việt Nam đi cạnh tranh, giẫm đạp lên chính DN của mình.

GS-TS Võ Tòng Xuân đề nghị cần có quy định riêng cho các DN khai thác thị trường ngách như: gạo chất lượng cao, gạo đặc sản xuất với số lượng ít. Có như vậy “sân chơi” mới công bằng và dần dần gạo Việt Nam mới nâng cao được uy tín, chất lượng và giá bán.     S.Nhung - V.Duẩn

Người lao động

© 2021 FAP
  3,259,847       2/1,533