Công nghệ thông tin

"Giờ chỉ có chết đi là sướng nhất"

(NLĐO) - Đó là suy nghĩ của chị Đào Phương Thanh khi biết mình nhiễm HIV. "Nhưng khi thấy con và cháu chỉ có 2 ngàn đồng để mua dưa về nấu bát canh chan cơm ăn, tôi đã quyết phải dậy để tiếp tục sống" - chị Thanh kể.

Từ trái qua: Anh Bùi Trần Hoàng, chị Đào Phương Thanh, 2 người sống chung với HIV hơn 10 năm và Tiến sĩ Nguyễn Thuận
Từ trái qua: Anh Bùi Trần Hoàng, chị Đào Phương Thanh, 2 người sống chung với HIV hơn 10 năm và Tiến sĩ Nguyễn Thuận

Là người mang trong mình virus HIV hơn 10 năm, chị Đào Phương Thanh và anh Bùi Trần Hoàng đã có cuộc trò chuyện "gan ruột" với các bạn trẻ Hà Nội chiều 1-12 về cuộc sống của mình, những khó khăn và mong ước trong tương lai.

Chị Đào Phương Thanh (Hà Nội) mở đầu phần tham gia của mình trong sự kiện kỷ niệm lần thứ 27 Ngày Thế giới phòng chống AIDS của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam chiều 1-12 bằng một bài hát. Chị hát ngọt ngào và chuyên nghiệp đến mức nhiều người tham gia chương trình ngỡ chị là một ca sĩ được Đại sứ quán mời đến "góp vui" trong sự kiện. Chỉ khi xem bộ phim “Những người sống với chuyện kể”, câu chuyện về thân phận của những người Việt Nam dương tính với HIV, mọi người mới nhận ra chị là một người "có H", hơn thế, lại là một người mang trong mình virus HIV 10 năm trời.

Chị Đào Phương Thanh hát tại buổi gặp mặt chiều 1-12. Chị khoe Đây là show thứ 3 trong ngày của tôi rồi đấy
Chị Đào Phương Thanh hát tại buổi gặp mặt chiều 1-12. Chị khoe "Đây là show thứ 3 trong ngày của tôi rồi đấy"

Trong cuộc trò chuyện sau đó với các bạn trẻ, chị Thanh cho biết chị nhiễm HIV từ năm 2004. Chị Thanh kể chị bị nhiễm HIV trong một trường hợp đặc biệt, song chị không chia sẻ cụ thể nguyên nhân làm chị nhiễm căn bệnh thế kỷ, vì theo chị, HIV chỉ là một căn bệnh, nếu bạn biết một người bị nhiễm HIV, hãy hỗ trợ và giúp đỡ người ấy mà không cần biết đến nguyên nhân nhiễm, có thể là do tai nạn, từ người thân hay là do nghiện ma túy

"Tôi đã có thời gian điều trị phơi nhiễm. Sau 2 lần xét nghiệm đầu tiên đều âm tính, đến lần thứ 3, nếu vẫn âm tính thì hoàn toàn thoát khỏi HIV. Tuy nhiên khi chị y tá không nói kết quả xét nghiệm mà lại hỏi "hôm nay chị đi với ai" thì tôi ngã ngửa người ra, không đứng lên được nữa" - chị Thanh hồi tưởng.

Những ngày đầu tiên đối diện với căn bệnh thế kỷ, nghĩ giờ “chỉ có chết đi là sướng nhất”, chị Thanh đã nằm suốt 15 ngày trong phòng không bật đèn, nhưng chị còn con và 2 người cháu phải nuôi. "Khi thấy con và cháu chỉ có 2 ngàn đồng để mua dưa về nấu bát canh chan cơm ăn, tôi đã quyết phải dậy để tiếp tục sống" - chị Thanh kể.

Chị Thanh là một trong những người đầu tiên công khai tình trạng nhiễm HIV của mình. "Khi công khai, tôi cũng sợ lắm, sợ điều tiếng làm mình không sống nổi. Bố tôi mất, có 5 xe tang kín người đưa. Nhưng khi em trai tôi là người nhiễm HIV mất chỉ sau đó 10 ngày, chỉ có 1 xe tang duy nhất với vài người thân, còn hàng xóm láng giềng chỉ đứng xa xa dòm". Tuy nhiên, sau khi công khai tình trạng nhiễm HIV của mình trên một chương trình truyền hình, chị đã nhận được sự giúp đỡ, động viên của nhiều người, trong đó có hàng xóm láng giềng và cả những người không quen biết. "Chị bán hàng ăn sáng ở ngõ nhà tôi còn nói "Nhờ có Thanh mà chị không phải đập bát nữa" vì ở ngõ nhà tôi cũng có 1 cậu bị HIV, trước đây mỗi lần cậu ấy ra hàng ăn sáng xong thì chị chủ hàng phải đập bỏ bát vì sợ sẽ lây bệnh cho khách hàng khác" - chị Thanh kể.

Chị Thanh cùng các bạn trẻ xem bộ phim “Những người sống với chuyện kể”, trong đó chị là một trong những nhân vật trong phim. Khi đạo diễn Paul Zette làm bộ phim này, mỗi nhân vật trong phim chọn 1 kỷ vật thật, quý giá đối với cuộc sống của mình, và kể lại câu chuyện về kỷ vật ấy một cách giản dị, chân thực

Chị Thanh cùng các bạn trẻ xem bộ phim “Những người sống với chuyện kể” mà chị tham gia năm 2010. Khi đạo diễn Paul Zette làm bộ phim này, mỗi nhân vật trong phim là những người nhiễm HIV đã công khai danh tính chọn 1 kỷ vật thật, quý giá đối với cuộc sống của mình, và kể lại câu chuyện về kỷ vật ấy một cách giản dị, chân thực

Còn với anh Bùi Trần Hoàng (39 tuổi), nhiễm HIV từ khoảng năm 1998, khi anh cảm thấy cuộc sống quay lưng với mình, điểm tựa quan trọng nhất giúp mình đứng dậy chính là gia đình. "Các bạn gặp chúng tôi và thấy đấy, chúng tôi cũng là những người bình thường thôi, không ghê gớm, không lở loét gì. Chúng tôi sống chung với HIV hơn 10 năm và cũng vẫn là những người bình thường" - anh Hoàng cười hiền.

Hiện chị Thanh làm việc tại phòng khám ngoại trú ở khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Đống Đa, Hà Nội, còn anh Hoàng là lái xe taxi. Khi được hỏi về dự định tương lai, chị chia sẻ: "Nhờ mọi người yêu tôi, tôi mới sống được đến hôm nay. Tôi luôn tâm niệm dù còn sống một ngày thôi, gặp người khó khăn là phải giúp ngay, không chờ có nhiều tiền mới giúp". Số điện thoại của anh Bùi Trần Hoàng hiện vẫn là số đường dây nóng tư vấn cho các bạn nhiễm HIV: 0982643975.

Anh Hoàng tâm sự, cũng như những người nhiễm HIV khác, anh mong duy trì dự án điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) miễn phí. "Tuy nhiên, tôi cũng biết sắp tới HIV không còn "hot", các dự án tài trợ sẽ bị cắt giảm. Tôi tham gia bảo hiểm y tế với mong muốn khi nhà nước Việt Nam tiếp cận thì những người như chúng tôi chỉ cần đóng 30% tiền để có thuốc duy trì sự sống" - anh Hoàng nói.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thuận, Giám đốc Trung tâm Sống An toàn đồng thời là Nhà sáng lập/Giám đốc Phòng Vì sự hoà nhập của cộng đồng Đồng tính và Chuyển giới, thuốc điều trị cho người nhiễm HIV hiện vẫn là thuốc "ngoài luồng" của bảo hiểm y tế, chưa được tính trong việc thực hiện hỗ trợ chi trả chi phí, trong khi việc tiếp cận thuốc rất quan trọng với những người nhiễm HIV.

Người lao động

nhiễm HIV, bệnh HIV, HIV/AIDS, phòng chống HIV/AIDS, dụng cụ xét nghiệm HIV, phơi nhiễm HIV, phòng chống, nhiễm HIV/AIDS, đại sứ quán Mỹ, phòng chống,


© 2021 FAP
  3,251,964       4/1,511