Công nghệ thông tin

Kê khai tài sản: Dấu hỏi lớn

Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, thẩm phán xử án phải chịu trách nhiệm trước dân chứ không được đổ cho anh Hai, anh Ba chỉ đạo

“1 triệu người kê khai tài sản chỉ 5 người có sai sót và 1 người bị kiểm điểm. Hình như việc kê khai và công bố tài sản quan chức còn lấn cấn. Các đại biểu Quốc hội có ý kiến gì về vấn đề này? Dân muốn kê khai xong phải công khai”. Đó là nội dung chất vấn của ông Nguyễn Văn Phú tại buổi tiếp xúc cử tri quận 1 và 3, TP HCM của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng tổ đại biểu Quốc hội TP HCM đơn vị 1, tổ chức ngày 3-12.

Chiếm nhà công vụ là tham nhũng

Theo cử tri Nguyễn Văn Phú, chiếm dụng nhà công vụ khi đã nghỉ hưu cũng là hành vi tham nhũng. Vì thế, hãy công khai trên các phương tiện truyền thông danh sách quan chức được ở nhà công vụ, thời hạn ở và thời gian trả để nhân dân giám sát. Cử tri Vũ Trọng Quý, quận 3, bày tỏ phẫn nộ vì ông biết có quan chức được cấp nhà công vụ lại bán để lấy tiền mua dinh thự.

Trả lời cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang rất tán thành việc công khai tài sản quan chức. “Lần nào gặp, cô bác cũng bất an chuyện này. Tôi cũng thấy ngại lắm vì tình hình cứ vậy, chưa chuyển biến nhiều. Hiện nay, công khai ở cơ quan làm việc, chưa công khai tại nơi cư trú nên quý vị không bằng lòng. Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh để sớm thực hiện được nguyện vọng của bà con” - Chủ tịch nước khẳng định.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao đổi với các cử tri Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao đổi với các cử tri Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Về việc 1 triệu cán bộ kê khai tài sản mà chỉ phát hiện ra 5 người sai sót, Chủ tịch nước cho rằng đây là một dấu hỏi lớn mà dân nghi ngờ ghê gớm, còn những người trong cuộc cũng day dứt. Liên quan đến nhà công vụ, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Người ở nhà công vụ không tự nguyện trả là đáng trách. Họ đáng trách một thì các cơ quan quản lý đáng trách mười vì không tiến hành thu hồi. Quản lý như thế là quá lỏng lẻo. Chúng tôi sẽ rà soát, ai thiếu trách nhiệm sẽ xử theo quy định”.

Nạn chạy án cũng ghê gớm

Vấn đề án oan, án sai cũng được cử tri đề cập. Ông Nguyễn Hữu Vạn, cử tri quận 1, bức xúc: “90% án dân sự xử thế nào cũng được, thẩm phán không căn cứ vào luật mà xử theo cảm tính. Cấp sơ thẩm xử sai mà lên cấp phúc thẩm cũng y án, rồi 1 vụ việc mà có 2 bản án trái ngược nhau nhưng vẫn tồn tại”.

Chủ tịch nước nhìn nhận đây là điều rất đáng lo. “Người phán quyết phải chịu trách nhiệm trước HĐND địa phương, Quốc hội và nhân dân chứ không thể đổ thừa anh Hai, anh Ba, anh Tư chỉ đạo. Anh có thể tham khảo cấp cao nhưng phải phán quyết trên chứng cứ” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước cũng mong muốn cử tri giám sát chuyện bỏ sót tội phạm. “Không chỉ chạy chức chạy quyền, chạy huân chương mà chạy án cũng ghê gớm. Có những vụ việc chúng tôi đang theo dõi” - Chủ tịch nước cho biết.

Độc lập kinh tế để độc lập chính trị

Ông Nguyễn Minh Quế, cử tri quận 3, cho rằng việc quản lý và điều hành nền kinh tế của Chính phủ gây bức xúc và lo lắng cho người dân cả nước bởi tình trạng nợ xấu, nợ công tăng.

Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, chủ trương của Việt Nam là tái cơ cấu nền kinh tế, thay đổi mô hình sản xuất nhưng nhìn chung vẫn còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. “Đường lối của mình là độc lập, tự chủ về kinh tế. Nếu không độc lập, tự chủ về kinh tế thì sẽ phụ thuộc về chính trị. Do đó, toàn Đảng, toàn dân phải chung sức nâng cao thể trạng nền kinh tế. Trung ương cũng đang xốc vào mà làm” - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Cử tri Nguyễn Hữu Vạn đề nghị Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét lại vụ án Hồ Duy Hải giết 2 nữ nhân viên Bưu cục Cầu Voi ở Long An vì còn nhiều điểm nghi ngờ, uẩn khúc.

Người lao động

kê khai tài sản, đại biểu quốc hội, tiếp xúc cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nhà công vụ, tham nhũng, tài sản quan chức, công khai tài sản quan


© 2021 FAP
  3,248,616       6/1,483