Công nghệ thông tin

Việt Nam vẫn được ưu tiên ODA

Các nhà tài trợ thúc giục Việt Nam cải cách mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển

Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) 2014 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức đã diễn ra ngày 4-12 ở Hà Nội. Chủ đề của diễn đàn năm nay là “Cải cách thể chế kinh tế, tăng cường khả năng tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam”.

Đổi mới để lấy lại tăng trưởng

Hai nội dung chính được thảo luận tại VDPF năm nay là Cải cách thể chế kinh tế thị trường và Phát triển khu vực tư nhân.

Thông báo với các nhà tài trợ về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam năm 2014 và một số định hướng trong những năm tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng năm 2014, Việt Nam đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô và đạt hầu hết các mục tiêu do Quốc hội đề ra. Tăng trưởng GDP đạt 5,9%, bội chi ngân sách bằng 5,3% GDP, đáng lưu ý là tổng kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên đạt 150 tỉ USD, gấp 3 lần so với khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và liên tục xuất siêu.

Các đại biểu trao đổi bên lề diễn đànẢnh: Dương Ngọc
Các đại biểu trao đổi bên lề diễn đànẢnh: Dương Ngọc

Về nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Việt Nam sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, tập trung tái cơ cấu đầu tư công, giảm mạnh tỉ lệ vốn nhà nước trong các doanh nghiệp (DN), nâng cao hiệu quả kinh doanh của DN nhà nước. Thực hiện tái cơ cấu thị trường theo hướng phát triển mạnh thị trường trong nước và đa dạng hóa thị trường ngoài nước, không để phụ thuộc lớn vào bất kể thị trường nào. “Chính phủ sẽ tập trung các giải pháp đồng bộ để phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

Diễn đàn các nhà tài trợ cũng ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong phát triển kinh tế - xã hội. “Chúng tôi đã bắt đầu nhận thấy những dấu hiệu ban đầu của quá trình hồi phục tăng trưởng trong nhiều ngành kinh tế” - bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam, đánh giá. WB khẳng định sẽ huy động đầy đủ các nguồn lực cho quá trình phát triển của Việt Nam.

Theo ông Pierre Amilhat, đại diện Tổng cục Hợp tác Phát triển EU, dù EU vừa trải qua giai đoạn khó khăn, nhiều nước phải “thắt lưng buộc bụng” nhưng Việt Nam vẫn là đối tác được ưu tiên. “Chúng tôi cam kết luôn hỗ trợ Việt Nam” - ông Pierre Amilhat nói.

Đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ông Sanjay Kalra, cũng cho rằng sự ổn định kinh tế vĩ mô mà Việt Nam đạt được từ năm 2012 đến nay là rất đáng khen ngợi. Tuy nhiên, tăng trưởng đã hồi phục nhưng tình hình kinh tế trong nước vẫn còn rất yếu.

Phát triển kinh tế tư nhân

Các nhà tài trợ thúc giục Việt Nam cải cách mạnh mẽ DN nhà nước, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. “Việt Nam đã dựa vào DN nhà nước để quản lý kinh tế vĩ mô và dành cho DN nhà nước vai trò dẫn đường trong quá trình công nghiệp hóa. Có nhiều bằng chứng cho thấy cách tiếp cận này không mang lại nhiều hiệu quả” - bà Victoria Kwakwa cảnh báo và khuyến nghị văn kiện Đại hội Đảng 2016 nên tập trung các cuộc tranh luận về vấn đề này.

Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy tỉ lệ DN tư nhân chiếm khoảng 96% trong tổng số 391.547 DN đang hoạt động trên cả nước. Sự thành công trong phát triển của Việt Nam có đóng góp rất quan trọng của khu vực tư nhân nhưng DN tư nhân Việt Nam đang có quy mô nhỏ dần đi. Các DN trong nước đã không tận dụng được tác động lan tỏa của DN nước ngoài, tham gia rất hạn chế vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Từ thực trạng này, WB khuyến cáo Việt Nam cần coi cải cách DN nhà nước là bàn đạp để phát triển các DN trong nước. Theo đó, cải cách DN nhà nước cần theo hướng giảm tập trung vào con số DN cổ phần hóa và thay vào đó cần chú ý đến chất lượng cổ phần hóa. Cần nâng tỉ lệ sở hữu tư nhân trong DN nhà nước để tăng mức độ hấp dẫn các nhà đầu tư và tăng cường cải tiến quản trị DN.

Tiếp thu ý kiến, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho biết vấn đề này đã được Chính phủ Việt Nam bàn tại phiên họp thường kỳ tháng 11. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nêu rõ quan điểm các bộ, ngành phải xem xét lại quá trình tái cấu trúc DN nhà nước không chỉ ở nội dung đánh giá bằng số lượng DN được cổ phần hóa mà quan trọng là chất lượng. Nếu tỉ trọng vốn tư nhân tham gia vào DN cổ phần hóa chỉ chiếm 3%-10% thì không thay đổi được quản trị, phải đạt được mức 70% hoặc 100%. “Khái niệm DN nhà nước trước đây là DN nhà nước nắm trên 50% vốn trở lên nhưng nay phải 100% mới gọi là DN nhà nước” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Không nói và bàn suông

Để các cuộc đối thoại ngày càng đi vào thực chất, bà Victoria Kwakwa đề nghị cần chú ý bao quát hơn đến mọi đối tượng, cụ thể là dành một vị trí cho kinh tế tư nhân trong nước trên bàn đối thoại. Và phải làm cho cuộc đối thoại hướng đến hành động hơn nữa, thay vì chỉ là nói và bàn suông. Sau diễn đàn này, Việt Nam cần xác định rõ các mục tiêu ưu tiên, từ đó đưa ra thời gian thực hiện cụ thể đối với từng mục tiêu.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,245,407       8/1,462