Công nghệ thông tin

Tự quản tốt nên học giỏi

Mùa Đông giá lạnh thấu xương, khi học sinh đang phải cuộn mình trong chăn ấm thì các anh chị nuôi đã dậy lo bữa sáng, bữa sáng chưa xong đã tất bật lo bữa trưa, bữa chiều, có khi cả bữa tối

Trong ký ức của cựu học sinh miền Nam (HSMN) Nguyễn Có, đảm nhận việc ăn uống của HSMN trên đất Bắc lúc bấy giờ là các anh chị tiếp liệu, tiếp phẩm và nấu nướng. Ngày lễ, ngày hè học sinh vẫn ở lại trường nên các anh chị này cũng phải ở lại.

Không một ai phàn nàn

Hằng ngày, bất kể nắng mưa hay giá lạnh, các anh chị tiếp liệu với xe đạp lọc cọc gắn thêm hai chiếc sọt to, từ sáng tinh mơ đã có mặt ở chợ trên chợ dưới tìm mua rau quả và thực phẩm tươi sống. Lúc thực phẩm khan hiếm, các anh chị len lỏi tận thôn xóm để mua gà, bí... mang về.

Trong hành trang cuộc đời, cựu HSMN Trần Thanh Phương luôn trân trọng cất giữ những thẻ học sinh, giấy khen... của Trường bổ túc văn hóa “Cần - Công - Kiệm - Học” cấp vào những năm 1954-1958
Trong hành trang cuộc đời, cựu HSMN Trần Thanh Phương luôn trân trọng cất giữ những thẻ học sinh, giấy khen... của Trường bổ túc văn hóa “Cần - Công - Kiệm - Học” cấp vào những năm 1954-1958

Vất vả vậy nhưng không một ai phàn nàn. Mùa Đông giá lạnh thấu xương, khi học sinh đang phải cuộn mình trong chăn ấm thì các anh chị nuôi đã dậy nấu xôi hoặc rửa khoai, sắn để luộc. Bữa sáng chưa xong đã tất bật lo bữa trưa, bữa chiều, rồi có khi cả bữa tối. Cơm phải nấu có loại nát loại cứng; cháo cũng có cháo mặn cháo ngọt, thức ăn cũng có loại thường và loại ăn kiêng cho hợp khẩu vị đa dạng của HS.

Theo cựu HSMN Tô Dùng, nhiều học sinh lớn tuổi vốn là liên lạc của các đơn vị bộ đội, cơ quan dân chính đảng, công nhân các binh công xưởng, trình độ văn hóa thấp, chỉ lớp 1 lớp 2, khi ra Bắc được sắp xếp cho học bổ túc văn hóa 2 năm 3 lớp.

Học vất vả nhưng do quyết tâm cao, tính tự quản tốt nên cuối cùng đã học giỏi, học tốt như: TS hóa học Phạm Thị Hội, GS-TS Lê Bửu, họa sĩ Châu Hoàn, nhạc sĩ Phạm Lý, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Tấn Tài, NSND Lâm Tới, TS thực phẩm Phạm Thị Bé Năm, nhà ngoại giao Đoàn Văn Mạng, nhà văn - nhà báo Trần Thanh Phương...

Năm 1958, Bác Hồ đến thăm Trường HSMN (lúc bấy giờ ở tại khu Chương Mỹ, tỉnh Hà Đông). 5 học sinh Lê Bửu, Nguyễn Sô, Tô Dùng, Hoàng Hữu Nghĩa, Nguyễn Văn Hải được phân công dâng Bác những thành quả lao động do chính HSMN làm ra. Đó là những buồng chuối trái thật to, sai quả, nhiều nải; những bó mía mập, dài và bóng bẩy. Bác Hồ đã ôm từng HS vào lòng và động viên phải cố gắng chăm chỉ học hành giỏi hơn nữa, nhiều hơn nữa. Năm 1959, Bác Tôn Đức Thắng, cô Nguyễn Thị Thập, chú Nguyễn Khánh Toàn... cũng về thăm và các HSMN đã mang tặng đậu phụng, đậu xanh, được cô chú rất vui.

Ngày 30-8-1958, Bác Tôn Đức Thắng, Trưởng Ban Lãnh đạo trung ương thanh toán nạn mù chữ, gửi thư cho HSMN tập kết. Thư viết: “Bác rất vui mừng khi được báo cáo rằng các cháu đã làm tốt công tác hè và diệt dốt. Riêng về thành tích diệt dốt, các cháu đã vận động được 12.158 đồng bào đi học... Ngoài ra, các cháu lại còn giúp đỡ 25 vạn đồng bào giấy, bút, sách vở và vận động được 2.914 người ra làm cán bộ, giáo viên bình dân học vụ, 2.652 người tham gia các tổ khuyến học. Mặc dù việc vận động đồng bào đi học đối với các cháu có rất nhiều khó khăn nhưng các cháu đã nỗ lực, nhẫn nại kiên trì công tác. Nhiều cháu đã khéo léo biết kết hợp vừa tham gia làm việc với đồng bào vừa tuyên truyền, vận động đồng bào đi dạy, đi học...”

Vinh dự được gặp Bác Hồ

Nhưng người vinh dự nhất có lẽ là HS Nguyễn Sô. Ông Sô kể ngày 29-12-1956, ông được giám đốc trường là thầy Nguyễn Duy Khâm gọi lên và bảo: “Năm nay, nhân dịp Tết, Bác Hồ muốn gặp đại diện cán bộ, bộ đội, thiếu nhi và đồng bào tập kết để chúc Tết. Riêng HSMN, các chú chọn cháu đại diện. Đây là vinh dự lớn mà nhiều người, kể cả chú cũng chưa được gặp”.

Còn được nghe dặn dò nhiều nữa nhưng ông Sô nhớ lúc đó không còn bình tĩnh để nghe vì quá sung sướng, tim đập mạnh, người cứ run lên, hai hàng nước mắt tuôn trào.

Rồi ông Sô và các đại biểu được đưa vào Phủ Chủ tịch. Khi mọi người đã yên vị, Bác Hồ đến và lấy cây bút chì đặt ngang lên cây thước rồi hỏi mọi người: “Đầu này là miền Bắc, đầu kia là miền Nam. Miền Bắc củng cố vững mạnh sẽ nặng hơn đầu miền Nam”.

Vừa nói, Bác vừa dùng ngón tay ấn xuống đầu cây bút chì phía Bắc, lập tức đầu bút chì phía Nam bật lên. Mọi người hiểu ra ý của Bác nên vỗ tay rần rần. Rồi Bác nói: “Nhân dân ta còn nghèo, Bác còn nghèo. Tết này Bác chỉ đãi các cụ, các cô, các chú và các cháu bánh kẹo. Cố ăn cho hết, không hết thì mang về cho các cháu nhỏ”.

Trở về trường, dù đã 12 giờ đêm nhưng ông Sô thức luôn tận sáng để viết thư gửi vào miền Nam khoe với má. Nhưng mãi đến khi miền Nam giải phóng, được vào Nam ông mới biết thư đã không thể đến được ..

Trở thành sự thật

Sau khi tốt nghiệp Trường Bổ túc Văn hóa “Cần - Công - Kiệm - Học” ở tỉnh Hải Dương và Trường Bổ túc Công nông ở Hà Nội, các HSMN lần lượt vào các trường đại học hoặc trung học chuyên nghiệp trong nước. Một số đi học đại học ở Liên Xô (cũ) hoặc các nước XHCN khác. Phần lớn HSMN sau này đều trưởng thành và có đóng góp lớn cho đất nước trên nhiều lĩnh vực. Trong cuộc họp mặt chúc Tết năm 1990 tại Bến Nhà Rồng (TP HCM), cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nói: “Hy vọng của mấy chục năm trước đây đã trở thành sự thật. Những HSMN lúc đó bây giờ đã trở thành một lực lượng nóng cốt của Đảng, nhà nước...”

Người lao động

© 2021 FAP
  3,245,010       11/1,496