Công nghệ thông tin

Chất vấn tại kỳ họp HĐND TP HCM: Giám đốc Sở GTVT 2 lần nhận khuyết điểm!

Nhiều số liệu quan trọng như tỉ lệ người dân sử dụng nước sạch, số điểm ngập phát sinh đều phải chờ lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải “kiểm tra lại”

Cả buổi sáng 11-12, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM Nguyễn Thành Chung, người nhận chức vụ này vừa tròn 5 tháng, đã nhận được hàng loạt câu hỏi “nóng” mà nhiều đại biểu (ĐB) đặt ra tại kỳ họp thứ 16, HĐND TP HCM khóa VIII liên quan đến chống ngập, nước sạchtrợ giá xe buýt.

Trợ giá xe buýt có tiêu cực

Là người đầu tiên chất vấn giám đốc Sở GTVT, ĐB Cao Thanh Bình đi thẳng vào vấn đề: “Đánh giá của ông về hiệu quả trợ giá xe buýt thời gian qua?”. ĐB Nguyễn Văn Lâm cũng chất vấn: Liệu có hiệu quả khi nhà nước trợ giá nhiều nhưng chỉ tiêu số người đi xe buýt không đạt, dẫn đến tình trạng xé vé khống?

Ông Chung đưa ra số liệu minh chứng: Nếu như năm 2002, xe buýt có trợ giá vận chuyển 24 triệu lượt khách thì đến năm 2013 là 344 triệu lượt (tăng 17,5 lần). Trong khi đó, vận tải bằng xe buýt không trợ giá năm 2002 đạt 14,8 triệu lượt, đến năm 2013 tăng lên 39,6 triệu lượt (chỉ tăng 2,7 lần). Như vậy, xe buýt có trợ giá tăng 15 lần sản lượng (320 triệu lượt khách) so với xe buýt không trợ giá. “Nếu 320 triệu lượt này chuyển sang xe cá nhân thì nguy cơ tai nạn, chất thải gây ô nhiễm môi trường sẽ nghiêm trọng hơn…” - ông Chung so sánh.

Tuy nhiên, ông Chung cũng thừa nhận việc thực hiện trợ giá xe buýt thời gian qua có nhiều tiêu cực như xé vé khống xảy ra từ thời điểm 2013 trở về trước. Nguyên nhân là do việc khoán chuyến và số lượng khách cho các đơn vị vận tải, khi không đạt sản lượng lo sợ bị phạt và giảm mức trợ giá nên xảy ra xé vé khống. Ngoài ra, còn có tình trạng tài xế, tiếp viên sử dụng vé quay vòng để tư túi, gây thiệt hại cho chủ xe. Theo ông Chung, những hạn chế này Sở GTVT đã thấy và điều chỉnh.

Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Thành Chung nói lời xin lỗi người dân khi thông tin chưa đúng về nước sạch và chống ngập
Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Thành Chung nói lời xin lỗi người dân khi thông tin chưa đúng về nước sạch và chống ngập

ĐB Trần Thị Tuyết Hồng truy tiếp: “Tôi thấy sở mới xử lý các tiêu cực trên xe buýt nhưng chưa có biện pháp xử lý cụ thể các nhân viên?”. Ông Chung cho rằng Sở GTVT đã buộc gắn thiết bị giám sát hành trình trên xe buýt, ngoài ra còn thiết lập đường dây nóng để hành khách phản ánh tiêu cực trong trợ giá, hành vi của tài xế, tiếp viên...

Một công trình chống ngập xử phạt… 66 lần!

“Bên cạnh những điểm ngập nước do triều cường, vẫn còn điểm ngập phát sinh do thi công dự án. Vậy chúng ta có giải pháp nào để chế tài chủ đầu tư, đơn vị thi công để xảy ra ngập?” - ĐB Nguyễn Thị Việt Tú hỏi. Ông Nguyễn Thành Chung thừa nhận thời gian qua, nhiều công trình thi công đã làm ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước. Điển hình, dự án Tân Hóa - Lò Gốm, thanh tra sở đã kiểm tra xử phạt 66 lần mà vẫn có dấu hiệu vi phạm.

“Trong thời gian tới, sở sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thi công của các nhà thầu để xử lý nghiêm” - ông Chung hứa. Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm chỉ ra: “Kiểm tra xử phạt 66 lần nhưng đơn vị tiếp tục vi phạm mà Sở GTVT vẫn cho làm thì tôi rất băn khoăn. Vậy hiệu quả quản lý nhà nước cũng như tính nghiêm minh của pháp luật ở đâu?”.

Đối với việc ngập do mưa, ông Chung cho biết năm 2011, TP HCM đưa ra chỉ tiêu giải quyết 58 điểm ngập, trong đó có 31 điểm ngập ở trung tâm. Đến năm 2013, cơ bản chỉ còn 6 điểm ngập ở trung tâm nhưng đến 2014, kiểm tra lại thì có 33 điểm tái ngập, 6 điểm chưa giải quyết và phát sinh 29 điểm ngập mới. “Nguyên nhân phát sinh 29 điểm ngập mới là do thi công dự án và biến đổi khí hậu…” - ông Chung lập luận. Song, với 29 điểm ngập mới này, ông Chung thừa nhận là chưa đánh giá đúng thực tế và xin nhận khuyết điểm.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đột ngột yêu cầu giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn làm rõ việc xây dựng hồ điều tiết đến đâu. “Tôi được biết khi san lấp kênh rạch thì sẽ thay thế bằng hồ điều tiết với tỉ lệ là 1-1,2 (cứ 1 m kênh rạch bị san lấp thì sẽ được bù bằng 1,2 m hồ điều tiết - PV). Vậy sở có kiểm tra nguyên tắc này không?” - bà nêu. Ông Tuấn đáp: “Vấn đề là công tác hậu kiểm chủ đầu tư, đơn vị thi công của cơ quan chức năng”. Không hài lòng, bà Tâm chất vấn: “Tôi muốn biết trách nhiệm cụ thể của cơ quan quản lý nào?”. Ông Tuấn tỏ ra lúng túng và hứa “sẽ có báo cáo bằng văn bản”!

Đáng tiếc và đáng trách!

Sau khi nhận khuyết điểm về số liệu chống ngập, ở phần trả lời chất vấn về nước sạch, lần thứ hai giám đốc Sở GTVT Nguyễn Thành Chung lại nói lời “xin lỗi dân” và “nhận khuyết điểm”.

Trước đó, ĐB Nguyễn Văn Lâm hỏi: Báo cáo đạt 100% hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, vậy đây có phải là số chính xác? Thấy ông Chung lúng túng, bà NGuyễn Thị Quyết Tâm lắc đầu: “40 năm rồi mà sở, ngành vẫn không nắm được bao nhiêu phần trăm người dân sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh. Cán bộ phường, xã cũng không biết người dân ở đâu phải xách can đi mua nước... Đây là điều thật đáng tiếc và rất đáng trách”!

Một năm chỉ “nhích” 10%

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Mạnh Hà đưa ra con số cho thấy “cán bộ lãnh đạo TP còn kém về công nghệ thông tin”: Chỉ 50% lãnh đạo các quận, huyện, sở, ngành của TP sử dụng hộp thư điện tử. Ông Hà nhắc lại: “Tại kỳ họp HĐND TP cuối năm 2013, tôi có nêu tỉ lệ lãnh đạo các quận, huyện, sở, ngành sử dụng hộp thư điện tử chưa tới 40% thì nay chỉ “nhích” lên... 50%. Một tin đáng buồn”! Theo ông Lê Mạnh Hà, nếu lãnh đạo đều sử dụng hộp thư điện tử thì “đường đi” của công việc sẽ rất nhanh và thuận tiện.

Trong ngày 11-12, HĐND TP HCM cũng đã ra nghị quyết thông qua 9/10 tờ trình của UBND TP. Trong đó có tờ trình về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án khu đất “vàng” Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Đồng Khởi - Nguyễn Thiệp (quận 1). Riêng tờ trình của UBND TP về đề án thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ theo đầu phương tiện đối với mô tô trên địa bàn không được HĐND TP thông qua.

Sáng nay (12-12), Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân sẽ trả lời chất vấn những vấn đề mà ĐB đặt ra, đồng thời kỳ họp bế mạc.

Người lao động

Sở GTVT, chất vấn, chống ngập, nước sạch, trợ giá xe buýt, xé vé khống, ô nhiễm môi trường, xe cá nhân, tai nạn giao thông, thoát nước, biến đổi khí h


© 2021 FAP
  3,236,215       1/907