Công nghệ thông tin

Công khai thông tin đất đai để giảm tham nhũng

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới công bố ngày 12-12 cho thấy địa phương nào thực hiện tốt việc công khai thông tin quy hoạch đất đai thì tương ứng tần suất người dân và doanh nghiệp phải trả hối lộ ít hơn

Theo kết quả điều tra xã hội học năm 2012 về “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ công chức” do Ngân hàng Thế giới (WB) và Thanh tra Chính phủ phối hợp thực hiện thì quản lý đất đai là một trong những ngành tham nhũng nhất. Gần 60% ý kiến chọn lĩnh vực quản lý đất đai xếp ở vị trí thứ hai trong 3 ngành tham nhũng nhất. Trong khi đó, 70% khiếu nại trên cả nước liên quan đến lĩnh vực này.

Nguồn gây nên tham nhũng

PGS-TS Phạm Duy Nghĩa, Trưởng Khoa Luật Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng đất đai là một nguồn có thể gây nên tham nhũng bởi những người có quyền phân bổ đất đai với giá do cơ quan hành chính ấn định. Vì vậy, nếu nông dân - những người mất đất - không được biết, không được tham gia quá trình chuyển đổi đất đai, phúc lợi không được phân bổ cho họ một cách hợp lý thì xung đột về đất đai sẽ lan rộng.

Công khai thông tin đất đai để giảm tham nhũng
Bảng thông tin đặt trong nhà để xe ở tỉnh Vĩnh Long (ảnh trên) và cán bộ địa phương cho nhóm nghiên cứu xem bản đồ tại Cà Mau Ảnh: NHÓM NGHIÊN CỨU CỦA NGÂN HÀNG THẾ GIỚI
Bảng thông tin đặt trong nhà để xe ở tỉnh Vĩnh Long (ảnh trên) và cán bộ địa phương cho nhóm nghiên cứu xem bản đồ tại Cà Mau Ảnh: NHÓM NGHIÊN CỨU CỦA NGÂN HÀNG THẾ GIỚI

Kết quả nghiên cứu công khai thông tin đất đai của WB đã chỉ ra mối tương quan giữa việc công khai thông tin về đất đai với mức độ hối lộ mà người dân và doanh nghiệp báo cáo là họ phải trả. “Nơi nào có chỉ số công khai thông tin đất đai tốt hơn, tần suất người dân và doanh nghiệp báo cáo họ phải trả hối lộ ít hơn. Nơi nào minh bạch hơn thì nơi đó ít tham nhũng hơn” - bà Trần Thị Lan Hương - chuyên gia quản trị nhà nước của WB, thành viên nhóm nghiên cứu - cho biết.

Đất đai là thông tin… “mật”

Khảo sát tại 63 tỉnh, 126 huyện và 321 xã được chọn mẫu cũng như trên trang web của tất cả các địa phương vào cuối năm 2013 và đầu năm 2014, nhóm nghiên cứu kết luận việc công khai thông tin đất đai đã từng bước được cải thiện so với năm 2010 song vẫn chưa đầy đủ theo yêu cầu của pháp luật. Nhiều địa phương chưa công khai những thông tin lẽ ra họ phải công khai như kế hoạch sử dụng đất hay dự thảo quy hoạch đô thị...

Khi các thành viên nhóm nghiên cứu đến tìm hiểu thông tin tại các địa phương, cán bộ phụ trách từ chối cung cấp, yêu cầu phải được lãnh đạo đồng ý, nêu lý do thông tin là “mật” hay đòi giấy giới thiệu. Ở cấp xã, cán bộ phụ trách thường không có mặt ở cơ quan trong giờ làm việc hoặc trả lời họ không có các thông tin được yêu cầu cung cấp. Chỉ 50% điểm khảo sát cung cấp thông tin về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Mức độ thu thập thông tin quy hoạch đô thị còn thấp hơn nhiều, cứ khoảng 8 xã mới có 1 xã cung cấp.

Bà Lan Hương nêu trường hợp bảng thông tin được đặt trong nhà để xe ở tỉnh Vĩnh Long với những hàng xe máy phía trước, rất khó tiếp cận hay bản đồ quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất được treo quá cao (trên nóc tủ) hoặc ngược (mặt bản đồ áp vào tường) hay treo sau một tấm rèm. Các bản đồ cũng có thể được cất trong tủ và chỉ được mở cho người xem khi họ yêu cầu như ở Hà Tĩnh, Phú Thọ, Hà Giang, Lào Cai, Thái Bình và Cà Mau. “Điều đáng buồn là các đợt kiểm tra thực tế xác nhận rằng văn hóa xin - cho vẫn tồn tại ở rất nhiều nơi. Mặc dù đã có cơ sở pháp lý chắc chắn cho việc công khai thông tin, các nghiên cứu viên vẫn thường xuyên được chỉ dẫn phải xin phê duyệt của lãnh đạo địa phương để được xem các tài liệu cần thiết” - báo cáo chỉ rõ.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển thừa nhận việc tổ chức thực thi pháp luật yếu, trong đó có lĩnh vực minh bạch thông tin về đất đai. “Chúng ta phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; cấp trên kiểm tra cấp dưới. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có cơ quan giám sát, đôn đốc các địa phương thực hiện bởi đã là pháp luật thì phải thực hiện, tổ chức kiểm tra, cần thiết thì xử lý” -  ông Hiển nói.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam, nhấn mạnh yêu cầu về thông tin trong luật hiện hành rất khiêm tốn song vẫn chưa được thực hiện đầy đủ. “Chỉ cần làm một số việc để người dân có thể đọc được thông tin họ có quyền đọc, chúng ta sẽ tạo ra sự khác biệt lớn. Do đó, cần bảo đảm nâng cao nhận thức trong toàn hệ thống, công dân cũng nhận thức được quyền của mình và yêu cầu thông tin, tạo áp lực với các cơ quan nhà nước để cải thiện tình trạng” - bà Kwakwa nói.

Sẽ quy định về cung cấp thông tin

Theo Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ xây dựng một nghị định về cung cấp thông tin trong lĩnh vực đất đai, dự kiến ban hành năm 2015. Trong đó, sẽ xác định thông tin nào có thể cung cấp, thông tin nào không, hình thức cung cấp, nội dung, thông tin nào phải trả tiền; trách nhiệm của các cơ quan cung cấp cũng như người sử dụng thông tin.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,234,889       1/899