Công nghệ thông tin

Xe tải né trạm cân, phá nát đường quê

Trong khi tại Quảng Ngãi, xe tải nặng lưu thông vào đường nông thôn làm đảo lộn cuộc sống người dân thì ở Thừa Thiên - Huế, trạm kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông phải ngưng hoạt động mỗi khi mưa to

Hơn tháng qua, người dân ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi hết sức bức xúc vì xe tải nặng chạy vào các đường trong khu dân cư, làm đảo lộn cuộc sống của họ.

Ăn không ngon, ngủ không yên

Bà Nguyễn Thị Tâm bức xúc: “Từ khi lực lượng chức năng kiểm soát chặt xe quá tải trọng bằng cách đặt trạm cân lưu động trên Quốc lộ 1, đoạn qua huyện Bình Sơn, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải nặng chạy vào các đường liên xã. “Việc xe quá tải trọng chạy vào đường liên xã không những phá nát hệ thống giao thông mà còn khiến người dân mất ăn, mất ngủ” - bà Tâm phản ánh.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết các tuyến đường liên xã tại Bình Chánh không phải dành cho xe tải nặng lưu thông, vì thế những xe vi phạm này không chỉ làm hư đường mà còn dễ gây ra tai nạn giao thông.

“Đây là đường nông thôn, xe tải ngang nhiên chạy vào nhưng không thấy cơ quan nào xử lý. Không chỉ dễ gây ra tai nạn, những xe tải nặng còn gây ra tiếng ồn lớn, rung động làm hư hỏng nhà cửa” - ông Nguyễn Văn Năm nói.

Tuyến đường liên xã tại xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bị hư hỏng do xe tải nặng hoành hànhẢnh: TỬ TRỰC
Tuyến đường liên xã tại xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bị hư hỏng do xe tải nặng hoành hành. Ảnh: TỬ TRỰC

Ông Năm cho biết để qua mặt cơ quan chức năng, xe tải nặng thường chạy từ 20 giờ đến 3 giờ hôm sau.

Ông Trần Quang Tâm, Chủ tịch UBND xã Bình Chánh, cho rằng việc xe quá tải chạy vào các tuyến đường liên xã đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân địa phương. Tuy nhiên, do không thuộc thẩm quyền nên xã không thể ngăn chặn những xe vi phạm này. “Chúng tôi đã báo cáo vụ việc với UBND huyện, kiến nghị cơ quan chức năng có kế hoạch tuần tra để ngăn chặn nhằm bảo đảm an toàn cho người dân; đồng thời hỗ trợ sửa chữa những tuyến đường đã hư hỏng nặng do những xe này gây ra” - ông Tâm nói.

Ông Huỳnh Ngà, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Quảng Ngãi, cho biết các tuyến đường liên xã có xe tải hoành hành đều do huyện quản lý. Thanh tra Sở GTVT cũng đã yêu cầu huyện cắm biển báo hạn chế xe tải nặng. “Sắp tới, chúng tôi tiếp tục cử lực lượng tuần tra để ngăn chặn xe tải nặng chạy vào các đường liên xã” - ông Ngà nói.

Trạm cân sợ… mưa to

Sau những ngày mưa lớn buộc phải nằm kho tại Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên - Huế, ngày 14-12, xe cân lưu động TC008 đã hoạt động trở lại tại trạm đóng trên Quốc lộ 1, đoạn qua xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy. Một cán bộ trạm cân cho biết do không có mái che nên trạm phải dừng hoạt động mỗi khi mưa to.

Theo ông Võ Văn Tươi, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên - Huế, mưa nhỏ, trạm cân có thể hoạt động được nhưng mưa to thì phải dừng vì các thiết bị điện tử như thảm cân, camera, đèn… sẽ bị hỏng hoặc cho kết quả không chính xác.

Ông Tươi cho biết theo chủ trương của Bộ GTVT, kinh phí xây dựng mái che cho trạm cân lưu động là do địa phương chi, trong khi tỉnh chưa có kinh phí, lại chưa xác định được nơi đặt trạm cân.

Theo thống kê của Phòng CSGT (PC67) Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong hơn 40 ngày của tháng 11 và đầu tháng 12, lực lượng liên ngành chỉ bố trí được 72 ca (3 ca/ngày) hoạt động tại trạm cân TC008. Thượng tá Phạm Văn Thái, Trưởng Phòng PC67, cho biết tình trạng trạm cân phải nghỉ do mưa còn xảy ra ở nhiều tỉnh, thành khác.

Lãnh đạo địa phương “xuống đường” sẽ hết xe quá tải

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 14-12, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), cho biết Nghị định 107 sửa đổi, bổ sung Nghị định 171 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1-1-2015 sẽ “gây sức ép” không nhỏ cho tài xế, chủ hàng có ý định chở quá tải trọng cho phép. “Quy định mới có thể cho phép cùng lúc xử phạt với số tiền rất cao đối với chủ hàng hóa, tài xế để họ thấy rằng chở hàng quá tải chưa chắc đủ tiền nộp phạt. Tuyên truyền và chế tài như thế nhưng cũng rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các tỉnh. Nếu lãnh đạo các địa phương xuống đường mỗi tháng một lần để kiểm tra việc kiểm soát tải trọng thì chỉ khoảng 3 tháng sẽ hết xe chở quá tải” - ông Huyện nhận định. T.Kha

Người lao động

tai nạn giao thông, xe quá tải, Quốc lộ 1, công an tỉnh, chở quá tải, Báo Người Lao Động, Chủ tịch UBND, trạm cân lưu động, Sở Giao thông Vận tải, tổn


© 2021 FAP
  3,231,479       2/891