Công nghệ thông tin

Vụ sập hầm thủy điện: Bạn đọc cầu nguyện, động viên kể cả hiến kế cứu các nạn nhân

(NLĐO) - Trong 3 ngày qua, rất đông bạn đọc đã gửi lời động viên, cầu nguyện, đồng thời đưa ra các giải pháp, hiến kế cứu hộ, cứu nạn để sớm đưa 12 công nhân mắc kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng – Đa Chomo về với gia đình

 Khoan đường ống đưa toàn bộ nước ra ngoài. Ảnh: Cao Nguyên

Khoan đường ống đưa toàn bộ nước ra ngoài. Ảnh: Cao Nguyên

12 công nhân đang phải vận dụng hết kỹ năng sống, bản năng sinh tồn để chống chọi với cái chết sau 3 ngày mắc kẹt trong vụ sập hầm thủy lợi Đạ Dâng – Đa Chomo (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) vào sáng 16-12. Họ đang gồng mình trong giá lạnh, đói khát, tiết kiệm từng hơi thở để duy trì sự sống.

Ba ngày qua, cả nước cũng từng phút từng giờ dõi theo, cầu nguyện 12 công nhân được an toàn trở về. Hơn 1.000 lượt bạn đọc đã gửi chia sẻ về Báo Người Lao Động qua các bản tin trực tuyến bằng những lời động viên, cầu nguyện cho các nạn nhân. Bạn đọc Trung Trần viết: “Cám ơn tất cả mọi người đang có mặt tại hiện trường. Mong cho những người bị nạn sớm được cùng gia đình đoàn tụ và có một mùa Giáng sinh an lành!”. Bạn đọc Bích Vân bày tỏ: “Cầu mong và cầu mong. Hãy nỗ lực hết sức để những người mắc kẹt trong đường hầm được bình an về với người thân. Họ đã và đang chịu những khủng hoảng tinh thần thật khủng khiếp, xin mang bình an đến với họ”. Bạn đọc Lê Thị Dũng không bỏ sót bản tin cập nhật nào, xúc động: “Tội quá đi mất! Mong tất cả mọi người đều được bình an và sớm thoát ra ngoài. Các anh chiến sĩ cứu hộ khẩn trương, cố gắng cứu người nhé, dù biết các anh cũng đang vắt kiệt sức cho công việc cao cả”…

Vụ sập hầm thủy điện: Bạn đọc cầu nguyện, động viên kể cả hiến kế cứu các nạn nhân

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đến hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ. Ảnh: Kỳ Nam

Chưa có vụ tai nạn sập hầm nào gây chấn động và xúc động mạnh dư luận như vụ sập hầm thủy điện này. Ngay sau vụ tai nạn, gần 1.000 cán bộ chiến sĩ làm công tác cứu hộ đang làm hết sức có thể để giữ mạng sống, đưa 12 công nhân trở về… Có thể xem đây như một “chiến dịch giải cứu” mà bằng tinh thần, trách nhiệm, mọi người dồn hết sức mình để cứu hộ.

Ấy vậy mà đến giờ, thời gian tiếp cận 12 công nhân vẫn chỉ là dự kiến, trong khi việc đào hầm phụ tiếp cận nạn nhân, khoan tiếp tế, nổ mìn phá đá mở đường hầm vẫn đang triển khai trong địa hình, địa dịch vô cùng khó khăn. Có lẽ vì quá mong mỏi, sốt ruột cho số phận 12 công nhân mà không ít bạn đọc đã phản ứng, chỉ trích công tác cứu hộ cứu nạn quá chậm.

Bạn đọc Trần Đời thắc mắc: “Công binh và các phương tiện chuyên dụng đào địa đạo đâu? Khoảng cách từ vị trí công nhân mắc kẹt đến cửa sau chỉ khoảng 50m thôi mà, sao làm lâu quá vậy?”. Còn bạn đọc Lê Tuấn: “Hãy cho chúng tôi biết gương mặt người trực tiếp chỉ đạo chuyên môn cao nhất về cứu hộ lúc này là ai? Rất cần họ về sự quyết đoán và hiệu quả trong lúc này. Cầu mong mọi sự tốt lành cho những người đang mắc kẹt”.

Không ít bạn đọc dẫn vụ sập hầm mỏ ở Chi Lê vào năm 2010, ở độ sâu gần 700 m nhưng chỉ trong một thời gian ngắn 33 thợ mỏ được cứu sống, để cho rằng vụ cứu hộ này là quá chậm. Bạn đọc có nick Lê băn khoăn: “Tại sao nước ngập trong đường hầm, nguy cơ hầm tiếp tục sập có thể xảy ra bất cứ lúc nào, công nghệ cứu hộ lại lạc hậu mà không "nhờ" nước ngoài ứng cứu?”….

Vụ sập hầm thủy điện: Bạn đọc cầu nguyện, động viên kể cả hiến kế cứu các nạn nhân

Công tác cứu nạn đang diễn ra rất khẩn trương trước cửa hầm thủy điện

Dù vậy, rất đông bạn đọc đã chia sẻ với những khó khăn vất vả mà lực lượng cứu hộ họ đang gặp phải. Phân tích của nick @ Vision nhận được đồng tình của nhiều người: “Hiện trường rất hẹp, địa hình phức tạp, phương pháp mà lực lượng cứu hộ, cứu nạn đang thực hiện như thế là đúng đắn. Phương tiện hiện đại là những gì, đưa vào địa hình này liệu đã phù hợp và có triển khai được không, chắc chắc đã được tính toán. Mặt khác, nền đất ngọn đồi mà đường hầm xuyên qua yếu lại bị ngấm nước mưa nên nếu quá trình khoan, đào hầm cứu hộ gây chấn động mạnh đất đá lở thêm rất nguy hiểm”.

Đáng trân trọng và rất đáng quý là cũng trong 3 ngày qua, thông qua Báo Người Lao Động, nhiều bạn đọc đã hiến kế, góp thêm các phương án cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu nạn nhân trong lúc hiểm nguy. Về công tác mở đường hầm đến khu vực nạn nhân mắc kẹt, bạn đọc Quang Thanh đề nghị: “Bạt che hai hố đỉnh đồi phải dựng khung chắc chắn để thoát nước tốt. Cho rải xi măng khô mác cao 500 xuống khu vục hố đỉnh đồi để tạo liên kết đông cúng giảm lún sụt khi cúu hộ”.

Về kỹ thuật đào hầm, bạn đọc Nguyễn Văn Toàn hiến kế: “Cho luồn ống thép đường kính D>2m, dài cỡ 5 - 6 m/đoạn, đặt trên bánh xe lăn; bơm nước vào, hóa lỏng đất lẫn bùn bằng một động cơ khuấy (như của tàu cuốc) và bơm bùn ra ngoài (phải có vách hay đắp đất ngăn nước chảy ngược lại ). Đồng thời, dùng công cụ hay máy móc đẩy ống vào để chắn đất đá tiếp tục sập từ trên xuống (khi mang đất đá ra ngoài). Nếu gặp các tảng đá có thể, dùng xích hay lưới bọc để máy móc kéo ra ngoài, trừ những hòn quá lớn không thể. Như thế mới nhanh được”.

Thời tiết ở Lâm Đồng trở lạnh và việc công nhân bị dầm nước quá lâu rất nguy hại đến sức khỏe. Các lực lượng cứu hộ đang làm mọi cách để tiếp tế quần áo, dụng cụ giữ lạnh cũng như nhu yếu phẩm cần thiết cho nạn nhân. Bạn đọc Lê Huân góp ý: “Qua đường ống tạm, nếu được nên thả vào các áo phao dạng thổi (dạng phao tắm biển của trẻ em) để anh em trong đó tự thổi mà có phao dùng, đề phòng nước dâng cao trở lại không có chỗ bám trụ”.

Bạn đọc Phạm Khắc Phụng góp ý thêm: “Hãy chuyển khăn lụa quảng cổ qua đường ống. Khăn này mỏng nhưng ấm, có thể giúp công nhân giữ thân nhiệt”. Nick hai lúa đề xuất: “ Nên truyền cây nung nhiệt điện thế thấp , an toàn (khoảng dưới 40v có thể tự chế băng sợi kẻm) lấy nguồn điện từ máy hàn inverter có từ công trình cấp vào để họ tự nấu nước lau người giữ ấm. Điều này họ có thể duy trì rất lâu mà không kiệt sức”.

Lực lượng công binh khẩn trương đào hầm tiếp cận nạn nhân. Ảnh: Cao Nguyên

Lực lượng công binh khẩn trương đào hầm tiếp cận nạn nhân. Ảnh: Cao Nguyên

Việc cấp oxy vào đường hầm là yêu cầu số một để duy trì sự sống cho 12 công nhân trong lúc này. Tuy nhiên, nếu thực hiện không đúng cách, tác hại của việc bơm oxy là vô lường. Nick hai lúa góp ý thêm: “Nếu hầm còn đang kín mà bơm khí tươi vào thì sẽ rất ít, trái lại chỉ tăng áp suất trong hầm thôi. Cần thiết nhất là dùng resitant phía trước quạt hút để làm ấm không khí trước khi bơm khí vào. Luồn thêm một ống dẫn nhỏ vào trong ống bơm không khí vào để làm đối lưu tạm thời và cho khí thoát ra”.

Tất cả những hiến kế, đóng góp của bạn đọc sẽ được phóng viên Báo Người Lao động tác nghiệp tại hiện trường vụ sập hầm chuyển đến các lực lương chức năng tham khảo , góp phần đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả cứu hộ, cứu nạn, sớm đưa 12 công nhân trở về an toàn.

“Tôi rất hồi hộp theo dõi tiến trình giải cứu 12 công nhân trên Báo Người Lao Động. Theo tôi, cần liên lạc thường xuyên vào bên trong để động viên tinh thần công nhân; cũng là để khẳng định rằng bên ngoài đang tích cực 24/24 để cứu các anh. Cũng nên thông báo bên ngoài đang huy động mọi nguồn lực, trang thiết bị, phương án tốt nhất để cứu các anh sớm nhất. Theo tôi nên cung cấp thực phẩm, thuốc men cho các anh” - bạn đọc Thanh.

“Tại sao không đào hầm chữ I sau đó biến thành chữ A. Dùng chữ I ép vào trong đất vì có thể đất đang ẩm ướt, chữ I này có gắn kích thủy lực, khi ép vào trong đất khoản 0.3 m dùng kích thủy lực kích chân của chữ I bẹt ra sau đó gia cố chữ I này thành chữ A và làm đoạn tiếp theo, đất nào trào vô chữ A thì chuyển ra ngoài” - bạn đọc Huỳnh Long

“Sao không triển khai cùng lúc nhiều phương án sẽ rút ngắn được thời gian dù chi phí có tăng. Tôi thấy đào giao thông hào chữ V là khả thi nhất, đào lách vònh qua đoạn đất sụp vì chỉ dài có 6m…” – bạn đọc Toàn Quang

“Đề nghị có đường dây nóng đến phóng viên đang có mặt ở hiện trường để nhận các chia sẻ của độc giả. Đề nghị lực lượng cứu nạn chuyển vào đường ống thiết bị sưởi ấm tự chế kích thước phù hợp như cây xúc xích, với công suất an toàn và vật liệu inox khg dẫn điện. Vải nilon giữ ấm siêu mỏng quấn chặt tròn như cây xúc xích để nạn nhân chống lạnh. Chuyển vào loại camera phù hợp để giúp quan sát thực địa, giúp phương án tiếp cận tốt hơn, tạo điều kiện giao tiếp trong - ngoài để động viên tinh thần mọi người. Đề phòng cho người cứu hộ trong hầm trước nguy cơ bị sập tiếp vì chịu nhiều tác động do các hướng cứu hộ bên ngoài, bên trên hầm!” – bạn đọc Lê Thanh Quang

Người lao động

hiến kế, bạn đọc Báo Người Lao Động, sập hầm thủy điện, thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo, cầu nguyện, công nhân mắc kẹt, tiếp tế, cứu hô, cứu nạn, nổ mìn,


© 2021 FAP
  3,227,579       1/869