Công nghệ thông tin

Vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng: Sự cố là tất yếu!

Việc quản lý chất lượng thi công hầm thủy điện Đạ Dâng gần như bị buông lỏng, dẫn đến nhiều đoạn hầm tại đây không được gia cố theo quy định

Ngày 21-12, Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, cho biết sau khi khám nghiệm hiện trường ngày 20-12, công an tỉnh này bắt đầu điều tra nguyên nhân vụ sụp hầm thủy điện Đạ Dâng. Trong đó, tập trung giám định kết cấu địa chất để làm rõ hầm thủy điện này có bảo đảm để xây dựng hay không. Đồng thời, công an tỉnh cũng sẽ mời Bộ Xây dựng tham gia kiểm tra toàn bộ hồ sơ liên quan đến công trình này.

Về nguyên tắc an toàn là không được

Đó là nhận định của ông Dương Minh Nghĩa, Trưởng Phòng Giám định 2 - Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng). Ông Nghĩa là người trực tiếp kiểm tra đường hầm thủy điện Đạ Dâng trong những ngày xảy ra sự cố.

Theo ông Nghĩa, trong khoảng 400 m từ miệng hầm đến nơi xảy ra vụ sập, chỉ có đoạn cửa hầm có gia cố khung thép hình chữ Y, sau đó đổ bê-tông chèn. Còn bên trong, rất nhiều đoạn không được gia cố, đơn vị thi công chỉ đào trần. “Vấn đề cần quan tâm là các bước gia cố, kết cấu bê-tông có hợp lý không, những đoạn không gia cố có bảo đảm không” - ông Nghĩa đặt vấn đề.

Nhiều đoạn hầm thủy điện Đạ Dâng không được gia cố theo quy địnhẢnh: KỲ NAM

Nhiều đoạn hầm thủy điện Đạ Dâng không được gia cố theo quy định. Ảnh: KỲ NAM

Theo chuyên gia này, về nguyên tắc, khi đào hầm, bắt buộc phải có gia cố tạm để bảo đảm an toàn. Những nơi có địa chất tốt thì phải gia cố loại 1, khoan neo, treo lưới thép, phun vỉ vữa bằng bê-tông để chống sạt lở, đất đá rơi xuống trong quá trình thi công. Còn những nơi địa chất yếu, qua đứt gãy hoặc qua chỗ nứt nẻ có nguy cơ lớn thì phải gia cố loại 2, dùng khung thép chữ Y loại lớn, vỉ thép dày 0,75-1 m để chống đỡ rồi phun bê-tông - tức là phải bảo đảm tối ưu để chịu lực. “Tại hầm thủy điện Đạ Dâng, chỗ cho là tốt địa chất cũng chỉ bình thường mà không gia cố gì là chưa cẩn trọng.

Từng vi phạm an toàn lao động

Ông Lê Quang Huy, Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Lâm Đồng, quả quyết: “Chắc chắn một điều là mức độ gia cố để phòng chống việc sạt lở trong hầm thủy điện Đạ Dâng là không bảo đảm”. Ông giải thích đường hầm này thi công đã lâu nhưng do thiếu vốn nên tạm ngưng một thời gian dài. “Địa chất ở đây không tốt. Qua nhiều mùa mưa, nước thấm xuống vòm hầm cộng với việc gia cố không chắc chắn nên nên sạt lở là chuyện tất nhiên” - ông Huy đúc kết.

Chánh thanh tra Sở LĐ-TB-XH Lâm Đồng bức xúc: “Họ chạy theo tiến độ nên không đầu tư đúng quy trình. Như thế là ẩu! Phải nói thẳng, ở đây công tác an toàn hầm lò là không bảo đảm”. Theo ông, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Lâm Đồng đã 2 lần kiểm tra công tác bảo đảm an toàn lao động ở đây nhưng không lần nào đạt, nhắc nhở vẫn không cải thiện. “Năm 2013, sở đã xử phạt đơn vị thi công - Công ty CP Sông Đà 505- nhưng họ không khắc phục, dẫn đến xảy ra sự cố. Theo tôi, một thủy điện như thế phải tạm ngưng, không thể tiếp tục cho thi công” - ông Huy đề xuất.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiên Phong - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng điện Long Hội (Hà Nội), chủ đầu tư công trình - lại khẳng định công trình này bảo đảm an toàn! “Đương nhiên là phải tiếp tục xây dựng. Có điều mình phải thuê chuyên gia, công ty có uy tín để đánh giá, trình lên Bộ Xây dựng phê duyệt rồi triển khai tiếp” - ông Phong nói.

Đùn đẩy trách nhiệm giám sát

Ông Đỗ Đức Quân, Vụ trưởng Vụ Thủy điện - Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), cho rằng theo quy định phải tạm dừng việc thi công thủy điện Đạ Dâng. “Chỉ khi nào kiểm tra, rà soát hết các công đoạn từ khảo sát, thiết kế, thi công, tìm ra nguyên nhân rồi xử lý, khắc phục triệt để, bảo đảm an toàn thì mới cho thi công trở lại” - ông Quân nhấn mạnh.

Ông Quân cho rằng địa chất của thủy điện này là phức tạp, có chỗ rất yếu. Về công tác giám sát chất lượng, thủy điện Đạ Dâng thuộc sự quản lý của tỉnh Lâm Đồng nên địa phương phải có trách nhiệm. Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cũng có trách nhiệm giám sát.

Trong khi đó, ông Huỳnh Ngọc Cảnh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, lại cho rằng việc giám sát chất lượng công trình là của ngành xây dựng. “Chúng tôi chỉ  kiểm tra chuyên ngành theo đợt, làm sao kiểm tra thường xuyên được, mình nhiều việc mà” - ông Cảnh giải thích.

Ông Nguyễn Hữu Tâm, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, lại khẳng định không giám sát công trình này. “Hồ sơ chủ đầu tư giữ. Chúng tôi không có hồ sơ nên đâu biết ông nào giám sát, ông nào thiết kế, ông nào thi công?” - ông Tâm phân bua. Tuy nhiên, ông Tâm cho rằng phải kiểm tra lại toàn bộ công trình để không xảy ra sự cố tương tự.

Công trình do phía Trung Quốc thiết kế

Thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo do Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 làm chủ đầu tư, có tổng công suất lắp máy 23 MW. Trong đó, Nhà máy Thủy điện Đạ Dâng (huyện Lạc Dương) 14 MW, Nhà máy Thủy điện Đa Chomo (huyện Lâm Hà) 9 MW. Dự án có tổng mức đầu tư 650 tỉ đồng, khởi công từ tháng 12-2003 nhưng sau đó không triển khai. Đến tháng 3-2006, dự án đổi chủ đầu tư sang Công ty CP Đầu tư và Xây dựng điện Long Hội.

Dự án do Viện Thiết kế thủy lợi thủy điện Nam Ninh (Trung Quốc) tư vấn thiết kế, Công ty CP Tư vấn Nhật Thăng - VNT6 (Hà Nội) làm giám sát. Riêng hạng mục hầm dẫn nước của Nhà máy Thủy điện Đạ Dâng trước đây do Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô đào, sau đó chuyển sang Công ty CP Xây dựng công trình ngầm (Vinavico) thi công.

Tháng 4-2008, dự án được Bộ Công Thương phê duyệt điều chỉnh quy mô, UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư, với kế hoạch thực hiện từ năm 2009-2011. Do chậm tiến độ, chủ đầu tư thay đổi đơn vị thi công. Đến tháng 3-2014, tỉnh Lâm Đồng cấp đổi giấy chứng nhận đầu tư, điều chỉnh tiến độ thực hiện, hoàn thành đưa vào phát điện trong quý IV/2014.

Đề cập việc tham mưu để gia hạn đầu tư thủy điện này, ông Phan Văn Đa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Do chủ đầu tư làm việc với Sở Công Thương rồi chuyển hồ sơ sang Sở KH-ĐT nên bên này chỉ cấp giấy chứng nhận để gia hạn đầu tư thôi”. Trong khi đó, ông Huỳnh Ngọc Cảnh khẳng định: “Việc gia hạn là do Sở KH-ĐT chủ trì. Sở Công Thương chỉ xem dự án có hợp quy hoạch hay không”.

Phải xem xét nhiều công đoạn

Liên quan đến sự cố sập hầm thủy điện Đạ Dâng, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 21-12, ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết sắp tới, các bên liên quan sẽ có báo cáo rồi sau đó xem xét trách nhiệm của từng bên. Theo ông, trách nhiệm giám sát, thanh tra chất lượng công trình trong quá trình thi công thuộc về chủ đầu tư, sau đó đến địa phương.

Theo ông Đỗ Đức Quân, do thủy điện Đạ Dâng thuộc sự quản lý của địa phương nên địa phương phải đứng ra chủ trì rà soát, khoanh vùng, xác định trách nhiệm để xảy ra sự cố và báo cáo lên Bộ Xây dựng. Với trách nhiệm quản lý thủy điện, Bộ Công Thương chỉ quản lý chung về quy hoạch, quản lý các thủy điện lớn, an toàn quy trình vận hành...Thủy điện Đạ Dâng nằm trong quy hoạch thủy điện được phê duyệt và giao địa phương quản lý.

Về nguyên nhân và trách nhiệm gây sự cố sập hầm, ông Quân cho rằng phải xem xét kỹ lưỡng bởi có nhiều nhà thầu cùng tham gia. “Có thể có nhiều nguyên nhân như yếu tố địa chất, công tác khảo sát địa chất, thi công... Như vậy, cần phải rà soát xem sai sót nằm ở công đoạn nào” - ông Quân nhìn nhận.

Th.Dương

Người lao động

© 2021 FAP
  3,224,333       1/864