Công nghệ thông tin

Người thép trên Đất thép (*): Tám Thế vũ trang, Hai Thành chính trị

Đến nay, nhiều người dân Củ Chi, TP HCM vẫn chưa quên đôi bạn chiến đấu cùng lập nhiều chiến công là Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Văn Thế và đại tá Phạm Tấn Thành

Chiến tranh lan rộng, lính tráng ruồng bố, bắt người, đốt nhà. Lê Văn Thế (Tám Thế) muốn vô du kích xã đánh giặc nhưng gia đình không cho. Má Tám Thế nói: “Con còn nhỏ, phải đi học”. Đi học trường trong xóm chán quá, Tám Thế trốn theo du kích nhưng bị anh là Sáu Ràng bắt về. Sáu Ràng lúc đó là du kích xã.

“Đánh giặc lì tổ mẹ!”

Năm 1961, Tám Thế 20 tuổi. Anh Sáu Ràng đã là xã đội trưởng, cho Tám Thế vô đội du kích ấp Xóm Mới (xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi). “Xóm Mới là ấp nhà, có gì nó còn lo cho má” - Sáu Ràng nói. Năm đó, anh Sáu Ràng hy sinh.

Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Văn Thế
(1941-1971)
Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Văn Thế (1941-1971)

Ông Chín Lừa, đội trưởng du kích ấp Xóm Mới, “chịu” tánh tình Tám Thế lắm. “Tám Thế nói biết nghe mà đánh giặc lì tổ mẹ” - ông Chín Lừa nhận xét. Tám Thế nghe lời ông Chín vì sợ bị đuổi về nhà. Còn đánh giặc gan lì là bản chất của anh.

Đại tá Phạm Tấn Thành (Hai Thành) nghỉ hưu ở huyện Củ Chi, TP HCM
Đại tá Phạm Tấn Thành (Hai Thành) nghỉ hưu ở huyện Củ Chi, TP HCM

Năm sau, Tám Thế được rút lên đội du kích xã. Anh phấn đấu vô Đảng. Để thoát khỏi “trình độ” cấp ấp, Tám Thế lân la du kích xã để học cách đánh giặc, để ý chiến thuật của huyện đội khi phối hợp với du kích, phương án hành động khi địch đông và mạnh, tập kích đánh như thế nào cho hiệu quả...

Năm 1963, Tám Thế trở thành xã đội trưởng Trung Lập Hạ, tổ chức phục kích, đánh nhiều trận, diệt nhiều lính bảo an. Tháng 6-1965, anh dẫn 6 tay súng du kích, kết hợp với cơ sở mật, đột nhập ấp chiến lược Trung Hòa giữa ban ngày. Đội du kích của Tám Thế đánh theo phương án bất ngờ và táo bạo, vừa xông lên vừa bắn, ném lựu đạn diệt 21 lính bảo an, thu 3 súng.

Sau khi nghe báo cáo, huyện ủy kết luận đây là trận đánh “xuất quỷ nhập thần”, thắng lợi lớn, tiêu hao sinh lực địch nhiều. Từ đó, Tám Thế được huyện ủy, huyện đội lưu ý.

Năm 1965, lính Mỹ đổ quân vào miền Nam, tiến hành chiến tranh cục bộ. Đã có vài cuộc lục soát, thăm dò của lính Mỹ trên đất Củ Chi ở cấp trung đội. Huyện đội Củ Chi nhận định: “Cần có đội vũ trang cơ động, trang bị mạnh hơn để đối phó với lính Mỹ”. Huyện đội tổ chức các đơn vị cấp trung đội, gọi là “Quyết chiến”. Tám Thế được rút lên huyện, cử làm chỉ huy Quyết chiến 5, phụ trách địa bàn khu vực thị trấn và các xã Tân An Hội, Phước Hiệp, Trung Lập, Thái Mỹ. Chính trị viên Quyết chiến 5 là anh Hai Thành (Phạm Tấn Thành).

Tình đồng chí, tình bạn thân thiết giữa Tám Thế và Hai Thành nảy sinh từ những ngày cùng chiến đấu ăn ý bên nhau. Sau này, 2 người gắn bó nhau trong công tác và chiến đấu nên được nhiều người gọi “Tám Thế vũ trang, Hai Thành chính trị”. Sau đó, huyện đội thành lập C3 thuộc Tiểu đoàn 7 địa phương, Tám Thế làm đại đội trưởng, Hai Thành chính trị viên.

Bắn rơi trực thăng bằng AK

Trong cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân, các đại đội của Tiểu đoàn 7 nhận lệnh đánh chiếm thị trấn Củ Chi. Đại đội 1 và đại đội 3 làm chủ thị trấn, chiếm bót cảnh sát quận nhưng đại đội 2 còn kẹt bên ngoài. Tiểu đoàn 7 lệnh đại đội 3 tiếp ứng. Nhận lệnh, Tám Thế không nói không rằng, dẫn một trung đội đánh điểm phòng ngự của địch, mở đường cho đại đội 2 vô. Trung đội Tám Thế chạy trong mưa đạn, đánh bức 1 lô cốt địch, nơi vừa bắn trái đạn M72 làm sập tường nhà dân. May mà không ai bị thương. Bị tấn công đột ngột, địch lùi ra xa lập tuyến phòng ngự trong xóm nhà dân.

Chiều, 2 máy bay trực thăng “cá lẹp” đảo vòng phóng rốc-két vào đội hình Tiểu đoàn 7, yểm trợ tuyến phòng ngự. Tám Thế dùng súng AK bắn thằng “cá lẹp” một loạt chính xác. Trúng đạn, chiếc trực thăng bay ra xa, rớt xuống mé ruộng. Nhưng chiếc “cá lẹp” thứ hai bay rất nhanh, dùng đại liên bắn nát đường nhựa ngay nơi Tám Thế đứng cười nói hả hê vì vừa bắn rơi máy bay địch. Trận đó, Tám Thế bị đạn ghim vô bụng, Hai Thành bị thương ở chân. Hai chỉ huy đại đội phải rời trận địa.

Nằm bệnh viện dã chiến của quân khu 1 tháng, Tám Thế và Hai Thành được ông Một Sơn - Bí thư Huyện ủy - giữ lại, không cho về Tiểu đoàn 7. Ông Một Sơn phân tích: “Hai tay này đánh giặc giỏi, đưa về một chỗ, có gì hao thì uổng”. Ông điều Tám Thế về đại đội 15 làm chính trị viên, Hai Thành về đại đội 20 làm chính trị viên.

Không lâu sau đó, tháng 11-1968, Củ Chi tách thành 2 huyện Nam Chi và Bắc Chi. Tám Thế được rút lên làm tham mưu trưởng Huyện đội Bắc Chi, Hai Thành chính trị viên Huyện đội Nam Chi. Hai người bạn thân chiến đấu cạnh nhau nhưng ít khi gặp mặt vì chiến trường chia cắt. Đến năm 1970, 2 huyện Nam Chi và Bắc Chi nhập lại, họ lại cùng về Huyện đội Củ Chi, Tám Thế làm huyện đội trưởng, Hai Thành làm chính trị viên huyện đội. Năm đó, Tám Thế tròn 29 tuổi.

Chuẩn bị chiến dịch Nguyễn Huệ, Củ Chi chọn khu căn cứ Trung Hòa làm trọng điểm. Trung Hòa gồm khu đất rộng bao bọc ấp chiến lược, khu huấn luyện biệt động quân Cọp đen, cụm pháo 105 ly, trại lính bảo an và khu gia binh của địch.

Đêm 24-12-1971, Tám Thế đưa trung đội trinh sát phối hợp 1 tổ du kích xã đột nhập ấp chiến lược Trung Hòa. Lúc đó, bên ngoài ấp có một đơn vị bạn chuyển gạo tiếp tế, bất ngờ đụng địch. Súng nổ rân trời. Lo phía mình bị uy hiếp, Tám Thế liền kéo lực lượng ra tiếp ứng, hình thành thế “trong đánh ra, ngoài đánh vô”.

Để giải quyết nhanh gọn chiến trường, Tám Thế lệnh toàn trung đội xông lên. Anh em lao ra bắn, đẩy địch lùi về sát hàng rào ấp chiến lược. Bất ngờ, một trái M79 địch bắn vướng mái nhà, lăn xuống đất, nổ văng miểng ghim vô ngực Tám Thế. Anh từ từ gục xuống. Khi 2 trinh sát lao đến đỡ anh dậy, Tám Thế thều thào: “Tao chết tụi bây ơi”. Tám Thế ra đi khi máu vừa thấm ngực áo.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-12

Kỳ tới: Út Thành - Tiểu đoàn trưởng Quyết thắng 1

Một cách đánh địch hiệu quả

Đại tá Phạm Tấn Thành (sau năm 1975 là Huyện đội trưởng Củ Chi) nhận xét Tám Thế đánh giặc rất táo bạo, đánh “kịch liệt”. Trong trường hợp ta ít, địch đông và hỏa lực mạnh hơn, cách đánh này rất hiệu quả. Ông hiện nghỉ hưu tại xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi.

Năm 1978, liệt sĩ Lê Văn Thế, Huyện đội trưởng Củ Chi, được Đảng và nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Ở Trung Lập Hạ hiện có ngôi trường tiểu học mang tên ông.

Anh em của Tám Thế đều tham gia lực lượng vũ trang và hy sinh trên đất Củ Chi.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,222,899       2/862