Công nghệ thông tin

Người thép trên Đất thép (*): Kiên cường như Kiều Văn Niết

Từ giao liên, Kiều Văn Niết trở thành chiến sĩ lập nhiều chiến công, được phong tặng Anh hùng Lực lượng Vũ trang năm 25 tuổi

Năm 16 tuổi, Kiều Văn Niết được các chú cho làm giao liên xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi. Niết làm giao liên nhưng không vui, chỉ ham cầm súng.

Vào xã đội… nấu cơm

Các chú nói Thái Mỹ súng ít lắm, mìn thì nhiều. Biết vậy nhưng Niết vẫn thích làm du kích hơn.

Anh hùng Lực lượng Vũ trang 
Kiều Văn Niết
Anh hùng Lực lượng Vũ trang Kiều Văn Niết

Thấy cấp trên vừa cho mấy khẩu AK, lấy của lính Mỹ được một số súng AR15, cộng với carbine, Thompson tịch thu của lính bảo an, Niết nghĩ “Ít gì mà ít”. Ngoài ra, chú Tư Trắc, chú Tư Túc trong công binh xưởng làm mìn “105 ly”, mìn “hộp cá mòi” đánh thiết giáp M113, xe ủi, bộ binh địch rất hiệu quả. Nghe các chú kêu học làm mìn, Niết làm thinh, buồn!

Sau đó, Xã ủy Thái Mỹ chuyển về ấp Tháp, dựa lưng xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Hậu Nghĩa (nay thuộc Tây Ninh). Quanh cứ là “bãi tử địa” với rất nhiều mìn tự tạo do ấp đội trưởng Dương Văn Sinh gài. Lính Mỹ kéo vô, vướng mìn nổ hoài. Có 10 xe M113 cán mìn tan tành tại đây.

Giữa năm 1967, du kích xã Thái Mỹ chia thành nhiều tổ, nằm rải rác ngoài bìa trảng, đồng bưng. Mùa khô nắng cháy da. Mùa mưa nước ngập hầm, du kích phải treo võng trên nhánh cây. Xã ủy phải chuyển về ấp Bình Hạ, sau đó qua Tân Mỹ. Kiều Văn Niết không theo cấp ủy mà theo xã đội. Xã đội có Năm Sanh - phó bí thư kiêm chính trị viên, Dương Văn Lực - xã đội trưởng. Theo xã đội nhưng công việc lúc này của Niết chỉ là nấu cơm.

Đại đội 15 (C15) bộ đội Củ Chi thường về Thái Mỹ hỗ trợ du kích phá đồn bót địch. Có lần, bị giặc bao vây, du kích ấp Mỹ Khánh và C15 phải chống trả quyết liệt từ sáng đến chiều. Pháo, cối địch bắn vào trận địa dữ dội. Nhờ hầm hố, hào chiến đấu cùng các bãi mìn mà giặc không tiến được. Sau trận đánh, chiều C15 rút về ấp Tháp, tổ du kích Mỹ Khánh 5 người nhưng chỉ còn lại 2.

Giữa năm 1968, địch gia cố lại các đồn lính bảo an, dân vệ. Sau đó, địch ruồng bố liên tục, du kích các ấp phải chống cự chật vật. Tháng 11-1968, C15 lại về Thái Mỹ hỗ trợ. Lần này, các chú cho Kiều Văn Niết cầm súng, chính thức trở thành chiến sĩ của C15. Vài ngày sau đó, C15 phối hợp với du kích Thái Mỹ đánh bứt 2 đồn của địch là Mỹ Khánh và Bình Thượng.

Dấu ấn đời binh nghiệp

Được đánh giặc ở quê nhà là mong muốn của Kiều Văn Niết. Một trong những trận đánh ghi dấu ấn cuộc đời binh nghiệp của anh là cuộc tập kích bọn nghĩa quân tại đồn Bàu Tre, ấp Bàu Điều, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi đêm 30-10-1970.

Lúc này, C15 hợp nhất với C20 thành C5. Tổ chiến đấu C5 có anh Hai Dân phụ trách, anh Dắt, Kiều Văn Niết và một số chiến sĩ. Du kích xã Tân An Hội có 10 tay súng, nằm bên kia lộ yểm trợ trận đánh.

Tổ chiến đấu C5 tiến ra Bàu Điều, ém lại tại 2 dãy nhà dân liền nhau. Lúc đó, lính nghĩa quân đồn Bàu Tre thường ra nhà dân ngủ nhưng đêm đó, chúng lại đến quán nhậu tới khuya. Không thấy lính, anh Hai Dân kêu Niết ở lại rồi cùng anh Dắt ôm AK qua lộ. Lính gác đồn Bàu Tre thấy bóng người ngoài lộ liền bắn một loạt AR15 khiến đám lính đang nhậu chưng hửng, chụp súng.

Ngay sau đó, Niết lao đến quán nhậu, bình tĩnh ném 2 trái lựu đạn diệt đám lính tại đây. Vài tên thoát chết vọt ra, Niết bắn tiếp loạt AK diệt ngay 3 lính, sau đó hạ tiếp tay thượng sĩ cầm súng ngắn.

Anh Hai Dân dựa vào bụi tre nổ súng diệt lính trong đồn lao ra. Anh Dắt vừa hô xung phong, vừa bắn quyết liệt. Vài phút sau, mấy trái pháo sáng vọt lên trời soi đường cho lính đồn Bàu Tre rút. Bên kia lộ, du kích Tân An Hội đánh vét đuôi diệt mấy tên.

Ngay khi anh Hai Dân ra lệnh rút quân, cối 81 ly từ đồn Bàu Tre nã ra liên tục. Chưa rút được, Niết ôm súng chờ. Ngay lúc đó, một tiếng nổ rất gần, khẩu AK của Niết bị miễng đạn cối đánh bay. Nhìn lại, Niết thấy cánh tay phải đứt gần lìa, chỉ còn dính miếng da, máu tuôn xối xả. Nén đau, Niết nhặt súng quàng vai, tay trái ôm tay phải chạy đến cơ sở mật.

Do sai phương án tiếp cận, cơ sở không mở cửa, Niết phải chạy đến nhà chị Tư Lẽo, người của mình. “Trời ơi, Niết!” - chị Tư vừa thốt lên vừa đẩy anh vô nhà.

“Chị lấy dao cắt tay em cho khỏi vướng” - Niết thều thào trong cơn đau. Chị Tư Lẽo không làm theo mà lấy khăn quấn quanh cánh tay đứt. Máu ứa đỏ khăn. Buộc ga-rô xong, chị đưa Niết về căn cứ ở ấp Trung Viết, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi.

Lúc đó, bên ngoài, pháo sáng đầy trời, súng cối địch bắn ra đồng trống ầm đùng liên tục. Chờ ngoài trảng lâu không thấy, nghĩ Niết đã hy sinh, anh Hai Dân khoác súng lặng lẽ rời bờ đê về cứ.

Thấy pháo sáng, Niết nghĩ lính Đồng Dù phục kích ngoài trảng nên kêu chị Tư Lẽo ở lại. Sau đó, anh bò ra vườn tre, một mình ra bờ đê. Qua 3 đám ruộng, khăn băng tuột ra, cánh tay lòng thòng, khó chịu. Niết để cánh tay phải xuống bờ đất, chân đè lên, kéo mạnh mấy lần mà không dứt ra được. Súng cối ngừng bắn, trời đêm yên tĩnh trở lại. Một mình Kiều Văn Niết nằm giữa đồng, tay trái ôm tay phải, đôi mắt nhắm nghiền.

Gần sáng, anh em trong cứ Trung Viết tìm thấy Kiều Văn Niết nằm bất tỉnh bên bờ ruộng liền vội vã đưa về. Cắt bỏ tay, băng bó tạm, dân công xã khiêng anh băng đồng đến bệnh viện quân khu. Lúc đó, đường đi trắc trở, địch ruồng bố nhiều nên việc khiêng thương binh đi 20 cây số đến bệnh viện là vô cùng vất vả và nguy hiểm.

Gần tới Hố Bò, du kích xã An Phú, huyện Củ Chi báo tin có biệt kích tuần. Dân công phải chuyển Niết qua đội quân y Trảng Bàng ở An Tịnh. Ở đây, Niết được chăm sóc tận tình.

(*) Xem Báo NLĐ từ số ra ngày 22-12

Còn một tay vẫn tham gia chiến dịch

Cuối năm 1974, Trung đoàn Đất Thép thành lập. Trong trận đánh đầu tiên ở Cây Trôm tháng 3-1975, là đội trưởng thông tin của trung đoàn, Kiều Văn Niết đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sau đó, anh tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh cũng với nhiệm vụ thông tin. Tháng 6-1975, Trung đoàn Đất Thép đổi thành Trung đoàn 2 An ninh vũ trang, rồi Bộ đội Biên phòng, chuyển lên phụ trách địa bàn Tây Ninh. Kiều Văn Niết làm trợ lý thông tin ban tham mưu trung đoàn, trợ lý ban chính trị.

Năm 1976, ở tuổi 25, Kiều Văn Niết được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang, tuyên dương ngày 3-3, đúng dịp thành lập Bộ đội Biên phòng. Sau ngày ra quân, Kiều Văn Niết về sống ở quê vợ tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, thỉnh thoảng quay lại Thái Mỹ thăm đồng đội và chiến trường một thời gắn bó.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,219,048       15/1,113