Công nghệ thông tin

TP HCM: Chủ nhân 13 biệt thự xin tháo dỡ

Hầu hết các biệt thự cũ đều được chủ nhân cho thuê, chuyển đổi công năng. Một số biệt thự, chủ nhân không chờ ý kiến của UBND TP mà tự ý tháo dỡ

Nằm trong số cả trăm biệt thự trên địa bàn TP HCM, chủ nhân 13 biệt thự cũ đã có đơn gửi UBND quận 1 và quận 3 đề xuất UBND TP xin cho tháo dỡ các biệt thự này vì xuống cấp. Hầu hết biệt thự đều nằm ở vị trí đắc địa thuộc trung tâm TP với diện tích vài trăm mét vuông trở lên. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín vừa giao các sở, ngành chức năng cho thành lập hội đồng phân loại biệt thự nhằm xem xét đề nghị của Sở Quy hoạch - Kiến trúc về tháo dỡ 13 biệt thự cũ này.

“Xẻ” nhỏ cho thuê

Trong số 13 biệt thự này, 9 biệt thự nằm trên địa bàn quận 3 được Phòng Quản lý đô thị (QLĐT) quận đề xuất Sở Quy hoạch - Kiến trúc xem xét cho tháo dỡ, 4 biệt thự còn lại nằm trên địa bàn quận 1. Hầu hết các biệt thự được xây dựng trước năm 1975, được chuyển đổi công năng từ nhà ở thành nhà hàng, quán cà phê hoặc văn phòng làm việc. Điều này hoàn toàn dễ hiểu vì vị trí các biệt thự tọa lạc đều nằm ở khu trung tâm - nơi nhà đất có giá rất cao.

Ngôi biệt thự số 172 Pasteur, quận 1 đã được “xẻ” thành nhiều phần cho thuê với một phần là cà phê, một phần là studio
Ngôi biệt thự số 172 Pasteur, quận 1 đã được “xẻ” thành nhiều phần cho thuê với một phần là cà phê, một phần là studio

Ghi nhận cho thấy gần như cả 4 biệt thự nằm ở khu vực quận 1 đều không còn nguyên trạng. Tại số nhà 172 Pasteur, căn biệt thự rộng gần 400 m2 đã được chia làm nhiều phần. Một phần là cà phê Highlands, phần còn lại là công ty du lịch và studio. “Biệt thự này phần bên dưới được sửa chữa lại hết, xây chia cắt các bức tường thành từng khu để cho thuê dài hạn, riêng phần trần nhà và mái vẫn còn nguyên vẹn theo lối kiến trúc của Pháp. Nếu như chủ nhà không sửa lại thì ngôi nhà có tuổi thọ gần 80 năm này đã sập rồi…” - chị Hương, nhân viên của một công ty ở đây, nói.

Biệt thự số 6 Nguyễn Thông, quận 3 (trước đây là CLB Hài kịch - Ca nhạc Chăm Pa) đã được chủ sở hữu đập bỏ tuy chưa có ý kiến chấp thuận của UBND TP 
Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Biệt thự số 6 Nguyễn Thông, quận 3 (trước đây là CLB Hài kịch - Ca nhạc Chăm Pa) đã được chủ sở hữu đập bỏ tuy chưa có ý kiến chấp thuận của UBND TP Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Gần đó, biệt thự số 84 Nguyễn Du có mặt tiền khá đẹp. Nguyên thủy là nhà ở nhưng vài năm gần đây, chủ nhân đã cải tạo một phần phía trước thành quán cà phê Regina. Theo hồ sơ lưu trữ của Phòng QLĐT quận 1, căn biệt thự này được xây dựng năm 1958, có diện tích 955 m2. Đây cũng là biệt thự có quy mô lớn nhất trong danh sách 4 biệt thự mà các chủ nhân đề xuất Phòng QLĐT quận 1 cho tháo dỡ.

Tương tự, 3 căn biệt thự số 151B Hai Bà Trưng, 32 Phạm Ngọc Thạch, 202-204 Pasteur (phường 6, quận 3) đều đã được sửa lại để kinh doanh. Biệt thự 151B Hai Bà Trưng đã được sửa lại để kinh doanh nhà hàng nhưng hơn một năm nay bị bỏ không chưa ai thuê lại. Biệt thự số 202-204 Phạm Ngọc Thạch vẫn lưu giữ được kiến trúc cổ nhưng hiện đang được dùng để kinh doanh quán cà phê...

Hai biệt thự đã tháo dỡ mặt bằng

Trong 13 biệt thự cũ sẽ xem xét tháo dỡ ở quận 1 và 3 được Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề nghị với Hội đồng Phân loại biệt thự, có nhiều căn đã được chủ nhân tự tháo dỡ mà không chờ “lệnh” của UBND TP. Điển hình như 2 biệt thự ở số 6 Nguyễn Thông (phường 7, quận 3) và số 458 Nguyễn Thị Minh Khai (phường 2, quận 3), hiện toàn bộ đã được đập bỏ. Đặc biệt, biệt thự số 6 Nguyễn Thông (trước đây là CLB Hài kịch - Ca nhạc Chăm Pa) đã hoàn tất việc tháo dỡ, chỉ còn lại bãi đất trống. “Căn nhà này được đập bỏ cách đây hơn 1 tháng, lúc trước đây là quán bar nhưng nhìn cũ kỹ và xuống cấp. Nghe nói người chủ mới mua đập bỏ để xây lại công trình mới...” - bác Tuấn, người chạy xe ôm ở đây, cho biết. Riêng căn nhà số 458 Nguyễn Thị Minh Khai trước đây được cho thuê để kinh doanh máy tính nhưng hiện đang trong quá trình dỡ bỏ các hạng mục.

Một nguồn tin từ Phòng QLĐT quận 3 cho biết chủ nhân căn biệt thự số 6 Nguyễn Thông là ông Huỳnh Uy Dũng, còn biệt thự số 458 Nguyễn Thị Minh Khai thuộc quyền sở hữu của Công ty CP Đầu tư và Phát triển bất động sản D&D. Cả 2 chủ sở hữu đã có đơn xin UBND quận 3 cho tháo dỡ, xây dựng lại. Trên cơ sở đề xuất của UBND quận 3, Sở Quy hoạch - Kiến trúc xin ý kiến UBND TP và cho rằng 2 biệt thự này không thuộc diện “danh mục các công trình nghiên cứu bảo tồn”.

Cũng nằm trong số biệt thự xuống cấp, biệt thự số 5 Lê Ngô Cát (phường 7) và 138BCD Nguyễn Đình Chiểu (phường 6), quận 3 đã rất cũ kỹ. Trong đó, biệt thự 138BCD là nơi ở và kinh doanh của nhiều hộ gia đình, các hạng mục đã hư hỏng và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Còn biệt thự số 5 Lê Ngô Cát, theo các hộ ở lân cận, đã bị bỏ không phần nhà và xung quanh được rào chắn bằng tôn từ lâu. Quan sát bên ngoài biệt thự này, từ mái ngói đến tường gạch quá cũ kỹ nên rơi vãi ngổn ngang...

Kỳ tới: Loay hoay lập quy chế bảo tồn

Sẽ xem xét

UBND TP HCM yêu cầu Hội đồng Phân loại biệt thự sau khi thành lập sẽ xem xét đề nghị của Sở Quy hoạch - Kiến trúc về tháo dỡ các biệt thự cũ trong khu trung tâm, tại các địa điểm: địa bàn quận 3 gồm 458 Nguyễn Thị Minh Khai, 6D Trần Quang Diệu, 6 Nguyễn Thông, 5 Lê Ngô Cát, 138BCD Nguyễn Đình Chiểu, 151B Hai Bà Trưng, 202-204 Pasteur, 169-171 Hai Bà Trưng, 32 Phạm Ngọc Thạch.

Riêng địa bàn quận 1, gồm 25B Trần Cao Vân, 84 Nguyễn Du, 172 Pasteur, 45 Mạc Đĩnh Chi.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,218,161       27/1,276