Công nghệ thông tin

Hà Nội đẹp hơn với 3 công trình mới

Cầu Nhật Tân, đại lộ Võ Nguyên Giáp và nhà ga T2 đã làm thay đổi diện mạo thủ đô

Ngày 4-1, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng các Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh đã phát lệnh khai trương, cắt băng khánh thành cụm công trình trọng điểm quốc gia nằm ở cửa ngõ, mang lại diện mạo mới cho thủ đô Hà Nội. Đó là cầu Nhật Tân, nhà ga hành khách quốc tế T2 sân bay Nội Bài và đại lộ Võ Nguyên Giáp nối 2 công trình quan trọng này.

Thuộc nhóm cầu dây văng nhiều nhịp nhất thế giới

Phát lệnh khánh thành dự án cầu Nhật Tân, đại lộ Võ Nguyên Giáp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định đây là những dự án có ý nghĩa quan trọng, kết nối trung tâm thủ đô với sân bay quốc tế Nội Bài. Đồng thời, kết nối giao thông trong khu vực, phục vụ chiến lược phát triển sân bay Nội Bài, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông và tạo hình ảnh thủ đô văn minh, hiện đại. Đây là những dự án biểu trưng cho tình hữu nghị tốt đẹp giữa 2 nước Việt - Nhật.

Cầu Nhật Tân trong ngày thông xe
Cầu Nhật Tân trong ngày thông xe

Cụm công trình này có tổng vốn đầu tư gần 40.000 tỉ đồng (tương đương khoảng 2 tỉ USD) bằng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Cầu Nhật Tân còn có tên gọi là Cầu hữu nghị Việt - Nhật, là công trình thứ 6 bắc qua sông Hồng, nối Phú Thượng (Tây Hồ) với Vĩnh Ngọc (Đông Anh), có tổng vốn đầu tư hơn 13.626 tỉ đồng. Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường cho biết cầu Nhật Tân đi qua làng đào Nhật Tân - vùng trồng hoa nổi tiếng của Hà Nội nên được thiết kế có 5 trụ tháp màu hồng giống 5 cánh hoa đào và tượng trưng cho 5 cửa ô của Hà Nội. Cầu chính và 2 đầu đường dẫn có tổng chiều dài 8.930 m. Trong đó, cầu chính dài 3.755 m, bề rộng mặt cầu 33,2 m, thiết kế cầu dây văng liên tục 5 trụ tháp, kết cấu nhịp dầm thép liên hợp, bản mặt cầu bê tông cốt thép trên nền móng vòng vây cọc ống thép (SPSP). Cầu chính Nhật Tân là một trong số rất ít cầu dây văng liên tục nhiều nhịp trên thế giới, lần đầu tiên ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến ở Việt Nam như hộp neo bằng thép trên trụ tháp, hệ thống quan trắc theo dõi với nhiều thiết bị hiện đại như đo lực căng cáp văng, đo ứng suất cốt thép, dầm thép, đặc biệt là kết cấu SPSP. Phần đường dẫn có tổng chiều dài 5.170 m, đường dẫn phía Bắc rộng 70 -100 m, đường dẫn phía Nam rộng 64 m. Dự án có 3 nút giao, trong đó Vĩnh Ngọc là nút giao hoa thị hoàn chỉnh giữa tuyến cầu Nhật Tân và Quốc lộ 5 kéo dài.

Ngay sau lễ thông xe lúc 11 giờ 30 phút ngày 4-1, người dân Hà Nội đã được lưu thông qua cầu Nhật Tân. Theo quy định của Sở GTVT Hà Nội, người đi bộ, xe súc vật kéo không được lưu thông qua cầu. Xe thô sơ, xe thồ, xe đạp điện chỉ được phép hoạt động từ 22 giờ đến 5 giờ hằng ngày theo làn tuyến quy định và khuyến cáo không qua cầu khi gió cấp 6 trở lên.

Trục đường thịnh vượng mới

Đường bộ kết nối công trình nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài và cầu Nhật Tân  được mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại lộ Võ Nguyên Giáp kết nối với tuyến Bắc Thăng Long (đường đi từ nội đô ra sân bay Nội Bài cũ) để “chia lửa” với tuyến đường này. Dự án có tổng mức đầu tư 6.742 tỉ đồng, dài 12,1 km với 6 làn xe. Phần đường chính có vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Các đường gom được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp V, vận tốc thiết kế theo đường nội đô là 40 km/giờ.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết đã lập quy hoạch chi tiết 2 bên tuyến đường Võ Nguyên Giáp để thu hút vốn đầu tư. Trong đó, khu đô thị hiện đại với những tòa nhà cao ốc, trung tâm tài chính, thương mại tầm cỡ quốc tế; đầu mối trung chuyển hàng hóa phục vụ thương mại quốc tế trong và ngoài nước; công viên Kim Quy rộng 80 ha, gắn liền với thành Cổ Loa và sự tích thần Kim Quy. Trên tuyến đường nối cầu Nhật Tân với sân bay Nội Bài cũng sẽ thiết kế biểu tượng búp sen biểu trưng cho bản sắc Việt Nam… Khi quyết định cho vay 27 tỉ yen ODA xây dựng đại lộ Võ Nguyên Giáp, phía Nhật Bản kỳ vọng đây sẽ là trục đường thịnh vượng mới của Hà Nội khi thu hút thêm những dự án bất động sản lớn hai bên đường.

UBND TP Hà Nội cũng khẳng định cụm công trình vừa khánh thành sẽ tạo diện mạo mới và là động lực phát triển cho thủ đô.

Lưu thông theo tuyến đường mới từ nội đô ra sân bay quốc tế Nội Bài theo cầu Nhật Tân, đại lộ Võ Nguyên Giáp sẽ rút ngắn được khoảng 30 phút so với tuyến đường cũ.

Nhà ga hiện đại nhất Việt Nam

Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam cho biết dự án nhà ga hành khách T2 Nội Bài này có tổng mức đầu tư gần 1 tỉ USD, là nhà ga hành khách lớn và hiện đại nhất Việt Nam. Nhà ga T2 có diện tích gần 140.000 m2, được thiết kế theo ý tưởng hài hòa với thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng; có các hệ thống thiết bị hàng không tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam, như hệ thống tự động kiểm tra an ninh hành khách, tự động phân loại hành lý. Có 96 quầy thủ tục check-in được bố trí tại 8 đảo, 10 quầy check-in cho hành khách tự làm thủ tục; 17 cửa ra máy bay, trong đó có 14 cửa có ống lồng dẫn khách ra máy bay... Công trình này hoàn thành vượt tiến độ và đưa vào sử dụng sớm 3 tháng so với kế hoạch nhằm giảm tải cho sân bay quốc tế Nội Bài và nâng cao chất lượng dịch vụ, hình ảnh của sân bay quốc tế này.

Ông Takasi Yamauchi, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc nhà thầu Taisei, cho biết việc bàn giao công trình cùng lúc với thời điểm mở cửa sân bay như tại nhà ga T2 là một dự án vô cùng khó khăn và chưa từng có trên thế giới. Từ khi khai thác chuyến bay đầu tiên (25-12-2014) đến nay, nhà ga T2 đã phục vụ 595 chuyến bay quốc tế với hơn 74.000 lượt hành khách.

Cùng với nhà ga T2, dự án nhà khách VIP A cũng được đưa vào khai thác. Nhà khách VIP A có tổng diện tích 5.000 m2 được thiết kế như một “khu nhà vườn có hình cánh hoa”. Phần mái nhà được cách điệu như một cánh hoa sen lớn, xung quanh là các hồ nước kết hợp với cây xanh. Sân nghi lễ có diện tích hơn 2.000 m2 để thực hiện các nghi lễ đón tiếp trang trọng. Nhà khách VIP A cũng được thiết kế phòng hội đàm, khánh tiết sử dụng cho các cuộc gặp giữa lãnh đạo nước ta và khách nước ngoài theo nghi thức ngoại giao quốc tế. P.Anh

Người lao động

© 2021 FAP
  3,211,262       2/1,192