Công nghệ thông tin

Nghẹt thở trong điểm nóng buôn lậu: Đêm trên đường mòn 474

L.T.S: Hàng lậu theo chân cửu vạn đang ồ ạt vượt biên trái phép từ Trung Quốc, Campuchia vào Việt Nam qua các cung đường mòn, lối mở dọc biên giới. Những ngày cận Tết, phóng viên Báo Người Lao Động đã thâm nhập những điểm nóng ghi nhận cuộc chiến chống buôn lậu khốc liệt và dai dẳng.

 Hàng trăm cửu vạn nối đuôi nhau dài cả cây số gùi hàng lậu từ phía Trung Quốc đi xuyên rừng trong đêm để tải hàng về Lạng Sơn. Cửu vạn và các “chim lợn” sẵn sàng tấn công nếu có người lạ xuất hiện

“Chảo lửa” buôn lậu Lạng Sơn những ngày cuối năm, trời lạnh như cắt. Đầu giờ chiều 30-12, được Hải “xồm” - một đại ca có “số má” làm hàng biên ở Lạng Sơn - cùng đám đàn em dẫn đường, chúng tôi đã thâm nhập khu vực Ma Mèo - nơi có đường mòn 474 ở xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng.

Gùi hàng lậu đông như hội

Khu vực Ma Mèo chỉ cách cửa khẩu Cốc Nam khoảng 2 km, ngay gần Quốc lộ 4A đi lên cửa khẩu quốc tế Tân Thanh được coi là điểm nóng nhất vận chuyển hàng lậu từ Trung Quốc về Lạng Sơn hiện nay. Ở đây, hàng trăm xe máy của cửu vạn gửi ở bãi giữ xe ngay bên đường, ai đi qua không biết cứ tưởng trong làng có hội hay đám cưới.

Sau khi gửi xe, từng tốp cửu vạn với giày leo núi, bao tải, tấm đệm, dây đai để gùi hàng đi bộ theo các lối mòn lên núi sang Trung Quốc để nhận hàng. Hải “xồm” tiết lộ hơn 1 tháng trước, khi lực lượng đặc nhiệm của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chưa tăng cường, mỗi ngày có đến vài ngàn cửu vạn dạt qua biên giới xách hàng thuê, nay chỉ còn 300-500 người.

Dù là người có “số má” ở đất Lạng Sơn nhưng trên đường vào khu vực Ma Mèo, Hải “xồm” vẫn cẩn trọng dặn nhóm chúng tôi đừng nhìn ngang liếc dọc, không được chụp ảnh vì bất cứ đâu cũng có “chim lợn” (nhóm cảnh giới cơ quan chức năng, ngăn chặn người lạ xâm nhập) túc trực.

Chúng tôi thử dừng lại bên đường khoảng 3 phút, ngay lập tức có 2 thanh niên chạy xe máy, tay cầm bộ đàm từ trong nhà dân tiến đến, quan sát rồi hất hàm hỏi: “Đứng đây làm gì, gặp ai?”. Khi biết chúng tôi chờ xe lên Tân Thanh, chúng gằn giọng đe dọa: “Ở đây không có xe, biến lên trên chỗ hầm chui trên kia” (cách khoảng 500 m - PV).

Rời khu vực Ma Mèo, chúng tôi men theo lối mòn 474 để lên núi. Con đường mòn dài hun hút, càng đi dốc càng cao, hai bên có hàng chục lối mở xuyên qua các núi đá cao chót vót. Đi bộ khoảng hơn 2 giờ, qua nhiều ngọn núi, chúng tôi đến khu vực gần cột mốc biên giới 1094. Trời đã ngả về chiều. Nơi này rộng khoảng 3-4 ha, không có cây lớn, chỉ toàn cỏ nhưng đã bị giẫm đạp chết khô, đường đi nhẵn thín, la liệt vỏ chai nước, hộp sữa, hộp xốp đựng cơm, bao thuốc lá...

Đánh hàng lậu như đánh trận

Chúng tôi vẫn men theo đường mòn 474 bắt đầu từ lũng Khơ Đa lên đỉnh núi. Hải “xồm” cho biết đây là khu vực phía Tây cột mốc 1092. Sau khi những đường mòn, lối mở khác bị lực lượng biên phòng chốt và bịt chặt, cánh buôn lậu đã mở con đường mới này.

Trời tối hẳn. Chúng tôi cầm đèn pin và dò dẫm đi, thi thoảng bị ngã dúi vì vấp phải cây rừng. Phía xa xa, trên các quả đồi bắt đầu lập lòe những đốm sáng. Ban đầu ít, sau nhiều dần và nối thành vệt dài cả cây số. Thỉnh thoảng có ánh đèn pin rọi từ phía đồi xa hướng về chúng tôi. Thắng “trọc” (người Nam Định, đàn em của Hải “xồm”) thì thầm: “Hàng đang xuống đấy!”. Ánh đèn pin của cánh vận chuyển hàng lậu mỗi lúc một gần. Chỉ vài phút, xung quanh khu vực chúng tôi ẩn nấp như một cái chợ đêm, tiếng bước chân rầm rập, tiếng sột soạt và những âm thanh í ới gọi nhau của cánh cửu vạn.

Cửu vạn gùi hàng lậu theo đường mòn ở huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: VĂN DUẨN
Cửu vạn gùi hàng lậu theo đường mòn ở huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: VĂN DUẨN

Theo những đệ tử của Hải “xồm”, sau khi hàng lậu vượt qua được phía Tây cột mốc 1092, nếu không bị biên phòng chốt chặn thì hàng sẽ đi theo đường mòn 474 về khu vực Ma Mèo. Nhưng đêm nay, đường 474 đã bị chốt chặt, hàng sẽ về theo đường ở khu bể nước bên cánh gà của cửa khẩu quốc tế Tân Thanh.

Cánh cửu vạn đang xuống hàng ở phía bên kia đồi, đột nhiên ánh đèn pin tắt lịm. Cả núi rừng tối đen và im phăng phắc. “Có thể “chim lợn” phát hiện bị mai phục nên cho dừng. Sau khi “chim lợn” nghe ngóng, nếu không an toàn sẽ cho giấu hàng rồi cho cửu vạn về người không, còn ổn thì tiếp tục gùi hàng” - Thắng “trọc” giải thích.

19 giờ. Gần 20 phút trôi qua, trời vẫn tối đen. Bỗng có ánh đèn pin rọi và tiếng sột soạt đi qua. Một đoàn khoảng 20 người, không gùi hàng và tiến về phía có ánh đèn sáng ở một lán gần đó. Bắt đầu có lóe lên. “Trong lán là bộ đội biên phòng đấy” - một đệ tử của Hải “xồm” nói.

Giữa rừng lúc này chỉ có ánh sáng lờ mờ của trăng non đầu tháng. Cả khu rừng vẫn im phăng phắc. Bỗng ở lán biên phòng, từng tốp người lao ra ngoài. Ánh đèn pin lấp lóe theo những bước chân chạy về phía một ngọn núi. Chúng tôi cũng bám theo xuyên qua cánh rừng bạch đàn có dốc thoai thoải. Trong rừng bạch đàn, rất đông cửu vạn không có hàng lầm lũi đi ngược chiều.

Lính biên phòng vẫn chạy về phía núi. Có tiếng gọi: “Lên trên này! Nhanh lên!”, rồi một tiếng hô đanh gọn: “Đứng lại!”. Đèn pin lóe sáng khắp nơi. Tiếng loạt soạt, tiếng lăn của những bao hàng dọc theo sườn núi rơi xuống vách. Tiếng gọi nhau, tiếng quát, tiếng xin hàng, tiếng bước chân chạy loạn xạ. Dưới chân núi bắt đầu xuất hiện tiếng chó nghiệp vụ của bộ đội biên phòng sủa vang.

Nửa giờ sau, những bao hàng được vác xuống tập trung ở bãi đất dưới chân núi. Nhiều đèn pin được bật lên. Chúng tôi nhìn thấy hơn trăm lính biên phòng. Cách đấy gần 100 m, rất đông cửu vạn tải hàng lậu đứng thành đám đông, cũng bật đèn rọi về phía biên phòng. Những gã cửu vạn đi đi, lại lại, ném những ánh mắt hung tợn về phía lực  lượng biên phòng.

Biên “nghiện” - một đàn em của Hải “xồm” - thì thầm: “Chẳng qua đêm nay do chênh lệch lực lượng, phía biên phòng lại có cả chó nghiệp vụ nên cánh buôn lậu không dám manh động cướp lại hàng”.

20 giờ 25 phút. Những bao tải hàng đã được lính biên phòng chia nhỏ, xách và vác xuống núi. Cánh vận chuyển hàng lậu đi theo một đoạn rồi dừng lại. Dốc cao dựng đứng. Sau 15 phút đi bộ, đoàn người đến khu vực có bậc bê-tông và nhiều bể nước. Chúng tôi đã áp sát bên hông cửa khẩu Tân Thanh.

Kỳ tới: Hàng lậu tràn vào như lũ

Người lao động

© 2021 FAP
  3,211,232       2/1,192