Công nghệ thông tin

Tỉ giá tăng, xuất khẩu hưởng lợi

Việc điều chỉnh tỉ giá ngay từ đầu năm của Ngân hàng Nhà nước là hợp lý trong bối cảnh đồng USD đang mạnh lên so với các loại ngoại tệ khác

Từ ngày 7-1, tỉ giá bình quân liên ngân hàng (NH) giữa VNĐ/USD chính thức điều chỉnh tăng 1%, từ 21.246 đồng/USD lên 21.458 đồng/USD. Các NH thương mại được phép giao dịch giá USD không quá 21.673 đồng/USD. Ngay đầu buổi sáng, các NH đồng loạt niêm yết biểu giá USD mới nhưng có sự chênh lệch đáng kể giữa các nơi.

Có thể vượt 22.000 đồng/USD?

Buổi chiều, tại NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), USD được niêm yết quanh mức 21.430 đồng/USD mua vào, 21.480 đồng/USD bán ra, giảm 10 đồng/USD so với buổi sáng nhưng vẫn tăng 27 đồng/USD so với hôm trước.

Khách hàng theo dõi tỉ giá tại Ngân hàng TMCP Đông Á sáng 7-1 Ảnh: Tấn Thạnh
Khách hàng theo dõi tỉ giá tại Ngân hàng TMCP Đông Á sáng 7-1 Ảnh: Tấn Thạnh

Đây cũng là mức giá phổ biến của nhiều NH cổ phần. Riêng tại NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), giá USD mua vào 21.450 đồng/USD, bán ra 21.515 đồng/USD, cao hơn khoảng 35 đồng/USD so với một số NH khác và tăng đến 110 đồng/USD so với phiên trước. Trong khi đó, giá USD tự do được một số điểm thu đổi ngoại tệ tại TP HCM báo 21.560 đồng/USD mua vào, 21.630 đồng/USD bán ra, chênh lệch khá lớn so với giá USD trong NH.

NH Nhà nước lý giải việc điều chỉnh tỉ giá lần này nhằm chủ động dẫn dắt thị trường, phù hợp với diễn biến thị trường tài chính trong nước và quốc tế, tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ.

Lãnh đạo một số NH thương mại cho biết dù tỉ giá tăng nhưng lượng giao dịch ngoại tệ phiên ngày 7-1 vẫn bình thường, không có dấu hiệu căng thẳng, xáo trộn vì đã được dự báo từ trước. “Ngay từ đầu năm, thống đốc NH Nhà nước đã tuyên bố tỉ giá năm 2015 có thể tăng 2% nên giờ điều chỉnh là bình thường. NH Nhà nước không thể bán mãi ngoại tệ ra can thiệp thị trường nên linh hoạt điều chỉnh tỉ giá là cần thiết” - lãnh đạo một NH cổ phần nhận xét.

NH HSBC cho rằng trong bối cảnh USD đang mạnh hơn so với các loại tiền tệ khác và giá USD tại Việt Nam chạm trần vài tuần qua thì động thái này không gây ngạc nhiên. “Tỉ giá thực của tiền đồng đã tăng khoảng 6% trong năm 2014 và NH Nhà nước luôn có ý định phá giá tiền đồng nhẹ để duy trì khả năng cạnh tranh. Trong bối cảnh đồng USD tiếp tục mạnh lên, chúng tôi kỳ vọng tiền đồng còn giảm giá thêm 1% trong năm nay, đẩy tỉ giá lên 21.750 đồng/USD” - đại diện HSBC phân tích.

Trong khi đó, NH ANZ dự báo tỉ giá có thể chạm ngưỡng 22.050 đồng/USD vào cuối năm nay.

Nợ công thêm chi phí

Với kim ngạch xuất khẩu 150 tỉ USD trong năm 2014 và cán cân thương mại thặng dư 2 tỉ USD, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hưởng lợi khi tỉ giá tăng. Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Garmex Sài Gòn, cho biết doanh thu năm 2014 của công ty dự kiến hơn 1.420 tỉ đồng, lợi nhuận khoảng 74 tỉ đồng nhưng nhiều khoản thu từ nhà nhập khẩu chưa về đến. Nay DN sẽ được thêm khoản chênh lệch khi giá USD tăng.

“Hiện thị trường châu Âu và Nhật đang suy thoái khiến đồng euro, yen mất giá mạnh so với USD nên ngành dệt may nói chung và Garmex nói riêng đang định hướng đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Nay tỉ giá VNĐ/USD tăng càng hỗ trợ cho xuất khẩu” - ông Hùng nói.

Liên quan đến nợ công, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng ngân sách sẽ phải tốn thêm chi phí để trả nợ vay nước ngoài bằng USD khi tỉ giá tăng thêm 1%. Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy đến cuối năm 2014, nợ công của Việt Nam bằng 60,3% GDP (tương đương 2,395 triệu tỉ đồng). Trong đó, nợ vay nước ngoài của quốc gia chiếm khoảng 39,9% GDP (nợ công gồm nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương). Dự kiến, nợ công đến cuối năm 2015 sẽ ở mức 2,869 triệu tỉ đồng, bằng 64% GDP.

Bộ Tài chính cho biết huy động vốn nước ngoài của Chính phủ hiện tập trung vào các khoản vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nên có mức lãi suất khoảng 1,6%/năm và thời hạn vay bình quân khoảng 20 năm.

Còn theo chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh, muốn biết tỉ giá tăng 1% tác động đến nợ vay nước ngoài ra sao thì phải biết cơ cấu nợ nước ngoài gồm những khoản nào, vay bằng loại ngoại tệ gì, tỉ lệ vay bằng USD là bao nhiêu, nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi trong năm nay? Giả định nợ nước ngoài của Chính phủ chủ yếu bằng USD, phải trả trong nửa đầu năm 2015 thì ngân sách sẽ tốn thêm 1% (tính theo quy mô tiền Việt). Ngoài ra, còn phải căn cứ việc sử dụng nợ vay nước ngoài để đầu tư vào dự án nào, có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ hay không...?

Sự điều chỉnh cần thiết

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng trong bối cảnh các loại ngoại tệ khác như yen (Nhật), euro, AUD (Úc)... đang mất giá so với USD, điều chỉnh tỉ giá VNĐ/USD là cần thiết và phù hợp với xu hướng chung. Với thị trường trong nước, lần điều chỉnh này vẫn nằm trong biên độ 2% như Thống đốc Nguyễn Văn Bình cam kết nên không gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế vĩ mô. Năm 2014, Việt Nam xuất siêu 2 tỉ USD, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hơn 20 tỉ USD cũng hỗ trợ đáng kể khi tỉ giá tăng.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,207,285       1/1,174