Công nghệ thông tin

Quyết đòi cho được Hoàng Sa!

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng, đề nghị ghi rõ vào lịch 19-1 là ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép Hoàng Sa của Việt Nam

Hội nghị tổng kết công tác năm 2014 và gặp gỡ nhân chứng Hoàng Sa do UBND huyện đảo Hoàng Sa, TP Đà Nẵng tổ chức vào đúng vào ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 41 năm trước (19.1.1974 - 19.1.2015).

Chủ quyền không thể chối cãi

Tại hội nghị, ông Lê Đình Rê (SN 1945) hồi tưởng: Vào 20 giờ 30 phút ngày 19-1-1974 (nhằm 29 tháng chạp), ông cùng vợ đang đi chợ Tết ở chợ Cồn (Đà Nẵng) thì nhận được lệnh ra Hoàng Sa gấp. Đúng 22 giờ cùng ngày, ông Rê lái tàu QV 9708 qua trình diện Bộ Tư lệnh vùng 1 Hải quân của chính quyền Sài Gòn, rồi nhìn lên màn hình thì thấy 3 tàu HQ-4, HQ-5, HQ-16 ánh đèn còn nhấp nháy, riêng HQ -10 tắt lịm. Linh tính mách bảo ông rằng HQ-10 gặp điều chẳng lành.

Ông Võ Công Chánh, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa (bìa phải), trò chuyện cùng các nhân chứng

23 giờ, ông Rê lái tàu QV 9708 ra khơi hướng về Hoàng Sa. Qua máy vô tuyến của tàu, ông Rê nghe tiếng các binh sĩ tàu HQ-4, HQ-5, HQ-16 gọi nhau. Đúng 3 giờ ngày 20-1, ông nhận được tin dữ “mất Hoàng Sa”. Đến 4 giờ, tàu QV 9708 đã lần lượt tiếp cận và lai dắt 3 tàu HQ-4, HQ-5, HQ-16 về cảng Đà Nẵng. Lúc này, các binh sĩ còn sống sót cho biết tàu HQ-10 đã bị Trung Quốc bắn chìm.

“Tôi ước ao một ngày nào đó, chúng ta ra khơi, có mặt ở Hoàng Sa. Lúc đó, dù tuổi cao đi nữa, tôi cũng xin làm một thủy thủ, một thuyền trưởng đi Hoàng Sa thân yêu. Xin các thế hệ trẻ sau này tiếp nối ý chí đó” - ông Rê gửi gắm tâm sự.

Đến tận bây giờ, ông Nguyễn Văn Cúc vẫn nhớ như in những năm tháng làm nhiệm vụ ở quần đảo Hoàng Sa, sau đó bị Trung Quốc bắt giữ. “41 năm trước, tôi là một thanh niên. Bây giờ, tôi đã già rồi nhưng dù thời gian có trôi đi, Hoàng Sa vẫn luôn là của Việt Nam, không gì chối cãi được. Chừng nào còn sống, tôi vẫn phải đấu tranh để đòi lại Hoàng Sa cho Tổ quốc” - ông Cúc nhấn mạnh.

Hơn 87.000 bức thư dự thi viết về Hoàng Sa

41 năm qua, đất nước ta luôn tranh đấu để đòi lại chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc nhưng đến giờ vẫn chưa được. Đó là nỗi trăn trở không chỉ của ông Võ Công Chánh, Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa, mà còn là nỗi lòng của cả dân tộc.

“Dù có khó khăn trở ngại đến mấy, 1 năm, 2 năm hay nhiều năm nữa, chúng ta nhất quyết phải đấu tranh để đòi lại cho được chủ quyền Hoàng Sa” - ông Chánh nhấn mạnh.

Trong năm 2014, UBND huyện Hoàng Sa đã tổ chức cuộc thi viết về quần đảo thân yêu này và nhận được 87.701 bức thư - một con số ngoài sức tưởng tượng của ban tổ chức. Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng, bày tỏ tin tưởng vào sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa bởi thế hệ trẻ hôm nay đã bộc lộ lòng yêu nước tuyệt vời qua hơn 87.000 bức thư dự thi. Đó là tình cảm chân thành vào tình yêu biển đảo của Tổ quốc.

Dự kiến ngày 30-4, UBND huyện Hoàng Sa sẽ khởi công xây dựng Nhà Trưng bày Hoàng Sa. Đồng thời, trong học kỳ II, huyện sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng đưa vào chương trình giảng dạy lịch sử về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

TS Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng, cũng cho biết một bộ phim lịch sử chủ quyền Việt Nam được xem là lớn nhất  từ trước đến nay, gồm 5 tập và được dịch ra 5 thứ tiếng, sẽ chính thức ra mắt trình chiếu trong thời gian tới.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,197,383       1/868