Đại diện Sở Tài chính TP HCM khẳng định các hãng xe muốn phụ thu 20%-60% dịp Tết thì phải cam kết giảm giá cước theo giá xăng
Còn 35% (119/344 doanh nghiệp - DN) hãng xe đò chưa giảm giá cước trong khi giá xăng liên tục giảm. Thông tin này được lãnh đạo 2 bến xe Miền Đông và Miền Tây đưa ra trong buổi họp triển khai kế hoạch phục vụ vận tải khách đường bộ Tết Nguyên đán 2015, tổ chức chiều 22-1 tại Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM. Lý giải nguyên nhân, lãnh đạo các sở, ngành cho rằng do những DN này đăng ký hoạt động tại các tỉnh, thành khác nên TP HCM không thể can thiệp việc tăng, giảm giá cước.
Không giảm mà còn…tăng
Theo thống kê của 2 bến xe Miền Đông và Miền Tây, tính đến ngày 22-1 còn 119/344 DN chưa giảm giá cước, mức giảm từ 7% - 20% tùy tuyến. Đáng lưu ý con số trên chưa tính đến đợt giảm giá xăng ngày 21-1.
Cụ thể, Bến xe Miền Tây còn 20/130 DN. Theo ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Bến xe Miền Tây, trong số 20 DN này, có 10 DN giải trình việc không giảm giá cước là do các đợt xăng dầu tăng giá, họ không tăng giá vé nên khi giá xăng dầu giảm, họ vẫn giữ giá cũ. Riêng Bến xe Miền Đông vẫn còn 99/214 DN chưa giảm cước, nhiều DN cũng nêu lý do tương tự. Cá biệt, có 5 DN của bến xe này còn kê khai tăng giá trong dịp Tết Nguyên đán. Cụ thể, 4 DN có tuyến TP HCM đi Tuy Hòa và ngược lại, tăng giá vé từ 250.000 đồng/lượt lên 280.000 đồng/lượt. Lý do các DN này đưa ra là mức giá 250.000 đồng/lượt chỉ áp dụng trong đợt khuyến mãi 3 tháng từ tháng 10 đến tháng 12-2014, hết khuyến mãi giá vé quay về 280.000 đồng/lượt. Ngoài lý do này, một số DN cho rằng do tiền lương nhân công, phí cầu đường, vật tư đều tăng nên khó giảm giá. Đáng lưu ý, 1 DN có tuyến TP HCM đi Hải Phòng cũng nâng giá cao hơn bình thường, từ 980.000 đồng/lượt lên 1.020.000 đồng/lượt.
Ngay khi phát hiện việc tăng giá bất thường của 5 DN, Bến xe Miền Đông đã báo cáo Sở GTVT và lãnh đạo sở này gửi văn bản cho Sở Tài chính, Sở GTVT tỉnh Phú Yên và TP Hải Phòng yêu cầu các DN giảm giá cước vì việc tăng giá trong thời điểm xăng dầu giảm là bất hợp lý, tác động xấu đến các DN khác. Tuy nhiên, đến nay 5 DN trên vẫn bất chấp và niêm yết, bán vé xe Tết với mức nêu trên.
Giải thích việc này, ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho rằng những DN đăng ký tại các tỉnh, thành khác, sở không có quyền can thiệp sâu. “Trong tuần sau, đoàn kiểm tra giá cước vận tải tuyến cố định của Bộ GTVT sẽ đến kiểm tra tại TP HCM, chắc chắn chúng tôi sẽ kiến nghị những khó khăn này để tìm cách khắc phục” - ông Minh khẳng định.
Trả lời câu hỏi vì sao đến nay còn nhiều DN vận tải tuyến cố định chưa giảm giá cước, ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng Ban Vật giá Sở Tài chính, lý giải tuy có 344 DN hoạt động tại 2 bến xe Miền Đông và Miền Tây nhưng chỉ có 55 DN đăng ký tại TP HCM; còn lại thuộc các tỉnh, thành khác quản lý nên sở không thể can thiệp. Ông Chiến còn cho biết 55 DN này hầu hết đều giảm giá cước từ 7%-20%, có DN giảm sâu hơn, như các HTX Phương Nam, Đông Bắc, Cửu Long, Thống Nhất…
Giảm giá cước mới cho phụ thu!
Theo ông Chiến, tính từ tháng 12-2013 đến nay, đã có 27 lần điều chỉnh giá xăng dầu, tổng cộng giá xăng giảm 7.900 đồng/lít, dầu giảm 7.100 đồng/lít. Vậy giá cước vận tải giảm bao nhiêu là hợp lý? Theo tính toán của Sở Tài chính, tác động xăng dầu đến cơ cấu giá thành của taxi chiếm 25%-30% tùy loại xe, với mức giảm trên giá cước taxi phải giảm tương ứng 8,4%. Ông Chiến tính toán: “Sắp tới, các hãng taxi phải giảm thêm 500 đồng/km mới hợp lý. Riêng nhóm vận tải tuyến cố định, tác động xăng dầu lên giá thành khoảng 35%, giá cước phải giảm tương ứng 11%”.
Cũng theo ông Chiến, tính từ tháng 6-2014 đến nay, các hãng taxi như Vinasun, Mai Linh… đã 2 lần giảm giá cước từ 1.000 - 2.000 đồng/km tùy loại xe, riêng cước vận tải tuyến cố định giảm từ 7%-22% tùy tuyến. Như vậy, mức giảm giá cước này là hợp lý. “Riêng đợt giảm giá xăng ngày 21-1, Sở Tài chính đã có văn bản yêu cầu các DN phải kê khai lại giá cước trình sở trước ngày 31-1, hồ sơ nào không hợp lý sẽ xem xét lại. Chưa kể, các hãng xe đò muốn phụ thu 20%-60% dịp Tết, chúng tôi yêu cầu giảm giá cước mới cho phụ thu” - ông Chiến khẳng định.
Để kiểm soát nguy cơ “làm giá” của các hãng xe đò trong dịp Tết, ông Nguyễn Tấn Bình, Chánh Thanh tra Sở Tài chính, cho biết sẽ tăng cường công tác kiểm tra để xử lý các trường hợp nhà xe bán quá giá niêm yết. Cụ thể, đầu tháng 1-2015, đơn vị đã lập biên bản xử phạt hành chính 15 triệu đồng đối với 1 DN bán quá giá niêm yết, riêng năm 2014 phạt 8 DN với số tiền 120 triệu đồng cũng hành vi tương tự.
Bảo đảm đưa hết khách về quê đón Tết
Đó là khẳng định của lãnh đạo 2 bến xe Miền Đông và Miền Tây. Dự kiến, lượng khách qua các bến trong dịp Tết năm nay tăng 5% so với năm trước, ước khoảng hơn 10 vạn lượt khách về quê. Ngoài huy động tất cả xe trong bến, xe trái tuyến, xe hợp đồng, ngành GTVT TP còn tăng cường thêm 120 xe buýt để phục vụ những ngày cao điểm, các bến xe đều có chuyến xe “vét” đêm giao thừa bảo đảm đưa hết khách về quê. Khách đi những chuyến xe “vét” sẽ được hỗ trợ thức ăn, nước uống miễn phí để đón giao thừa cùng tài xế, tiếp viên ngay trên xe.