Công nghệ thông tin

Ô tô giá rẻ: Giấc mơ còn xa

Đại diện Bộ Công Thương nhận định đến năm 2018, chưa chắc có xe giá rẻ cho người tiêu dùng Việt Nam

Để hạn chế phương tiện cá nhân, nhà nước có thể đưa ra các giải pháp nhằm cân bằng lại mức thuế nhập khẩu bị hụt đi theo lộ trình đưa thuế về 0% năm 2018, như: tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ... Vì vậy, giấc mơ sở hữu ô tô giá rẻ của người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn xa mới thành hiện thực.

Giá khó giảm nữa

Đầu năm 2014, cùng với việc giảm phí trước bạ, thuế suất nhập khẩu xe con nguyên chiếc giảm 10% so với mức 60% hồi năm 2013 khiến nhiều người kỳ vọng sớm mua được ô tô giá rẻ. Nhiều nhà sản xuất xe còn có động thái chuyển từ nhập khẩu linh kiện lắp ráp sang buôn xe để đón đầu xu thế.

Khách hàng tham quan tại triển lãm ô tô ở TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Khách hàng tham quan tại triển lãm ô tô ở TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Thực tế, năm 2014 đánh dấu bước đột phá mạnh mẽ trên thị trường ô tô khi số lượng xe nhập khẩu lên đến 72.000 chiếc. Mức tăng trưởng này được đánh giá là ngoạn mục bởi  2 năm trước, thị trường ô tô ảm đạm chưa từng thấy với doanh số chỉ trên dưới 30.000 chiếc. 2014 cũng là năm Việt Nam nhập khẩu nhiều xe nguyên chiếc nhất trong 5 năm gần đây.

Nguyên nhân của sự tăng trưởng này là tín hiệu nền kinh tế ấm lên cũng như việc cắt giảm mạnh thuế nhập khẩu. Đơn cử, với một chiếc Toyota Yaris có giá nhập khẩu khoảng 790 triệu đồng thì mức thuế 60% vào năm 2013 tương ứng 474 triệu đồng. Đến năm 2014, do giảm thêm 10% thuế nên phần thuế nhập khẩu đánh vào giá xe giảm được 79 triệu đồng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, xu hướng giảm giá này khó duy trì  khi thuế suất nhập khẩu trong khối ASEAN năm 2015 vẫn ở mức 50%. Đến đúng thời điểm cam kết là năm 2018, thuế nhập khẩu mới được đưa về 0%.

“Giá xe sẽ không có đột biến trong năm 2015. Thậm chí, đến năm 2018, vẫn chưa chắc có ô tô giá rẻ cho người tiêu dùng bởi đến nay, chỉ có thuế nhập khẩu giảm, các thuế khác vẫn giữ nguyên. Chưa kể, nhà nước có chủ trương hạn chế xe cá nhân do điều kiện hạ tầng chưa tốt nên có thể tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng trở lại lệ phí trước bạ... để bù đắp” - đại diện Bộ Công Thương đánh giá.

Theo một nhân viên kinh doanh thuộc hệ thống Toyota (Hà Nội), giá xe thực chất không giảm, các hãng nếu có giảm giá thì đều là hoạt động khuyến mãi riêng. “Lộ trình giảm thuế đối với xe nhập từ khối các nước ASEAN không ảnh hưởng nhiều đến giá bán xe cho người tiêu dùng, giá xe con ngoài thị trường sẽ không giảm đáng kể” - nhân viên này nhận định.

Xe “nhà giàu” sẽ càng đắt?

Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 quy định thuế suất đánh lên mặt hàng ô tô không thay đổi. Theo đó, xe 9 chỗ ngồi dung tích xi-lanh dưới 2 lít tiếp tục chịu thuế TTĐB 45%, 2-3 lít chịu thuế 50%, 3-6 lít chịu thuế 60%. Như vậy, trong năm 2015, khó có khả năng các chính sách thuế sẽ tác động đến việc giảm giá xe.

Tuy nhiên, với nhiệm vụ nghiên cứu chính sách để phát triển dòng xe ưu tiên được nêu trong Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành ô tô Việt Nam, Bộ Công Thương phải xem xét các phương án điều chỉnh thuế, phí... Định hướng được Chính phủ phê duyệt là ưu tiên các dòng xe cá nhân có kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng, giá rẻ. Vì vậy, nhiều khả năng bộ này sẽ đưa ra các phương án giảm thuế TTĐB với xe dung tích dưới 2 lít và tăng mạnh thuế với các dòng xe dung tích lớn hơn.

Điều này lý giải vì sao một trong những phương án áp thuế đang được Bộ Công Thương tính toán đã đưa thuế suất thuế TTĐB với các xe dung tích trên 6 lít lên mức kỷ lục 195%, cao hơn mức hiện hành đến 135%. Dòng xe dung tích 2-2,5 lít được đề xuất tăng thuế TTĐB từ 50% lên 70%, 2,5-3 lít tăng 50% lên 95%, 3-4 lít tăng 60% lên 120%, 4-5 lít tăng từ 60% lên 145%, từ 5 đến dưới 6 lít tăng từ 60% lên 170%. Trong khi đó, xe dưới 1,5 lít có thể giảm từ thuế suất 45% về 30%; xe 1,5-2 lít được giữ nguyên thuế suất hiện hành 45%.

Theo đại diện Bộ Công Thương, nếu buộc phải tăng thuế TTĐB để bù đắp hụt thu cũng như kiềm chế sự tăng trưởng xe cá nhân thì việc đánh thuế cao đối với xe “nhà giàu” và ưu đãi đối với các dòng xe thân thiện, rẻ tiền... là giải pháp cần thiết. Vị này cho rằng chỉ khi nào hạ tầng giao thông bảo đảm, ô tô không còn bị hạn chế và không bị đánh thuế dành cho hàng xa xỉ (thuế TTĐB - PV)... thì mới có xe giá rẻ.

Giá xe nội “nhìn theo” xe nhập

Thuế nhập khẩu linh kiện ô tô hiện dao động 10%-15%, rất ít linh kiện bị áp thuế đến 20%. Trong khi đó, thuế nhập xe con nguyên chiếc ở mức 50%. “Tuy nhiên, giá xe lắp ráp nội địa không rẻ hơn xe nhập là bao bởi doanh nghiệp “nhìn theo” giá xe nhập để bán hàng. Việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan tuy khiến nhiều người lo lắng ngành ô tô nội bị đè bẹp nhưng tôi cho là cần thiết bởi giảm giá xe nhập mới tạo động lực giảm giá xe trong nước” - đại diện Bộ Công Thương nhận định.

Người lao động

© 2021 FAP
  3,194,370       2/844