Việc xác định đúng tư cách người bị hại trong các vụ án hình sự giúp HĐXX nhìn nhận đúng bản chất vụ án, xác định đúng hành vi phạm tội của bị can (bị cáo), đảm bảo cho việc giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại đúng pháp luật, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của những người tham gia tố tụng trong vụ án
Có lẽ chưa có vụ án nào, việc xác định tư cách của những người tham gia tố tụng nói chung và người bị hại nói riêng, lại trở nên phức tạp và gây nhiều tranh cãi như vụ án Huỳnh Thị Huyền Như.
Theo dõi phiên toà trong những ngày qua, một điều ai cũng có thể nhận thấy là hầu hết những người tham gia tố tụng đều không đồng ý với cách tòa án xác định tư cách tố tụng của các đương sự trong vụ án. Nhất là đối với Ngân hàng VietinBank- đơn vị được cho là có trách nhiệm chính trong việc quản lý tài sản tiền gửi của khách hàng (đồng nghĩa với việc khi tài sản bị mất thì phải có trách nhiệm bồi thường) nhưng hiện tại, đơn vị này lại được tòa án xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Vậy, thực chất tư cách tố tụng của VietinBank trong vụ án này là gì? Người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hay bị đơn dân sự?
Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm tại phiên tòa sơ thẩm
Để trả lời vấn đề trên, trước hết cần xác định rõ, tài sản mà bị cáo chiếm đoạt, thực chất là của Ngân hàng VietinBank hay của những đơn vị, tổ chức, cá nhân đã mở tài khoản hoặc gửi tiền vào ngân hàng này?
Chúng ta đều biết rằng, trên thực tế cho dù khách hàng có mở tài khoản hay gửi tiền vào ngân hàng, họ cũng không phải là người trực tiếp nắm giữ tài sản là số tiền đó. Trái lại, chính ngân hàng mới là người có quyền quản lý, điều phối, sử dụng số tiền trên trong hoạt động kinh doanh của mình.
Mặt khác, cái gọi là “tài sản” của một cá nhân hay đơn vị tổ chức nào đó khi mở tài khoản tại ngân hàng, thực chất chỉ là một quyền về tài sản. Còn trên thực tế họ hoàn toàn không phải là người trực tiếp chiếm hữu, quản lý hay sử dụng đối với tài sản là số tiền này.
Chẳng hạn, Nguyễn Văn A có tài sản là số tiền 1 tỉ đồng. A mang số tiền trên đến gửi tại một ngân hàng. Như vậy, kể từ thời điểm A nộp tiền vào tài khoản ngân hàng, số tiền này không còn thuộc quyền sở hữu của A nữa mà đã được chuyển sang ngân hàng. Ngân hàng có toàn quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với số tiền trên. Còn bản thân A sẽ được ngân hàng xác nhận bằng một chứng thư, ghi nhận A có số tiền 1 tỉ đồng gửi tại ngân hàng trên. Chứng thư xác nhận này là cơ sở pháp lý để A thực hiện quyền tài sản của mình, cũng như “Giấy vay nợ” là cơ sở pháp lý để thực hiện quyền đòi nợ trên thực tế.
Như vậy, không thể cho rằng, số tiền của các đơn vị, tổ chức, cá nhân gửi vào tài khoản của Ngân hàng VietinBank bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt là tài sản của các tổ chức cá nhân này để từ đó xác định họ là người bị hại trong vụ án, mà cần phải xác định, đây chính là số tiền của Ngân hàng VietinBank bị Như chiếm đoạt. Chính VietinBank mới là người bị hại trong vụ án này.
Sẽ là điều phi lý và không có cơ sở khoa học, khi xác định những đơn vị, tổ chức, cá nhân gửi tiền vào tài khoản của Ngân hàng VietinBank bị Như chiếm đoạt là người bị hại trong vụ án. Vì trên thực tế, số tiền trên không thuộc quyền sở hữu của họ, cái mà họ đang sở hữu, thực chất chỉ là một quyền về tài sản thuộc phạm vi quyền đối nhân. Tức là quyền được yêu cầu ngân hàng tính lãi hay giải ngân vào một thời điểm nhất định, không phải quyền đối vật, là quyền trực tiếp hành xử trên tài sản.
Trong khi đó, khách thể của tội lừa đảo nói riêng và các tội phạm có tính chất chiếm đoạt nói chung, được xác định là chính đối tượng tài sản, chứ không phải quyền về tài sản. Nhất là, đối với các quyền về tài sản thuộc phạm vi quyền đối nhân thì lại càng không thể trở thành khách thể hay đối tượng chiếm đoạt của loại tội phạm này.
Huỳnh Thị Huyền Như, vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Ngân hàng VietinBank, tòa án xác định tư cách tố tụng