Du lịch

Xử án nghiêm, dân hả dạ

Việc nghiêm trị những kẻ sai phạm là dấu hiệu tích cực trong thực thi pháp luật, giúp củng cố chân lý: Không cá nhân, tổ chức nào được phép nằm ngoài pháp luật

Năm 2013 và đầu năm 2014, nhiều vụ án lớn, chấn động dư luận đã được đưa ra xét xử với các mức án nghiêm khắc. Mỗi vụ có một hành vi, động cơ phạm tội khác nhau nhưng tựu trung đều có điểm chung: Tội ác khởi nguồn từ lòng tham vô độ, sự bất nhẫn, ích kỷ và máu liều mạng.

Lòng tham không đáy

Với vụ án Công ty Cho thuê tài chính II (ALCII), ông Vũ Quốc Hảo, Tổng Giám đốc ALCII, vừa lợi dụng chức vụ, quyền hạn vừa cố ý làm sai quy định để cùng các đồng phạm lấy tiền của nhà nước, gây thiệt hại gần 532 tỉ đồng. Chưa tính những thiệt hại khác mà ông Hảo và đồng phạm gây ra vẫn đang được CQĐT tiếp tục thu thập tài liệu, xác minh và xử lý sau, nếu vụ án không bị phanh phui sớm, liệu thiệt hại sẽ còn lớn đến mức nào?

Dù VKS đề nghị án chung thân nhưng TAND TP HCM vẫn tuyên tử hình Hồ Duy Trúc, kẻ cầm đầu băng chặt tay cướp xe SH
Ảnh: PHẠM DŨNG
Dù VKS đề nghị án chung thân nhưng TAND TP HCM vẫn tuyên tử hình Hồ Duy Trúc, kẻ cầm đầu băng chặt tay cướp xe SH Ảnh: PHẠM DŨNG

Cũng vì lòng tham không đáy, Huỳnh Thị Huyền Như (phó phòng một chi nhánh của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - VietinBank) không bằng lòng với những gì mình đang có. Như mải mê chạy theo đồng tiền, liều lĩnh vay lãi suất cao để kinh doanh bất động sản, chứng khoán, đến khi không còn khả năng trả nợ đã lừa đảo, chiếm đoạt của nhiều tổ chức, ngân hàng và cá nhân gần 4.000 tỉ đồng; kéo theo nhiều đồng nghiệp, người thân phạm tội.

Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải - dù đã có một địa vị đáng để nhiều người khác mơ ước nhưng vẫn muốn kiếm nhiều tiền, bỏ qua lợi ích của dân, của nước. Dũng đã cùng đồng phạm “hô biến” một đống sắt vụn từ 2,3 triệu USD lên 9 triệu USD, gây thiệt hại cho nhà nước 366 tỉ đồng, bản thân tham ô 10 tỉ đồng. Lời khai của Dũng và đồng phạm về việc mang cả vali tiền “lại quả” chia chác cho nhau đã gây bàng hoàng dư luận.

Tại Công ty Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon), một số lãnh đạo lợi dụng khoảng thời gian đơn vị chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp cổ phần đã thực hiện các thủ đoạn tinh vi trong việc hạch toán thu chi không đúng; bòn rút, gây thiệt hại cho nhà nước 14,6 tỉ đồng và cho các cổ đông gần 3,7 tỉ đồng.

Ở một dạng tội phạm khác, Hồ Duy Trúc dù chỉ mới ngoài 20 tuổi đã sẵn sàng cùng đồng phạm ra tay một cách tàn độc với bất kỳ ai để cướp tài sản lấy tiền tiêu xài, sử dụng ma túy. Tại Quảng Ninh, 89 đối tượng trong đường dây mua bán 32.000 bánh heroin chắc hẳn biết rõ khung hình phạt cao nhất đối với tội phạm ma túy là tử hình. Song, vì sự hấp dẫn của những đồng lợi nhuận cao ngất ngưỡng từ việc mua bán cái chết trắng, họ vẫn bất chấp để lao vào.

Dân yên tâm hơn

Vũ Quốc Hảo, Đặng Văn Hai (Công ty ACL II), Dương Chí Dũng (Vinalines), Hồ Duy Trúc, 30/89 bị cáo trong đường dây mua bán 32.000 bánh heroin đều bị chung mức án tử hình. Nhiều đồng phạm khác của họ lãnh án chung thân...

Với mức án ấy, dẫu còn những ý kiến tranh luận nhưng nhìn ở góc độ khác, sự xét xử nghiêm minh cùng mức án cao là cần thiết, thể hiện sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm nhằm bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo đảm trật tự xã hội. Vì thế, kết quả các phiên tòa này bước đầu đã củng cố niềm tin của người dân.

Trong vụ chặt tay cướp xe SH, hành động của bọn tội phạm là quá man rợ, không còn tính người, thể hiện sự coi thường pháp luật. Việc tuyên tử hình Hồ Duy Trúc cho thấy sự cứng rắn của pháp luật hình sự nhằm răn đe những kẻ máu lạnh, coi thường mạng sống của người khác, thích sống bằng tài sản cướp giật. Trong tình hình cướp giật đáng báo động như hiện nay, mức án mà tòa tuyên là hoàn toàn tương xứng, bảo đảm yêu cầu phòng chống và răn đe tội phạm toàn xã hội.

Đối với loại tội phạm tham nhũng, tham ô, mức độ và tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp; vì thế, công cuộc phòng chống tham nhũng càng thêm khó khăn.

. Người dân cũng thấy yên tâm hơn trước sự vận hành quyết liệt của các cơ quan chức năng nói riêng và hệ thống thực thi pháp luật nói chung trong phòng chống tham nhũng. Điều đó cũng thể hiện cam kết của Đảng và nhà nước ta tuyên chiến với tham nhũng đã bước đầu có kết quả.

Đẩy người thân vào vòng lao lý

Tội lỗi của Dương Chí Dũng đã kéo theo sự “sụp đổ” của gia đình họ Dương vốn nổi tiếng danh giá ở Hải Phòng. Vì lo anh trai bị bắt giam, Dương Tự Trọng - lúc đó đang là Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng - đã liều lĩnh tổ chức cho Dũng trốn đi nước ngoài để rồi mất hết sự nghiệp, chịu cảnh lao tù.

Xót xa, cay đắng hơn, những năm tháng cuối đời, cha mẹ già của họ phải sống trong đau khổ, ê chề bởi việc làm sai trái của những người con một thời từng đem đến cho họ niềm tự hào.

Trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, chị gái Huỳnh Mỹ Hạnh đã bị chính em ruột đẩy vào vòng lao lý, bỏ lại 3 con nhỏ cho mẹ già chăm sóc. Con của Như cũng sẽ phải sống cùng mẹ trong chốn lao tù.

Giá như họ đừng quá vì những đồng tiền, giá như trước khi làm điều sai trái, họ biết nghĩ đến hậu quả gây ra không chỉ một mình gánh chịu thì hôm nay, mọi việc có lẽ đã khác...

Người lao động

© 2021 FAP
  204,982       1/1,301