Du lịch

Mạnh tay với tiêu thụ đồ gian

Các đối tượng trộm cắp và tiêu thụ tài sản có mối quan hệ khăng khít. Năm 2014, Công an TP HCM sẽ mạnh tay với loại tội phạm tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

Ngày 7-2, CQĐT Công an quận 7, TP HCM cho biết  đang tạm giữ Phạm Văn Lập (SN 1986, ngụ  khu Tên Lửa, quận Bình Tân) để điều tra, xử  lý về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Lập là đối tượng chuyên tiêu thụ xe máy của băng cướp do Nguyễn Văn Cuộc (SN 1990, quê An Giang) cầm đầu, dùng hung khí nguy hiểm thực hiện 26 vụ cướp trên địa bàn quận 7.

Khó xử lý

Phạm Văn Lập là một trong nhiều đối tượng tiêu thụ đồ gian nhưng “không may” bị xử lý hình sự. Trên thực tế, dẫu ai cũng biết, người có hành vi cướp giật, trộm cắp tài sản của người khác với người mua tài sản đó (hay còn gọi là người tiêu thụ) có mối liên hệ với nhau. Tuy nhiên, để chứng minh một người phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có không dễ dàng.

Theo thẩm phán Vũ Phi Long, Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM, khó khăn trong công tác điều tra và xét xử là người bị truy cứu trách nhiệm hình sự phải “biết rõ” tài sản do phạm pháp mà có, trong khi thực tế không ai tự nhận “biết rõ” đó là đồ gian. Nếu họ cho rằng hàng hóa trôi nổi, không xuất xứ thì chỉ bị xử lý hành chính. Ví dụ tài sản là dây chuyền, vàng bạc, túi xách…, người mua không thể phân biệt được hàng trôi nổi hay do phạm tội mà có. Với những tài sản có giá trị lớn, theo quy định của pháp luật, phải có giấy tờ sở hữu để chứng minh nguồn gốc nhưng với việc tiêu thụ tài sản có giá trị không cao, cơ quan chức năng cũng khó có căn cứ để quy kết người mua.

Cùng chung quan điểm, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TP HCM) phân tích thêm để xác định một người có “biết rõ” hàng hóa do phạm pháp mà có hay không phải căn cứ vào các tình tiết khách quan, đặc biệt là nhân thân và mối quan hệ giữa họ với người có tài sản do phạm tội mà có, cũng như căn cứ vào việc giao dịch giữa người tiêu thụ và người có tài sản.

Bị cáo Đàm Văn Võ (SN 1990, bìa trái) bị TAND TP HCM tuyên phạt 9 tháng tù về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” trong vụ án chặt tay cô gái cướp xe SH trên cầu Phú Mỹ, quận 2
Bị cáo Đàm Văn Võ (SN 1990, bìa trái) bị TAND TP HCM tuyên phạt 9 tháng tù về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” trong vụ án chặt tay cô gái cướp xe SH trên cầu Phú Mỹ, quận 2

Siết chặt kinh doanh tài sản đã qua sử dụng

Để giải quyết vấn nạn tiêu thụ tài sản của kẻ gian, thẩm phán Vũ Phi Long và luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch cùng cho rằng các cơ quan chức năng phải quản lý những tiệm cầm đồ, điểm kinh doanh hàng đã qua sử dụng bằng biện pháp hành chính, hóa đơn, thuế…, như mua khi nào, của ai, bán cho ai, lúc nào? Đối với những người bán hàng không rõ nguồn gốc tràn lan ngoài đường, cần có biện pháp cứng rắn hơn, tạo điều kiện cho họ buôn bán có nơi, có chỗ để tiện việc quản lý, theo dõi. Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc kiên quyết không mua những hàng trôi nổi, không có hóa đơn, chứng từ…

Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP HCM, hầu hết các tiệm cầm đồ, điểm tiêu thụ tài sản đều biết rất rõ xuất xứ tài sản được đem đến là do phạm pháp mà có nhưng họ vẫn cố  tình mua vì ham rẻ.

“Các đối tượng trộm cắp và tiêu thụ tài sản có mối quan hệ rất khăng khít. Đa phần xe gian sẽ được giao nhận ở Dĩ An, Bình Dương rồi đưa về miền Trung, Tây Nguyên. Những xe máy được đưa sang Campuchia sẽ được tập kết ở An Sương, quận 12. Trong năm 2014, Công an TP HCM sẽ phối hợp với lực lượng kiểm tra hành chính để giải quyết mạnh tay loại tội phạm “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” -  Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết.

Ngoài ra, Công an TP HCM sẽ siết chặt kinh doanh tài sản đã qua sử dụng, như: xe máy, điện thoại, máy tính bảng, laptop, máy chụp hình, nữ trang…; yêu cầu các tiệm cầm đồ, các điểm kinh doanh tài sản đã qua sử dụng làm cam kết không tiêu thụ đồ gian, nếu phát hiện sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự. 

“Theo luật hiện hành, hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có bị xử lý rất nghiêm khắc với mức án lên đến 15 năm tù. Cuối năm 2011, các ban ngành trung ương đã ra Thông tư liên tịch số 09 để hướng dẫn xử lý nghiêm loại tội phạm này” - thẩm phán Vũ Phi Long nói.

Người lao động

© 2021 FAP
  148,164       1/856