Du lịch

Bi kịch ái tình

Nước mắt người phụ nữ có nhan sắc mặn mòi ấy cứ lăn dài, đôi mắt đỏ hoe chất chứa sự đau đớn tột cùng. Hai chữ ái tình trong lúc này đắng cay hơn bao giờ hết

Phòng xử sáng 10-11 chật kín người. Bất cứ ai tham dự phiên tòa có lẽ cũng đều xót xa cho người con gái xấu số vừa tròn tuổi 20. Di ảnh của cô được bà nội ôm theo suốt 2 ngày diễn ra phiên xử. Còn với Trần Đại Quang, hung thủ giết chết con gái của người tình, vẫn không một chút ăn năn, hối cải.

Trả giá đắt

Cuối năm 2012, Trần Đại Quang (SN 1989; ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) tình cờ quen biết bà H.T.C.N (SN 1966; ngụ huyện Củ Chi, TP HCM). Câu chuyện yêu đương của cặp tình nhân cách biệt 23 tuổi cũng bắt đầu từ đó. Rung cảm trước vẻ đẹp mặn mà của người phụ nữ có con gần bằng tuổi mình, Quang càng hạnh phúc hơn khi được bà N. nói dối rằng đã ly hôn với chồng. Tuy còn sống chung với chồng và 2 con nhưng bà N. đã không ít lần hẹn hò lén lút với Quang. Tuy nhiên, vì các con phản đối kịch liệt, giữa năm 2013, bà N. muốn chấm dứt mối quan hệ sai trái này. Thế nhưng, Quang thì không nghĩ như vậy… Trong một lần đến tìm nhưng bà N. không có nhà, Quang gặp H.L.C.U (SN 1993, con gái bà N.). Vì bị U. nặng lời, Quang đã giết chết nạn nhân bằng những thủ đoạn hết sức man rợ.

Bị cáo Trần Đại Quang tại phiên tòa
Bị cáo Trần Đại Quang tại phiên tòa

Trả lời HĐXX, bị cáo Quang cho rằng vì bị U. chửi là bám váy phụ nữ, không biết xấu hổ… nên đã tức giận, không kiềm chế được bản thân. “Tình cảm của tôi dành cho N. là chân thành, chứ không phải lợi dụng hay đùa cợt. Tôi cảm thấy nhục nhã khi bị xúc phạm nên đã ra tay sát hại U.” - Quang khai.

Ban đầu, bà N. không thừa nhận mối quan hệ trên mức tình cảm với Quang nhưng sau khi bị cáo khai trước tòa là đã từng hẹn hò qua lại với nhau nhiều lần, bà chỉ biết cúi đầu im lặng.

Vị chủ tọa xét hỏi ông L. (chồng bà N.) rằng có biết mối quan hệ giữa vợ mình với bị cáo và chuyện hai người đã ly thân là đúng hay sai? Trong những tiếng nấc nghẹn ngào, người đàn ông với vẻ hiền lành chân thật cho hay: “Cho đến tận hôm nay, tôi mới biết mặt bị cáo Quang. Còn chuyện tôi và vợ ly thân là không đúng. Cho dù tình cảm có phai nhạt vì nghe người ta đồn đại rất nhiều về vợ nhưng tôi vẫn luôn muốn tha thứ và hàn gắn tình cảm. Chúng tôi vẫn sống cùng nhau trong một mái nhà, chỉ là những lần đi công tác xa, mọi chuyện mới xảy ra như vậy…”. Nghe ông L. nói, bà N. gục đầu xuống mặt bàn, lau vội những giọt nước mắt trước tình cảm và lòng vị tha của chồng. Dường như bà muốn né tránh tất cả, kể cả đôi mắt ướt đẫm của mẹ chồng đang ở ngay bên cạnh.

Bản án cuộc đời

Ôm di ảnh của cháu gái, mẹ ông L. cứ bật khóc mỗi lần tòa nhắc lại tội ác của bị cáo và cái chết thảm thương của U. Gặp chúng tôi nơi sân tòa sau phiên xử, bà vẫn không hết đau buồn. “Kể từ ngày nó mất, tôi không thể nào ngủ ngon. Cháu tôi còn quá trẻ…” - bà lạc giọng và cúi mặt nhìn di ảnh cô cháu gái bạc mệnh.

Vị chủ tọa cho rằng dù bị cáo có ác độc, côn đồ như vậy đi chăng nữa thì phần lớn nguyên nhân sâu xa bắt đầu từ mối quan hệ sai trái của bà N. “Con gái bà phản đối mối quan hệ đó là đúng, hệ lụy đáng buồn ngày hôm nay phần lớn là do bà gây ra” - vị chủ tọa nói. Trước những lời của vị chủ tọa, bà N. thừa nhận tội lỗi của mình khi đã làm cho gia đình tan nát và là nguyên nhân sâu xa dẫn đến cái chết của cô gái tuổi còn xanh. “Tôi đã sống trong những ngày tháng ám ảnh về tội lỗi của mình. Tôi không thể nào tha thứ được cho hành vi của Quang, càng không thể tha thứ cho bản thân…” - bà N. hối hận. Cái giá mà bà N. phải trả có lẽ còn đắt hơn cả bản án tử hình của bị cáo Quang, khi nửa cuộc đời còn lại phải sống trong tội lỗi và sự giày vò. Những lời trách móc, hằn học của bà con, họ hàng nhà chồng cứ như những nhát dao cứa sâu vào lòng bà… 

Nỗi đau khó chia sẻ

Mồ côi cha từ nhỏ, Quang sống với mẹ và em gái. Học đến lớp 8 thì nghỉ vì gia đình gặp nhiều khó khăn. Sau đó, Quang đi làm bảo vệ ở nhiều nơi.

Trong số những người hàng xóm của Quang đến tham dự phiên tòa, hầu hết đều cho rằng đây là một thanh niên chăm chỉ, hiền lành. Ra tòa, Quang thừa nhận mọi tội lỗi của mình. Được nói lời sau cùng, Quang không xin giảm nhẹ hình phạt mà chỉ xin lỗi gia đình bị hại. Lẩn trong số nhiều hàng xóm đến tham dự phiên tòa, mẹ của bị cáo Quang ngồi ở một góc khuất trong phòng xử và chiếc khẩu trang nửa muốn tháo ra nửa muốn đeo vào đã che đi một phần sự lo âu, khắc khoải của bà.

Khi vị chủ tọa đọc bản tuyên án tử hình cho hành vi “Giết người” mang tính chất côn đồ của Quang, bà lặng lẽ rời phòng xử với nỗi đau không biết chia sẻ cùng ai.

Người lao động

© 2021 FAP
  144,063       1/809