Rượu là thứ “gia vị” tăng thêm niềm vui trong mấy ngày Xuân nếu chúng ta dùng chừng mực và biết nói “thôi” khi chưa muộn
Sau một năm vất vả với cuộc mưu sinh đời thường, được nghỉ những ngày Tết sum vầy cùng gia đình là niềm vui của mọi người. Trên bàn thờ ông bà, bên cạnh hoa quả, bánh mứt, chắc hẳn chúng ta cũng chuẩn bị một ít rượu để chung vui với bạn bè trong những ngày Xuân.
Rượu có từ khi nào?
Uống rượu là thói quen rất lâu đời của con người. Cách đây 2.800 năm, người ta đã biết đến rượu và dùng rượu. Rượu là một thức uống khó thiếu trong cuộc sống. Trong đời thường, rượu đã đi vào nếp suy nghĩ, đi vào ca dao, tục ngữ, biểu lộ tình cảm mộc mạc của người Việt Nam.
Khi vui, uống rượu, buồn cũng uống rượu, thưởng cũng rượu mà phạt cũng dùng rượu; chung rượu sum vầy, chung rượu tiễn biệt… Nghĩa là trong mọi hoàn cảnh, con người đều có thể uống rượu.
Mặt khác, rượu còn là nét văn hóa của các nước, các vùng miền. Rượu có nhiều loại khác nhau do cách chế biến. Rượu được chế biến bằng kỹ thuật lên men từ đường hay tinh bột như gạo, lúa mì trong điều kiện được ủ kín. Trong quá trình lên men thành rượu, khí CO2 được sinh ra, chính khí này làm cho rượu sủi bọt và tạo áp lực hơi khi khui, như khi khui rượu champagne đúng cách sẽ tạo ra tiếng nổ và tiếng nổ này tượng trưng cho sự may mắn, thành công, tốt lành. Ngoài ra, trong quá trình lên men, rượu còn sinh ra một số tạp chất lẫn trong rượu, chúng rất có hại cho sức khỏe. Nếu tạp chất quá nhiều có thể gây hại cho cơ thể như mù mắt, rối loạn tim mạch…
Khi nồng độ rượu lên đến khoảng 12%-13% thì con men rượu bị chết vì nhiễm độc rượu, nghĩa là nó chết vì sản phẩm của chính nó. Ở con người, khi uống một lượng rượu nhiều trong thời gian ngắn thì nồng độ rượu trong máu lên quá cao, điều này cũng có thể dẫn đến ngộ độc rượu.
Lợi và hại
Rượu là thứ không thể thiếu trong đời sống văn hóa và xã hội. Rượu thường xuất hiện trong các buổi tiệc liên hoan, đám cưới, đám giỗ, đám tang hay đơn giản hơn, khi bạn bè lâu ngày gặp lại, những dịp giải trí cuối tuần... Rượu có thể mang lại lợi ích cho công việc và sức khỏe nếu ta biết dùng đúng cách, điều độ. Ngược lại, nếu uống rượu quá nhiều đến mức say xỉn sẽ gây tác hại rất lớn đến sức khỏe bản thân, hạnh phúc gia đình và an ninh xã hội.
Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu uống một ít bia rượu mỗi ngày, khoảng 1-2 lon bia (hoặc nửa xị rượu đế) kèm theo tập thể dục thể thao thì rất có lợi cho sức khỏe. Với một lượng vừa phải như vậy, rượu sẽ có tác dụng đánh thức các hoạt động trong cơ thể, làm cho não, tim, gan hoạt động tốt hơn. Lượng rượu vừa phải này còn có tác dụng chống lại chứng xơ vữa động mạch. Điều cần nhớ là uống rượu phải kèm theo tập thể dục thể thao đều đặn, mỗi ngày 30-45 phút.
Tuy nhiên, trong thực tế, khi đã vào quán, khó ai có thể chỉ uống 1-2 lon bia khi mà men rượu chỉ vừa mới ngấm, rồi bạn bè lôi kéo, thách thức, còn các cô tiếp viên xinh đẹp thì cứ thoăn thoắt khui hết lon này đến lon khác... Trong hoàn cảnh đó, chúng ta rất dễ uống đến mức gây hại cho sức khỏe nếu không biết điểm dừng.
Rượu là thứ “gia vị” tăng thêm niềm vui trong mấy ngày Xuân nếu mọi người uống chừng mực và biết nói “thôi” khi chưa muộn. Để không khí ngày Xuân được vui tươi trọn vẹn, chúng ta hãy nhớ đừng uống quá 2 lon bia.
tập thể dục, rượu bia, uống rượu, chế biến, men rượu, tạp chất, Nồng độ