Sức khỏe

Báo động tình trạng kháng thuốc

Tình trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng phổ biến khiến bệnh lây lan nhanh, khó chữa trị và gây tốn kém

Tự ý mua thuốc kháng sinh cho con hay người thân trong nhà là một trong những sai lầm của rất nhiều bà mẹ. Tại các bệnh viện và khoa điều trị nhi, số bệnh nhi nhập viện trong những ngày thời tiết chuyển mùa nhiều hơn và tình trạng bệnh cũng nặng hơn.

Bệnh gì cũng... kháng sinh!

Theo TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, rất nhiều trẻ đã được cha mẹ “điều trị” bằng kháng sinh trước khi đưa đến khám bác sĩ. Nhiều trường hợp ho, sốt do virus cũng được cho dùng kháng sinh, trong khi thuốc này chỉ được dùng để chống vi khuẩn. Thậm chí một số bậc phụ huynh không chỉ dùng lại đơn thuốc kháng sinh cũ mà còn “mạnh dạn” tăng liều khi thấy con không bớt.

Cảnh báo nguy cơ cạn kiệt thuốc kháng sinh do thói quen sử dụng kháng sinh bừa bãi, bác sĩ Đỗ Tuấn Anh, Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, cho biết vi khuẩn kháng lại thuốc như cơm bữa. Có những bệnh nhi sơ sinh, đẻ non mới chỉ vài tuần tuổi, suy hô hấp nhưng cơ thể đã kháng lại những loại thuốc kháng sinh thế hệ mới nhất. “Kháng sinh là công cụ hữu hiệu nhất để tiêu diệt các bệnh lý nhiễm khuẩn, thế nhưng, nếu bị chống lại thì chẳng khác gì người bệnh phải đối mặt với bản án tử hình” - bác sĩ Đỗ Tuấn Anh lo ngại.

Theo TS Điển, kháng sinh là một loại thuốc giúp cơ thể của trẻ chống đỡ lại vi khuẩn vì vậy chỉ có nhiễm khuẩn mới cho trẻ sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp không phải dùng kháng sinh nhưng bệnh nhân vẫn tự mua uống, thậm chí nhiều người vẫn lầm tưởng cứ sốt là uống kháng sinh. “Không sử dụng kháng sinh đúng sẽ dẫn tới nhiều nguy cơ cho trẻ. Đó là một số kháng sinh như streptomycine, kanamycine dùng liều cao có thể gây điếc và suy thận hoặc một số thuốc có thể gây ra hội chứng xanh tái ở trẻ sơ sinh” - bác sĩ Điển cảnh báo.

Vi khuẩn kháng thuốc tràn lan

Kể từ khi thế giới tìm ra thuốc kháng sinh, loại thuốc này được xem như là vũ khí quan trọng nhất để đối phó với các bệnh không lây nhiễm và bệnh nguy hiểm do vi khuẩn gây ra. Tuy nhiên, việc quá lạm dụng loại vũ khí này lại khiến thế giới đứng trước nguy cơ bị mất dần các loại thuốc điều trị. Ở nước ta, Bộ Y tế cũng đã có những quy định cụ thể về sử dụng kháng sinh và cấm lạm dụng kháng sinh, tuy nhiên, đây vẫn là một trong những loại thuốc có sức mua lớn, có thể mua thoải mái và không cần đơn của bác sĩ như quy định. Một báo cáo của Trường ĐH Dược Hà Nội cho thấy Việt Nam có số lượng người bệnh sử dụng kháng sinh cao gấp 5 lần so với người bệnh các nước châu Âu. Theo một kết quả nghiên cứu, có tới 88% nhà thuốc ở thành thị và 91% nhà thuốc ở nông thôn bán kháng sinh không theo đơn.

Những bệnh nhân nặng phải thở máy thường có nguy cơ cao bị kháng thuốc kháng sinh
Những bệnh nhân nặng phải thở máy thường có nguy cơ cao bị kháng thuốc kháng sinh

Bộ Y tế thừa nhận tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh ở nước ta đang ở mức rất nguy hiểm. Một nghiên cứu của Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế về thực trạng sử dụng kháng sinh trên hơn 1.000 hồ sơ bệnh án tại các khoa điều trị tích cực của 19 bệnh viện lớn thuộc Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM cho thấy tỉ lệ sử dụng kháng sinh không phù hợp chiếm tới 74%. Việc sử dụng kháng sinh không phù hợp khiến thất bại điều trị ở nhóm bệnh nhân này lên tới 63% so với 40% ở nhóm dùng kháng sinh phù hợp. Kết quả nghiên cứu ở 19 bệnh viện ở Hà Nội, TP HCM và Hải Phòng trong những năm gần đây về tình trạng kháng thuốc kháng sinh cho thấy hầu hết các kháng sinh thông thường như: penicillin, tetracycline, streptomycine… hay kháng sinh cephalosporn thế hệ thứ 3 đều đã xuất hiện các khuẩn kháng thuốc.

Theo ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, trên thế giới đã xuất hiện các vi khuẩn kháng với hầu hết kháng sinh, còn gọi là vi khuẩn siêu kháng thuốc. Ở Việt Nam, hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh đang đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Mức độ và tốc độ kháng thuốc ngày càng gia tăng khiến chi phí điều trị tăng lên, ngày điều trị kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người bệnh. 

Cùng hành động để ngăn chặn kháng thuốc

Giữa tháng 9-2013, Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn 2013-2020, đồng thời xây dựng phác đồ sử dụng kháng sinh cho các bệnh điển hình nhằm hạn chế tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh tràn lan. Mục tiêu của kế hoạch là nâng cao nhận thức của nhân dân về kháng thuốc; tăng cường sử dụng thuốc an toàn, hợp lý...

Người lao động

© 2021 FAP
  17,467,802       13/602